Phòng, chống xâm hại trẻ em

19/06/2024 | 10:11 GMT+7

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đòi hỏi các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội cần giúp các em nhận biết và có kỹ năng ứng phó, biết cách tự bảo vệ bản thân.

Tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em luôn cần được quan tâm, đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên.

Từ quan tâm của gia đình

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 4 vụ xâm hại trẻ em, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bậc phụ huynh phải lo đi làm, bọn tội phạm lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi. Cùng với đó các gia đình còn ít chia sẻ về giới tính, vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản với con trẻ. Mặt khác, công nghệ thông tin phát triển, có nhiều trang mạng xã hội đăng, truyền tải các thông tin có nội dung không lành mạnh, có tác động không tốt đến nhận thức của trẻ... Vì vậy, ngoài các giải pháp của ngành chức năng, gia đình cần chủ động bảo vệ con em mình trước vấn nạn này.

Nếu như trước đây, các vấn đề giới tính, hành vi xâm hại trẻ em chị Trần Kim Nhã, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, ít chia sẻ với con gái, hiện nay chị nói nhiều hơn. Chị Nhã bày tỏ: “Chúng tôi chủ động chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này, để con biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình”.

Chị Nhã chỉ cho con biết đâu là nơi nhạy cảm trên cơ thể, không được để người khác đụng vào, kể cả người thân quen. Chị cũng nói để con biết về sự khác biệt của nam và nữ, những thay đổi của cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì. Chị căn dặn con khi ở nhà một mình không mở cửa cho người lạ vào nhà, không nhận quà của người lạ, không nên đi chơi một mình nơi vắng người…

Thực tế cho thấy, để phòng chống xâm hại trẻ em, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng thì gia đình có vai trò vô cùng quan trọng, là “lá chắn” đầu tiên. Sự thiếu quan tâm, mất cảnh giác của gia đình, trẻ dễ rơi vào nguy cơ bị xâm hại, trong đó có những trường hợp đối tượng xâm hại lại chính là người thân, quen biết.

Đến sự chung tay của toàn xã hội

Xâm hại trẻ em dù ở mức độ nào đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển về tâm lý sau này của trẻ. Cùng với gia đình, ngành chức năng, đoàn thể và địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết của mọi người về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền được thực hiện cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bởi chỉ khi nào mọi người nhận thức được xâm hại là một loại tội phạm nhục nhã, cần phải lên án và bài trừ thì sẽ có hành động quyết liệt, cư xử đúng đắn.

Bà Phan Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trong các cuộc họp, sinh hoạt của chi, tổ hội, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền những kiến thức về giới, hành vi xâm hại trẻ em và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại. Từ đó, mọi người chia sẻ lại cho người thân, những người xung quanh, để cùng chung tay phòng, chống vấn nạn này”.

Còn theo ông Đặng Việt Hiểu, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, hàng năm địa phương đều triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em; thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, quan tâm giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, cùng với tuyên truyền, ngành chức năng và gia đình tiếp tục trang bị kỹ năng sống, giúp trẻ nhận biết các hành vi xâm hại. Các địa phương duy trì các mô hình bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Cùng với đó, cộng đồng, xã hội phải kiên quyết phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ngay từ trong mỗi gia đình, khu dân cư, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện…

Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111

Hãy gọi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố giác nếu nghi ngờ, biết, chứng kiến, nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Tổng đài 111 sẽ bảo mật mọi thông tin thông báo, tố giác. Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan lao động - thương binh và xã hội, công an các cấp, UBND cấp xã… để can thiệp và hỗ trợ cho trẻ em, cung cấp dịch vụ và bảo vệ trẻ em.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>