Luôn suy nghĩ, hành động vì lợi ích quê hương

16/04/2024 | 07:38 GMT+7

Hàng năm, cứ gần đến ngày 30-4, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có nhiều hoạt động để tưởng nhớ đến sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có người tuy không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng cũng đóng góp rất nhiều cho ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huy chương, huân chương cao quý.

Người mà phóng viên nhắc đến là ông Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1935, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng và lúc nước nhà bị thực dân Pháp đàn áp, ông nhiều lần muốn thoát ly gia đình để góp sức đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc nhưng không được.

Năm 1962, khi Mỹ - ngụy dồn dân, lập ấp chiến lược để dễ cai trị, đàn áp, lúc này ông cùng với nhiều người trong xã ngày đêm phá gọng kìm của địch.

Cụ thể, là dùng gậy gộc, mã tấu đến những điểm mà địch dồn dân rồi hô hào, yêu cầu trả dân về chỗ cũ. Qua nhiều ngày gây sức ép, địch cũng phải nhượng bộ. “Lúc đó, có nhiều lực lượng tham gia lắm như: du kích xã, học sinh, chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Văn Mạnh giải thích.

Sau đó, ông còn cùng với chính quyền địa phương, người dân đốn cây cất trường; ông đứng ra dạy học, dần dần làm Trưởng Ban giáo dục xã.

Đến năm 1968, ông được phân công làm Chánh Văn phòng Huyện đội Long Mỹ. Năm 1974, ông được huyện Long Mỹ phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Long Phú.

Ông Nguyễn Văn Mạnh kể, thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã Long Phú đã trực tiếp chỉ huy tiêu diệt hai tên ác ôn khét tiếng ở địa phương.

Cụ thể, qua nhiều ngày cử lực lượng theo dõi, tìm hành tung trưởng ấp Nô, đầu năm 1974, khi biết hắn đang ở nhà một mình thì ông dẫn lực lượng đến tận nhà bắt, sau đó xử bắn trước cửa nhà.

Không lâu sau, ông cùng đồng chí mưu trí, gan dạ tổ chức tiêu diệt tên Trưởng đồn Trà Ban Nhỏ khi hắn đang ở tại nhà người quen.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Mạnh tiếp tục công tác tại địa phương trên nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở vị trí nào ông cũng đều đặt lợi ích của đất nước trên hết, trước hết và có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển địa phương.

Ghi nhận những đóng góp đó, ông Nguyễn Văn Mạnh được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huy chương, huân cao quý như: Huy chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen quan trọng khác.

Ông Mạnh có 7 người con (5 trai, 2 gái), có người là cán bộ công an, hải quan, có người là nông dân, nhưng tất cả đều một lòng, một dạ với Đảng, với Bác Hồ, chung tay xây dựng quê hương.

Ông Mạnh cho biết, sau khi về hưu, ông tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội. Đến nay, ông và gia đình vận động cất tặng khoảng 40 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho người dân gặp khó khăn về nhà ở trong và ngoài xã; xây gần 20 cây cầu qua nhiều kênh rạch; phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ mổ tim bẩm sinh cho gần 100 trẻ em và nhiều việc làm có ích, ý nghĩa khác.

Ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: “Nhiều người sau khi về hưu, ít quan tâm đến đời sống của dân, nhưng ông Mạnh thì khác. Hầu như mỗi cây cầu, ngôi nhà tình thương trong và ngoài ấp trên địa bàn xã đều có sự đóng góp của ông. Và nhờ ông mà nhiều con em thuộc diện gia đình khó khăn được đến trường”.

Ông Mạnh tâm sự: “Tôi rất xem trọng cái nghĩa, cái tình, nhất là đối với nơi mà mình “chôn nhau, cắt rốn”. Vì thế, trong điều kiện của mình, tôi luôn muốn đóng góp một phần cho quê hương để ngày càng thay đổi. Tuy tuổi đã cao, đi lại khó khăn những nếu địa phương cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thì tôi sẵn sàng, không của cải thì cũng về mặt tinh thần”.

Tấm gương của ông Mạnh rất đáng để thế hệ hôm nay và mai sau học hỏi, noi theo, từ đó cùng chung sức xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp!

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>