Hiệu quả dân vận khéo

16/10/2020 | 08:47 GMT+7

Công tác dân vận giai đoạn 2016-2020 được Ban Dân vận Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia...

“Nhận bằng khen của UBND tỉnh là động lực để tôi tiếp tục tham gia các hoạt động địa phương”, ông Danh Nhọn cho biết.

Nhiều điển hình

Mấy ngày qua, trời mưa nhiều nên tuyến đường nông thôn ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh xuất hiện rong rêu, trơn trợt, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Thấy vậy, ông Danh Nhọn (người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer) cùng một vài người dân vệ sinh, cắt tỉa nhánh cây che khuất tầm nhìn. Đây là một trong những việc làm thường xuyên của ông Nhọn và người dân dành cho khu vực.

Theo ông Nhọn, để người dân tự nguyện tham gia như thế là một quá trình vận động, tuyên truyền. Trước đây, ông vận động người dân tham gia một vài hoạt động ở địa phương như vá đường, sửa cầu... nhưng hiếm được hưởng ứng. Để bà con tự nguyện hưởng ứng, ngoài giải thích ý nghĩa của từng hoạt động, ông phải tiên phong góp sức, tiền bạc trong thực hiện. Dần dần, người dân khu vực 4 tin tưởng nên những năm qua, hoạt động gì ở địa phương ông Nhọn đứng ra vận động đều được ủng hộ.

Cụ thể, tháng 9-2019, đoạn đường cặp kênh chùa sạt lở, ông vận động ban, ngành, đoàn thể địa phương gia cố và trồng cây. Hay cách đây khoảng 2 năm, mặt cầu bắc qua kênh Cống 3 bong tróc, hai bên dốc sụp lún, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Thấy vậy, ông vận động mạnh thường quân và người dân 6 triệu đồng sửa lại cầu.

Ông Nhọn còn cùng với chính quyền địa phương vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt quy định của pháp luật trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, góp phần ổn định địa bàn. Từ những việc làm trên, mới đây ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020.

““Nói phải củ cải cũng nghe”, do đó, bất cứ hoạt động gì cũng có nhiều cách vận động, tuyên truyền cho mọi người hiểu, cùng thực hiện. Đặc biệt, tùy theo hoàn cảnh, phong tục, tập quán của địa phương, dân tộc mà tuyên truyền phù hợp, tránh hiểu nhầm, áp đặt”, ông Nhọn chia sẻ.

Ngoài cá nhân ông, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình, cách làm hay trong vận động người dân tham gia các hoạt động xây dựng địa phương. Như mô hình “Ánh đèn giữ vững an toàn xóm, ấp”, tại ấp 9B, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.

Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, cán bộ Tuyên giáo - Dân vận xã Vị Bình, trước đây đoạn đường này (dài khoảng 500m), vào buổi sáng và tối người dân thường đi thể dục nhưng không có đèn đường. Nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi và an ninh trật tự ổn định, xã vận động mạnh thường quân lắp đèn đoạn này.

Lúc đầu, mạnh thường quân (bà Lý Thị Huỳnh Thắm) ủng hộ lắp 10 trụ đèn (2,8 triệu đồng/trụ) nhưng vẫn còn thưa nên xã tiếp tục vận động bà ủng hộ thêm 5 trụ nữa. Thấy nhu cầu của địa phương cần thiết nên bà Thắm vận động mạnh thường quân ở Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ. Vậy là vài ngày sau, bà Thắm có đủ số tiền để mua 5 trụ đèn hỗ trợ địa phương.

Để hoàn thành sớm lắp đặt, chính quyền địa phương yêu cầu ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân cùng tham gia, sau 2 ngày đã hoàn thành. Hiện nay, vào ban đêm, đèn ở đoạn đường này được thắp sáng trưng… “Gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn nhưng khi nghe địa phương vận động lắp đèn đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nên ủng hộ. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi công dân với xã hội”.

Cần thực hiện đa dạng, phong phú

Thời gian qua, công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên và sâu sát, từ đó từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia.

Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh xây mới 4.000 mô hình, điển hình về “Dân vận khéo” đã và đang phát huy hiệu quả, như: “Đoàn kết 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer”, ở huyện Long Mỹ; “Ấp 5 không” ở huyện Phụng Hiệp; “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành...

Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, chính quyền các cấp chú trọng thực hiện công tác dân vận chính quyền, các nội dung, tiêu chí được cụ thể hóa trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, đồng thời tổ chức thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nhà nước, tạo sự đồng thuận trong dân. Điển hình như mô hình “Tổ tư vấn, viết hộ và trả kết quả tận nhà” tại bộ phận một cửa ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Theo UBND xã Vị Thắng, trước đây trên địa bàn xã có nhiều trường hợp đến làm thủ tục nhưng không biết cách khai báo theo hướng dẫn, hay không biết chữ, viết chậm nên xã thành lập mô hình. Mô hình có nhiệm vụ tư vấn cho những trường hợp thắc mắc khi không rõ nội dung khai báo, viết hộ khi người dân không biết chữ hay có yêu cầu, trả kết quả tận nhà khi người dân yêu cầu.

Để mô hình hoạt động chất lượng, lãnh đạo xã chỉ đạo các đoàn thể cùng phối hợp thực hiện; tuyên truyền cho từng cán bộ phụ trách mục đích, ý nghĩa của mô hình, nâng cao trách nhiệm khi thực hiện công vụ; hàng tháng tổ chức họp để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, khi nhận phản ánh của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ thì kiên quyết xử lý. Do đó, từ khi thành lập (tháng 4-2020) đến nay, bộ phận này đã tư vấn, viết hộ cho gần 1.030 trường hợp, trả kết quả tận nhà là 15 trường hợp, tất cả đều hài lòng về thái độ phục vụ.

Bà Huỳnh Thị Sa, ở ấp 8, đến sửa giấy khai sinh cho cháu. Do không rõ thủ tục nên khi đến bà quên mang một số giấy tờ cần thiết nhưng được cán bộ “Tổ tư vấn, viết hộ và trả kết quả tận nhà” hướng dẫn, kịp thời bổ sung đầy đủ và làm xong chưa đầy 30 phút. “Công nhận làm giấy bây giờ nhanh, gọn. Tôi quên đem một số loại giấy tờ cần thiết, nhưng cán bộ ở đây vẫn niềm nở, ân cần hướng dẫn”, bà Huỳnh Thị Sa cho biết.

Ngoài mô hình trên, tỉnh còn hàng loạt mô hình, cách làm hiệu quả của các cấp chính quyền như: “4 xin, 4 luôn”, “Vì Nhân dân phục vụ”, “Chính quyền thân thiện”... từ đó làm chuyển biến sâu sắc nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong phục vụ Nhân dân.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, để đạt kết quả như trên là do cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp chung tay làm dân vận khéo; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia phong trào thi đua yêu nước. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến các cấp, các ngành và Nhân dân để mỗi ngành, địa phương đa dạng hóa trong thực hiện và kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>