Phản biện xã hội: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra

19/11/2020 | 06:22 GMT+7

Bài 3: Cần có quyết tâm

Để tổ chức phản biện xã hội thật sự có những cái khó, song theo chia sẻ của các đơn vị từng thực hiện công tác này thì có quyết tâm sẽ làm được...

Sự quan tâm của cấp ủy, sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội.

Cần quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ

Quy trình tổ chức phản biện xã hội gồm nhiều bước: xây dựng kế hoạch, chọn thành phần, định hướng nội dung; gửi dự thảo báo cáo cho thành phần tham gia phản biện nghiên cứu… đòi hỏi nhiều công sức và thời gian chuẩn bị. Mặc dù vậy, đáng mừng là đến nay, ngoài cấp tỉnh, cấp huyện thì một số Mặt trận cấp cơ sở đã mạnh dạn tổ chức hội nghị phản biện.

Gần đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A đã tổ chức hội nghị phản biện kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thị trấn 5 năm 2021-2025.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Rạch Gòi, cho rằng, sự quan tâm và quyết tâm là hai yếu tố quan trọng cần có trong tổ chức phản biện xã hội. Sự quan tâm ở đây là của cấp ủy, chính quyền; sự quyết tâm là của tổ chức Mặt trận, phải mạnh dạn đề xuất nội dung với cấp ủy, vượt khó để thực hiện các bước phản biện.

Sau khi tham mưu và được Đảng ủy thị trấn thống nhất về nội dung phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Rạch Gòi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị các bước theo quy định. “Do nguồn lực của Mặt trận thị trấn không đủ nên chúng tôi tranh thủ sự chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ của Đảng ủy, UBND thị trấn và các đoàn thể về kinh phí, công tác chuẩn bị và đóng góp ý kiến. Nói chung là phải chủ động, có quyết tâm và sự phối hợp tốt thì mới làm được. Qua việc tổ chức hội nghị phản biện lần này giúp chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, tạo thuận lợi cho những lần thực hiện sau”, ông Minh chia sẻ.

Là điểm sáng của tỉnh về thực hiện phản biện xã hội, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Long Mỹ đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác này. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, trước hết, cần có sự quan tâm của cấp ủy để tạo điều kiện cho Mặt trận tổ chức phản biện. Công tác phối hợp thực hiện phải chặt chẽ nhằm tập hợp được sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia, chứ nội lực của một mình Mặt trận là không đủ.

“Chưa hết, việc lựa chọn nội dung phản biện phải phù hợp, thiết thực, vừa sức, là những đề án, kế hoạch liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân ở địa phương. Nếu chọn nội dung phản biện dàn trải, quá sức thì hiệu quả mang lại sẽ không cao”, bà Hân chia sẻ.

Nâng cao trình độ cho cán bộ Mặt trận

Để khởi đầu cho một cuộc phản biện xã hội phải kể đến vai trò tham mưu của cán bộ Mặt trận. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phản biện xã hội thì trước hết phải nâng cao chuyên môn, trình độ và năng lực của cán bộ Mặt trận các cấp trong công tác này.

Theo ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tới đây, Mặt trận tỉnh tiếp tục duy trì các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận, trong đó có nội dung về phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận các cấp. Cùng với đó, khi tỉnh có tổ chức hội nghị phản biện thì mời Mặt trận cấp huyện dự; cấp huyện tổ chức thì mời cấp cơ sở. Qua đó để cán bộ Mặt trận các cấp học hỏi được kinh nghiệm và nắm bắt cách thức thực hiện từ thực tế.

Ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, chia sẻ: “Điều trăn trở hiện nay là công tác phản biện xã hội ở cấp cơ sở còn yếu. Để cải thiện tình trạng này không phải chuyện dễ và phải thực hiện từng bước. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng dần nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở về tầm quan trọng của công tác phản biện xã hội, qua đó có sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho Mặt trận thực hiện công tác này. Song song đó, chúng tôi sẽ “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ Mặt trận ở cơ sở, để họ có đủ khả năng lẫn kỹ năng tham mưu, tiến hành tổ chức phản biện xã hội ở đơn vị mình”.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện tốt công tác phản biện xã hội. Bà Thái Thu Xương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết, tới đây sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể trong công tác phản biện xã hội. Hàng năm, Mặt trận các cấp cũng sẽ chủ động và kịp thời báo cáo thường trực cấp ủy, thông báo với chính quyền cùng cấp nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện phản biện xã hội.

Bên cạnh đó là quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của cán bộ Mặt trận về công tác phản biện xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo, các chuyên gia trong các lĩnh vực cùng tham gia công tác phản biện xã hội...

***

Hiệu quả do phản biện xã hội mang lại là rất thiết thực, giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các chính sách, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hợp lòng dân. Thời gian qua, việc thực hiện công tác này còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian gần đây có nhiều khởi sắc. Đây là tiền đề để tin tưởng công tác phản biện xã hội sẽ được thực hiện đạt kết quả hơn nữa thời gian tới. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự nỗ lực, quyết tâm của “người trong cuộc” - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>