Nâng tầm vị thế phụ nữ Hậu Giang

07/03/2024 | 18:55 GMT+7

Thời gian qua, mỗi hội viên phụ nữ tỉnh rất chủ động góp sức khơi dậy tiềm năng, hiện thực khát vọng làm chủ tương lai, đóng góp tích cực vào sự phát triển của gia đình và xã hội.

Mô hình “Quản lý hội không giấy” đang phát huy hiệu quả từ Tỉnh hội đến cơ sở.

Tự tin làm chủ tài chính, làm chủ tương lai

Thành công với sản phẩm đầu tay - cà phê dừa đặc sản, với bà Trần Hồng Nhiên, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chủ cơ sở kinh doanh Cafe dừa Hồng Nhiên, làm nhiều người phải ngưỡng mộ.

Bà Nhiên chia sẻ: “Chuyện khởi nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tôi là một sự tình cờ. Lúc trước, tôi chỉ là một nội trợ, hàng ngày quanh quẩn ở nhà lo cơm nước, chăm sóc gia đình, con cái, chưa bao giờ có ý tưởng làm bà chủ bán hàng online”.

Thế nhưng, việc khởi nghiệp từ cà phê dừa với bà bắt đầu từ những lời khích lệ, động viên của chị em trên mạng xã hội, khi chị làm 1 vài clip chia sẻ cách phát huy tối ưu hương vị cà phê khi kết hợp cùng dừa rang trên kênh Tiktok.

“Tôi rất thích vị ngọt ngọt và hương thơm của cơm dừa rang nên thường rang ăn kết hợp với chút đường, mà ăn hoài cũng ngán nên tôi nghĩ thử pha cùng với cà phê xem sao. Tôi đã đọc nhiều tài liệu, thấy hạt cà phê kết hợp với tinh dầu dừa rất có lợi cho sức khỏe. Nội trợ mà nên tôi thích chế tạo các món ngon, bổ cho gia đình từ các nguyên vật liệu gần gũi có trong gian bếp gia đình”, bà Hồng Nhiên kể.

“Mình thử làm chơi mà ăn thiệt, hơn 22.000 follow Tiktok cho clip đầu tiên, sau đó nhiều đơn đặt hàng muốn được dùng thử, khám phá món uống độc lạ của mình nên tôi bắt đầu kinh doanh online từ năm 2023 trên sàn thương mại điện tử. Hiện sản phẩm cũng đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu, được cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm”, chủ cơ sở này nói thêm.

Hiện sản phẩm này cũng được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và đã dự Cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, kết quả đạt giải ba.

Sau cuộc thi, sản phẩm cà phê dừa được nhiều người biết đến hơn, doanh số bán hàng ngày càng tăng. Theo chia sẻ, bà livetream bán hàng một ngày thu về hơn 36 triệu đồng là bình thường. Việc “nổ” đơn hàng như “cơm bữa” với sản phẩm mộc, sạch, chất lượng vì không thêm bất cứ phụ phẩm hay hương liệu hóa học nào ngoài 2 nguyên liệu chính là dừa rang và cà phê xay nhuyễn.

Hiện cơ sở của bà Hồng Nhiên đang giúp 4 chị em phụ nữ tại địa phương có việc làm ổn định, thu nhập lo được cho gia đình. Nhiều phụ nữ địa phương trở thành kênh phân phối hàng riêng của bà. Không giữ bí quyết riêng, bà cũng nhiệt tình hỗ trợ chị em thử làm sản phẩm và bán trên mạng xã hội Tiktok.

Bà Hồng Nhiên cho biết: “Giờ tôi không lo kinh tế nhiều nữa. Là phụ nữ đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn khi kinh tế gia đình eo hẹp, có khi trong túi không có được 50.000 đồng nên tôi hiểu được giá trị của sản phẩm chất lượng. Tôi mong muốn chị em phụ nữ ở địa phương tự tin, mạnh dạn phát triển như tôi để có việc làm ổn định. Khi phụ nữ mình tự tin và khẳng định được năng lực, không phụ thuộc tài chính bất kỳ ai thì cuộc sống sẽ tươi vui và nhiều kế hoạch mới hơn cho tương lai”.

Sau thành công với đặc sản cà phê dừa, bà Hồng Nhiên đang ấp ủ kế hoạch thành lập 1 tổ hợp tác, phối hợp cùng chị em có cùng đam mê sáng tạo, khởi nghiệp các sản phẩm chất lượng từ trái chuối xiêm.

Tự tin, sáng tạo, khẳng định năng lực của bản thân, ngoài bà Hồng Nhiên còn có bà Nguyễn Thị Kim Thương, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. Là giáo viên cấp THCS nhưng bằng sự khéo léo, óc sáng tạo, bà đã nâng tầm trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang với 2 sản phẩm là khóm sấy dẻo và khóm sấy muối ớt.

