Người Mường có uy tín ở Hậu Giang

07/04/2021 | 07:44 GMT+7

72 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang có một người Mường. Đó là bà Cao Thị Minh, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp.

Bà Cao Thị Minh dành nhiều thời gian chăm lo việc học của con.

Bà Minh, sinh năm 1978, tại xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình có 5 anh chị em. Do hoàn cảnh khó khăn nên bà “tha phương” nhiều nơi. Khoảng năm 1997, bà “trôi dạt” về tỉnh Đắk Lắk để hái cà phê mướn thì gặp ông Võ Văn Út (chồng bà bây giờ), ngụ ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (làm chung). Sau thời gian tiếp xúc, tìm hiểu, hai người nảy sinh tình cảm, không lâu sau nên nghĩa vợ chồng.

Thành hôn, vợ chồng chuyển về ấp 4, xã Hòa Mỹ sinh sống đến hôm nay. Mới quen và kết hôn với ông Út, bà Minh gặp khá nhiều khó khăn trong sinh hoạt, để thích hợp, bà phải thay đổi rất nhiều. “Đối với dân tộc Mường, hầu hết các bữa ăn chỉ có món luộc và xào, không sử dụng đường trong nêm nếm; ông bà, cha mẹ mất không tổ chức đám giỗ mà đến tết thì làm mâm cơm để cúng; hàng ngày nữ thường mặc áo pắn (áo ngắn), ống tay dài, màu nâu hoặc trắng; đầu thường đội khăn trắng, xanh…”, bà Minh cho biết.

Ngoài ra, bà chưa hiểu biết nhiều về tiếng nói, kiến thức, phong tục tập quán của dân tộc Kinh, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là rào cản không nhỏ trong sinh hoạt, giao tiếp của bà đối với gia đình, người thân bên chồng.

Bằng tình yêu của cô gái Mường, cộng với bản thân chịu khó học hỏi, gia đình bên chồng cảm thông, tận tình chỉ dẫn, dần dần bà Minh hòa hợp với cuộc sống bên chồng. “Nhiều người ở xóm này khi tiếp xúc, nếu tôi không giới thiệu là dân tộc Mường thì họ cũng không biết. Bởi mọi sinh hoạt của tôi bây giờ chẳng khác nào dân tộc Kinh”, bà Minh cho hay.

Sau khi hòa nhập, bà Minh mạnh dạn tham gia các hoạt động ở địa phương, hiện là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 4. Khi vào hội, bà luôn là hội viên tham gia tích cực các hoạt động của Hội và địa phương, nhất là hòa giải các mâu thuẫn trong Nhân dân.

Trước đây ở ấp có một tranh chấp về đất đai giữa 2 hộ. Cụ thể, do ruộng của ông Lại Văn Biện nằm phía sau nhà ông Danh Hội nên mỗi lần đi ruộng ông Biện phải đi nhờ qua phần đất ông Hội. Khi hai bên xảy ra mâu thuẫn, ông Hội rào đường không cho ông Biện đi qua phần đất của mình, từ đó ông Biện gặp khá nhiều khó khăn trong chăm sóc ruộng, nhiều lần hai bên cự cãi.

Thấy vậy, bà Minh cùng với cán bộ ấp tổ chức ra hòa giải. Tại đây, bà Minh hàn gắn mâu thuẫn bằng việc giải thích giá trị của tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau... Thấy thấu tình đạt lý, hai người bắt tay làm hòa, ông Hội mở hàng rào để ông Biện ra vào chăm sóc ruộng.

Ông Hội nói: “Đôi lúc nóng tính, thiếu suy nghĩ dẫn đến mất tình cảm anh em, hàng xóm. Cũng nhờ cô Minh kịp thời hòa giải nên tôi giữ được tình cảm xóm giềng với anh Biện. Tôi rất quý cô Minh vì tính nết điềm đạm, suy nghĩ sâu xa, có trước có sau”.

Theo lãnh đạo ấp 4, ấp có hàng chục hộ thuộc dân tộc thiểu số, mỗi năm xảy ra một vài vụ mâu thuẫn trong gia đình hay xóm giềng, tất cả đều được hòa giải thành, góp vào thành công đó có sự đóng góp của bà Minh.

Không chỉ vậy, bà Minh còn tham gia tích cực các hoạt động của địa phương như: làm hàng rào, góp ý kiến giặm vá cầu, đường...

Cách đây khoảng 4 tháng, dốc cầu 500 trên địa bàn ấp bị sụp, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Thấy vậy, bà Minh trao đổi với lãnh đạo ấp nâng cấp lại dốc cầu. Vậy là khoảng 3 ngày sau, dốc cầu được sửa lại từ nguồn đóng góp của bà con.

 Sự đóng góp của bà Minh cho địa phương là vậy, còn về gia đình bà là người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vác.

Nhằm tăng thu nhập gia đình, bà tận dụng khoảng đất trống sau nhà nuôi từ 40-50 gà, vịt/đợt (mỗi đợt khoảng 4 tháng); lúc rảnh bà làm thuê; hàng ngày thì luôn kiểm tra việc học của con để kịp thời nhắc nhở.

Theo ông Lê Văn Đạt, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hòa Mỹ, hiện xã có 120 hộ dân tộc thiểu số, tất cả đều chí thú làm ăn, riêng hộ bà Cao Thị Minh tiêu biểu hơn cả. “Bà Minh thật sự là tấm gương tiêu biểu, xứng đáng để nhiều đồng bào dân tộc thiểu số học hỏi”, ông Đạt nhận xét.

Bà Minh chia sẻ, tới đây cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, bà sẽ cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền ra dân để tham gia bầu cử đầy đủ.

Bà Cao Thị Minh: “Tuy về ấp 4 sinh sống đến nay hơn 20 năm nhưng tiếng mẹ đẻ tôi vẫn giữ. Mỗi lần điện thoại về quê, tôi đều sử dụng tiếng Mường để trao đổi. Tôi sẽ không ngừng tham gia các hoạt động của địa phương để góp phần giúp xã nhà thêm thay đổi, phát triển”. 

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>