NGHỊ LỰC VƯỢT LÊN SỐ PHẬN CỦA NỮ SINH “TẬT MÀ KHÔNG TẬT” - TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

10/09/2024 | 14:38 GMT+7

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời,Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh là kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập noi theo. Nhằm phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy, Bộ Chính trị triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW  về “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.

Từ khoá: Học tập làm theo Bác, nghị lực, thanh niên.

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh Trường Trung học phổ thông (THPT) Chiêm Thành Tấn đã tổ chức tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các Đoàn viên thanh niên. Phong trào ngày càng có chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, nâng cao kết quả học tập theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác. Các thế hệ đoàn viên, thanh niên trong nhà trường luôn thấm nhuần sâu sắc rằng: Việc học tập và làm theo Bác không đòi hỏi phải bắt đầu ở những việc lớn lao, cao xa  mà từ những công việc nhỏ nhất, thường nhật nhất trong gia đình, ở lớp học. Đó là: làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người công dân trong xã hội; là người cháu, người con tốt trong gia đình; là học trò chăm ngoan của thầy cô, là người bạn tốt đối bạn bè, …. Đoàn viên, thanh niên biết xác định việc học tập và làm theo Bác phải bằng những việc làm cụ thể hằng ngày như: đi học đúng giờ, luôn phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp với khát vọng cống hiến vì tương lai tươi sáng của dân tộc; sống nhân ái, sẻ chia vì cộng đồng; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Qua phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã có nhiều tấm gương sáng của đoàn viên trường THPT Chiêm Thành Tấn về học tập và làm theo gương của Bác, những hành động và việc làm của họ rất đáng được trân trọng và nêu gương. Vượt qua mặc cảm ngoại hình để vươn lên trong học tập, đoàn viên Nguyễn Thị Ngọc Huyền (lớp 12XH2 năm học 2024 - 2025, Trường THPT Chiêm Thành Tấn, Phường 7, TP.Vị Thanh, Hậu Giang) truyền cảm hứng tích cực cho nhiều đoàn viên, thanh niên, một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Nguyễn Thị Ngọc Huyền, gương mặt “dị tật” từ khi chào đời

Tạo hoá gây nên số phận trớ trêu

Tất cả thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Chiêm Thành Tấn và người dân khu vực trường đều biết Huyền vì học sinh này có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mắt phải hỏng, mắt trái lành lặn nhưng bị dị tật bẩm sinh. Hai gò má hiện rõ hai đường khâu chi chít sẹo dài đến môi. Gương mặt mất cân đối vì một bên còn nổi khối thịt u nần, hàng ngày đến trường với chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt vì mặc cảm. Tuy diện mạo xấu xí với biệt danh “Thị Nở” hay “Chung Vô Diệm” mà bạn bè đặt cho, nhưng đọng lại trong trái tim nhiều người là Huyền có vẻ đẹp riêng rất đáng được trân trọng. Đó chính là vẻ đẹp của một con người nghị lực, kiên cường và  đầy lạc quan luôn theo đuổi ước mơ vào đại học. Huyền kể:“Khi còn trong bụng mẹ, em đã phải gánh số phận trớ trêu. Do sinh thiếu tháng nên cơ thể em gầy cõi với 2 vết thương hở trên mặt. Tạo hóa buộc em nằm trên giường bệnh nhiều hơn ở nhà và trải qua 2 cuộc phẫu thuật rất khó khăn. Khi em chưa biết đi, cha mẹ phải gửi cho bà nội trông coi để đi làm thuê kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Ở quê nghèo, bản thân em sớm làm quen với cơ cực, cùng bà nội làm nhiều việc để trang trải cuộc sống qua ngày”. Khi lên lớp 6, Huyền ngày càng ý thức về vẻ ngoài "khó coi" do “khiếm khuyết” của mình khi có bạn gọi là "Thị nở". Những lời lẽ khiếm nhã, chê bai khiến em rất mặc cảm với gương mặt của bản thân mình và không dám xem hình ảnh của bản thân qua gương.

Trong gia đình, ngoài Huyền còn có 3 đứa em, các em của Huyền ai cũng mặt mũi thanh thoát như bao người và được sống gần gũi cha mẹ từ nhỏ đến lớn. Với Huyền, công lao của bà nội và người bác làm nghề thu gom rác là điều mà em luôn khắc ghi mãi trong cuộc đời. Huyền tâm sự: "Em mơ ước ngày nào đó mình có thể thay đổi được diện mạo, không cần xinh đẹp mà chỉ cần có gương mặt bình thường như mọi người đã là điều may mắn và hạnh phúc rồi. Nhưng có lẽ điều này không bao giờ thành sự thật, vì nhà em rất khó khăn".