Hay mô hình làm trà mãng cầu của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Đoan, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp…

Các chị giờ đã chủ động, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức, tự tin làm chủ tài chính, làm chủ tương lai. Chị Hồng Đoan chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang nghiên cứu chuẩn bị cho ra thị trường sản phẩm trà tâm sen, đây là sản phẩm hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, tốt cho sức khỏe”.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công 3 lần Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang vào năm 2019, 2021 và 2023, ghi nhận trên 450 ý tưởng và dự án tham gia. Dấu ấn đậm nét là các dự án hội viên phụ nữ tham gia đã và đang được áp dụng vào trong đời sống, mỗi dự án hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, kinh tế gia đình chị em thêm vững.

Đồng hành cùng phụ nữ

Hội LHPN tỉnh đang thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).

Theo đó, Hội đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các tổ chức tín dụng… tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ thủ tục đăng ký thương hiệu, thành lập hợp tác xã…

Sau hơn 6 năm triển khai đã thay đổi “nếp nghĩ” của phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc đối với vai trò tham gia phát triển kinh tế gia đình, thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Đã có hơn 10% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và xuất hiện ngày càng nhiều dự án khởi nghiệp.

Bà Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình vay vốn ngân hàng tăng gia sản xuất, 2 năm nay kinh tế gia đình tôi đã không còn khó khăn. Với đàn heo giống cao sản và heo bán thịt 19 con đang giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Không lo gánh nặng kinh tế, tôi dành nhiều thời gian tham gia công tác hội giúp nhiều chị em khó khăn tự tin vươn lên thoát nghèo”.

Ấp 5 đang thực hiện mô hình “Chị khá giúp chị nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer”, không chỉ giúp chị em tăng gia phát triển kinh tế mà còn hỗ trợ mượn vốn cất nhà. Năm 2023, ấp ghi nhận 1 hộ thoát nghèo.

Bà Sơn Thị Xoàn, ở ấp 5, chia sẻ: “Năm rồi được chị em trong chi hội phụ nữ ấp cho mượn tiền cất nhà không tính lãi, cộng với tiền để dành của gia đình mà tôi đã có được nhà mới. Vợ chồng tôi chí thú làm ăn để tranh thủ trả lại tiền mượn cho chị em. Tôi đang tính mở một quán bán tạp hóa nhỏ để vừa chăm con, vừa kiếm đồng vô đồng ra, học thêm nghề đan lục bình để kiếm thêm thu nhập”.

Bà Xoàn là 1 trong 1.289 chị em phụ nữ toàn tỉnh qua hỗ trợ vươn lên thoát nghèo cuối năm 2023.

Ngoài ra, cùng với việc thực hiện Đề án số 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý đã tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030”, Quỹ hỗ trợ phụ nữ tỉnh Hậu Giang phát triển kinh tế giúp đỡ cho 41 chị mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình khởi nghiệp với tổng vốn hơn 2 tỉ đồng. Hội LHPN tỉnh còn thành lập câu lạc bộ nữ doanh nghiệp và 8 câu lạc bộ nữ kinh doanh ở các huyện, thị thành phố với gần 200 thành viên…

Bà Trần Hồng Nhiên bên sản phẩm Cafe dừa Hồng Nhiên đang rất hút khách hàng.

Tập trung cho nhiệm vụ đột phá

Năm 2024, chọn khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập các trang Fanpage, nhóm zalo… đăng tải thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương nhằm tuyên truyền rộng rãi đến hội viên, phụ nữ, thông qua đó xây dựng mô hình thu hút, tập hợp hội viên qua mạng xã hội.

Điểm sáng là Tỉnh hội đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động hội LHPN vùng đồng bằng sông Cửu Long” và ra mắt, khởi chạy App Phụ nữ Hậu Giang. Nội dung, phương thức trong quản lý và hoạt động hội được chuyển đổi mạnh mẽ thông qua mô hình “Quản lý hội không giấy”, tổ chức hội thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội” cấp tỉnh năm 2024…

Các cấp hội đã vận động trang bị 112 laptop, vận động 100% cán bộ hội các cấp trang bị điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, chuyển tải văn bản, tập huấn… Nhờ đó, giảm đáng kể chi phí trong hoạt động in ấn tài liệu sinh hoạt hội.

Từ tỉnh đến cơ sở có 1 trang Website, 1 trang Fanpage, 98 trang Facebook, 405 nhóm Zalo do Hội thành lập và quản lý, trong đó có 103 nhóm zalo liên kết với hội viên đi làm ăn xa với các cấp hội tại địa phương...

Bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành, cho biết: “Năm 2024, chúng tôi cho ra mắt mô hình “Giáo dục cho trẻ em an toàn trên không gian mạng” để tăng cường kỹ năng cho hội viên phụ nữ có con em sử dụng mạng xã hội thế nào thông minh, an toàn, giúp ích cho việc học, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa gạt. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng các group zalo, facebook, Fanpage để nâng chất những buổi sinh hoạt, họp chi hội”.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Từ chủ đề năm 2024 của Trung ương hội đã định hướng, Tỉnh hội đã triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Trước hết, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thông qua nền tảng mạng xã hội để thực hiện tốt tuyên truyền. Phát huy hiệu quả sổ tay tuyên truyền hàng tháng theo hình thức số hóa; lần lượt số hóa các tài liệu, tư liệu của Hội trong các năm vừa qua để phục vụ cho việc hoàn thiện App phụ nữ Hậu Giang”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>