Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương:

Tiếp tục giữ gìn, vun đắp sự đoàn kết thống nhất, đưa Hậu Giang phát triển

14/10/2020 | 07:59 GMT+7

Đảng bộ, dân và quân Hậu Giang tiếp tục giữ gìn, vun đắp sự đoàn kết, thống nhất; phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, những kết quả của nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ vừa qua để kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Đó là lưu ý của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Phạm Minh Chính (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Vươn lên từ gian khó

Ông Phạm Minh Chính cho rằng, Hậu Giang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử hào hùng gắn liền với phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Hậu Giang. Trong hòa bình, mảnh đất Hậu Giang lại hiền hòa sông rạch bao quanh, mùa phù sa màu mỡ vun đắp cho hoa màu, cây trái.

Với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm của tiểu vùng tây Sông Hậu, Hậu Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều địa danh đặc sắc: Viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, địa danh chợ nổi Ngã Bảy đã đi vào thơ ca, rừng tràm chim Vị Thủy với hệ sinh thái độc đáo nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long... Đặc biệt, từ cách đây hơn 100 năm với kênh xáng Xà No, công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, Hậu Giang trở thành trung tâm nông sản, lúa gạo sầm uất nhất của miền Tây Nam bộ.

“Từ khi có Đảng đến nay, đồng bào Nhân dân tỉnh Hậu Giang vốn kiên cường, anh dũng trong kháng chiến; cần cù, năng động trong lao động sản xuất; luôn yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; đã sắt son một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, khẳng định.

Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trải qua hơn 16 năm thành lập, từ một tỉnh thuần nông, có xuất phát điểm thấp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự hợp tác, hỗ trợ của các địa phương, cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; hoàn thành và vượt 16/18 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh.

Nổi bật, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ được chú trọng; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Việc quản lý biên chế và tinh giản biên chế được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, góp phần tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được chú trọng. Công tác dân vận có sự đổi mới, sáng tạo theo hướng gần dân, sát cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các phong trào tại địa phương.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khá, bình quân 6,3%/năm. Quy mô kinh tế tăng gần 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị nông sản và hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng bình quân 9,87%/năm, trong đó, ngành công nghiệp chế biến giữ vai trò trụ cột. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân đạt 7,64%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán hàng năm. Dù là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc nhóm dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người. Xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, thay da đổi thịt, khang trang, sạch đẹp hơn.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hơn 2%/năm. Quốc phòng, an ninh được củng cố; chính trị ổn định; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh kết quả đạt được, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn còn gặp phải. Đó là việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng có mặt còn hạn chế, nhất là khâu kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn. Còn có cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số đơn vị mắc sai phạm, vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vượt khó của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa cao. Công tác kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền còn một số hạn chế. Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với xây dựng vị trí việc làm còn lúng túng. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội một số nơi chưa thật sự hiệu quả.

Mặt khác, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội có mặt còn lúng túng, bị động; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp (năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hậu Giang xếp ở vị trí 42/63 tỉnh, thành phố cả nước). Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển thiếu bền vững.

Hợp tác, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chưa tạo được bước phát triển đột phá. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Trên cơ sở kết quả đạt được, kinh nghiệm đúc kết và khó khăn, hạn chế của nhiệm kỳ qua đã được đánh giá một cách thẳng thắn, toàn diện, ông Phạm Minh Chính yêu cầu trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Hậu Giang tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp Nhân dân.

Cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, nguồn lực và khát vọng, chuyển hóa được truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của Hậu Giang thành nguồn lực để phát triển; biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên; phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết; thi đua phấn đấu tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Minh Chính còn yêu cầu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt, nhất là người đứng đầu đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; coi đó là yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi.

Cùng với đó là giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững. Trong đó, hết sức coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng; gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo bao đời nay trên vùng đất Hậu Giang. Tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi với diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, có tác động nhiều mặt đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước nói chung và Hậu Giang nói riêng. Do đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố tác động, tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển mới.

Với truyền thống, văn hóa, cốt cách tốt đẹp của vùng đất và con người “gan dạ anh hùng, như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm” như lời nhà thơ Tố Hữu, ông Phạm Minh Chính tin tưởng rằng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà nhất định sẽ đoàn kết một lòng, có khát vọng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra, sớm đưa Hậu Giang phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Cần xác định công nghiệp là động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế

Trên cơ sở mục tiêu, định hướng của tỉnh, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, gợi ý Hậu Giang cần xác định công nghiệp là động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế của tỉnh; trong đó, phát triển công nghiệp chế biến các nông sản có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch gắn với văn hóa đặc sắc của địa phương, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản phẩm du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 

GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>