Nghị lực vượt qua mặc cảm số phận để vươn lên trong học tập

Được sự động viên của thầy cô giáo, các bạn học, những người yêu thương, Huyền đi học bình thường nhưng cũng rất ngại tiếp xúc với mọi người. Huyền vô cùng sợ đám đông, vì đã nhiều lần không giấu được cảm xúc khi bị ai đó đùa cợt là xấu như "Thị Nở" hay “Chung Vô Diệm”. Mặc cảm bản thân nên Huyền sống thu mình trong nhà. Ngoài giờ học trên lớp, sách là những người bạn thân thiết nhất của em. Nhờ vậy Huyền tích luỹ thêm nhiều kiến thức. Kết quả 3 năm liền, từ lớp 6 đến lớp 8 em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Bước sang năm học lớp 9, em dần để ý những lời dị nghị nên thành tích của Huyền dần sa sút: "Lúc đó em quyết định nghỉ học để đi làm. Em biết khuyết điểm của mình nên chỉ dám xin phụ việc ở quán cơm, quán nước bình dân. Dù vậy, người ta cũng không nhận, bảo sẽ thông báo sau nhưng họ không phản hồi gì cả. Sai lầm này làm em trễ học 1 năm, nhưng cũng giúp em nhận ra rằng có lẽ chỉ có việc học là điều cần thiết nhất thay đổi được tương lai và cách nhìn nhận của mọi người đối với mình", Huyền kể. Chính vì vậy, Huyền đã thi vào lớp 10 tiếp tục con đường học tập của mình. Với tinh thần say mê, luôn nỗ lực, phát huy tính tự học, em đã xây dựng thời gian biểu cho mình. Em luôn cố gắng để biết rộng hiểu sâu, học đi đôi với hành, tích cực nghiên cứu sách tham khảo, các học liệu trên internet, học từ thầy cô, bạn bè. Đặc biệt, em còn thường xuyên đọc những mẫu chuyện kể về Bác qua sách, trên các trang mạng, càng đọc Huyền càng bị lôi cuốn chính những câu chuyện về Bác từ đó giúp cho em có niềm tin và nghị lực sống và không ngừng cố gắng vươn lên. Chính từ sự nỗ lực của bản thân, kết quả học tập trong năm lớp 10, 11 của em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi

Nguyễn Thị Ngọc Huyền gương mặc “dị tật” nhưng đầy lạc quan

Không chỉ là học sinh có thành tích trong học tập tốt, Huyền còn là một trong những đoàn viên tích cực tham gia các phong trào hoạt động do lớp và Đoàn trường tổ chức. Thông qua các hoạt động đã giúp em tích lũy thêm được nhiều kiến thức bổ ích để tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Nhận xét về Huyền, các thầy cô bộ môn và chủ nhiệm cho biết: “Huyền là học sinh chăm ngoan, lễ phép, trung thực, khiêm tốn, luôn có trách nhiệm với công việc của lớp, có tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn trong học tập”. Vì vậy, Huyền luôn được bạn bè, thầy cô tin tưởng, yêu mến và được Ban chấp hành Đoàn trường giới thiệu xem xét kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nguyễn Thị Ngọc Huyền ước mơ được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam

Với quyết tâm và nghị lực vượt lên số phận, Huyền đã tự tin chủ động hòa nhập với bạn bè. Bản thân Huyền cũng thay đổi suy nghĩ, luôn bỏ ngoài tai những điều  không hay về mình. Bởi  em nhận ra rằng xung quanh còn rất nhiều người đồng cảm, chia sẻ và mở lòng với mình, thầy cô luôn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho bản thân. "Cho dù hoàn cảnh thế nào, chính mình biết yêu thương bản thân luôn là liều thuốc hiệu quả nhất làm vơi đi những muộn phiền, suy nghĩ tiêu cực. Em lấy điều này làm phương châm sống để vững vàng hơn trên hành trình chinh phục ước mơ làm sinh viên đại học. Em hy vọng sẽ trở thành một luật sư trong tương lai để gia đình cảm thấy tự hào, dù em rất xấu xí", nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Huyền tâm sự.

 

Vượt qua mặc cảm, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (giữa) tự tin cùng bạn

Mỗi cuộc đời, mỗi số phận. Hãy sống mạnh mẽ như xương rồng trên sa mạc, lạc quan như chú hề, can đảm như chiến binh dũng mãnh, biến cuộc đời thành một sân khấu để thể hiện giá trị của bản thân. Sự cố gắng, phấn đấu của em Nguyễn Thị Ngọc Huyền – một học sinh biết vượt qua được những khó khăn của số phận trong cuộc sống, có ý thức rèn luyện đạo đức, học tập và làm theo tấm gương của Bác, sẽ là hành trang quý báu giúp em chạm tới ước mơ và thành đạt trong tương lai. Tinh thần vượt khó, ham học hỏi của em sẽ là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau của Trường THPT Chiêm Thành Tấn và học sinh các trường trên địa bàn học tập noi theo.

 

NGUYỄN QUỐC SỞ

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ III-năm 2024. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>