Thực trạng và giải pháp nâng cao niềm tin của người dân tỉnh Hậu Giang

18/07/2024 | 13:45 GMT+7

Xây dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền và cấp ủy sẽ là nền tảng phát huy sức mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội. Trong bài viết này nhóm tác giả dựa trên số liệu khảo sát để phân tích thực trạng về niềm tin của người dân với chính quyền tỉnh Hậu Giang. Trên cơ sở những hiểu biết về thực trạng, bài viết đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm xây dựng và nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp ủy và chính quyền tỉnh Hậu Giang.

1. Giới thiệu

Tỉnh Hậu Giang thành lập năm 2004 theo theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI về việc chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang. Trong chặng đường 20 năm phát triển, Hậu Giang đã đạt được những thành tựu phát triển bứt phá và toàn diện trên các lĩnh vực. Trong năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,27%, xếp thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh xếp thứ nhất vùng ĐBSCL và thứ hai cả nước (năm 2022 xếp thứ tư). Diện mạo Hậu Giang có nhiều thay đổi với hệ thống hạ tầng giao thông đổi mới, đồng bộ từ nông thôn đến thành thị, kinh tế phát triển và trở thành điểm sáng của cả Vùng và cả nước trong những năm gần đây.

Những thành tựu đạt được là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của cấp uỷ, chính quyền và sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, doanh nghiệp. Niềm tin của người dân với chính quyền và cấp ủy cũng là nền tảng và động lực cho những cố gắng xây dựng một chính quyền hiệu quả, do dân và vì dân. Chủ chương “xây dựng Đảng, Chính quyền trong lòng Nhân dân” đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV biểu quyết thông qua (phần giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025), chính là xây dựng một chính quyền giành được sự hài lòng và niềm tin của người dân, xem đó là nền tảng cho phát huy các sức mạnh của tỉnh. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả dựa trên số liệu khảo sát mẫu của 1202 người dân trong tỉnh để phân tích thực trạng về niềm tin của người dân. Trên cơ sở bức tranh chung thực trạng sẽ có những gợi ý nhằm giữ vững, nâng cao sự tin yêu của người dân dành cho chính quyền và xây dựng một chính quyền “trong lòng nhân dân”.

2. Khái niệm niềm tin và một số vấn đề về niềm tin

Niềm tin là một khái niệm mang tính khái quát hơn nhiều so với sự hài lòng, và thường được coi là một chỉ số dễ xây dựng và dễ tiếp cận. Về niềm tin, là một khái niệm có nhiều khía cạnh (Thomas 1998, Cheema 2005, Christensen and Lægreid 2005, Islam and Mahmud 2015), phức tạp (Christensen & Lægreid, 2005; Thomas, 1998), và khá mơ hồ (Christensen & Lægreid, 2005). Là một khái niệm nhiều mặt, niềm tin vào chính quyền đề cập đến kỳ vọng của người dân về loại hình, hoạt động và sự tương tác của chính quyền với người dân cũng như hành vi của các nhà lãnh đạo chính trị, công chức và bản thân người dân (Cheema, 2010; Islam & Mahmud, 2015). Thomas (1998) thì ngược lại cho rằng niềm tin dựa trên lòng tin hơn là kỳ vọng.

Niềm tin có nghĩa là có nhận thức tích cực về hành động của một người hoặc một tổ chức. Đáng kể hơn, niềm tin vào chính quyền đề cập đến mức độ tin tưởng của người dân vào chính quyền của họ để “làm điều đúng đắn”, hành động đúng đắn và trung thực thay mặt cho người dân (Barnes and Gill 2000). Niềm tin cũng là sự sẵn sàng giao phó cho chính quyền hành động thay mặt người dân dựa trên sự tin tưởng rằng họ có khả năng đưa ra quyết định hiệu quả bằng cách tính đến lợi ích của dân chúng (Houston and Harding 2013). Niềm tin vào chính quyền đề cập đến kỳ vọng của người dân về loại hình, hoạt động và sự tương tác của chính quyền với người dân cũng như hành vi của các nhà lãnh đạo chính trị, công chức và bản thân người dân (Cheema, 2010; Islam & Mahmud, 2015).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mức độ tin tưởng vào chính quyền, dù cao hay thấp, cũng không chỉ xuất phát từ hiệu quả hoạt động của các tổ chức và thể chế. Niềm tin lớn không có nghĩa là đơn vị đó vận hành hiệu quả và niềm tin thấp cũng không đồng nghĩa với việc đơn vị đó vận hành chưa tốt (Van de Walle và Bouckaert, 2003). Mức độ tin tưởng vào chính quyền của người dân có thể hoàn toàn không liên quan đến những gì mà chính quyền đã và đang làm. Khi so sánh niềm tin của người dân với chính quyền giữa các nước với nhau, cần tính đến tầm quan trọng và tính hấp dẫn của niềm tin dành cho chính quyền. Phần lớn nghiên cứu ở khu vực Tây Âu coi niềm tin vào chính quyền là một nhân tố không thể thiếu đối với hoạt động của chính quyền. Các nghiên cứu Anglo-Saxon, mặt khác, lại cho rằng niềm tin thấp lại là một biểu hiện của một nền chính trị dân chủ vững mạnh, vì niềm tin lớn dành cho chính quyền sẽ khuyến khích tính “đàn áp” của chính quyền. Điều này hàm ý rằng, ở một mức độ nhất định, thiên kiến về chính trị - xã hội luôn tồn tại trong thái độ và niềm tin của người dân với chính quyền. Niềm tin lớn và mức độ hài lòng cao không phải lúc nào cũng phản ánh cái mà chúng ta thường gọi là “quản trị tốt”. Những nhà cai trị độc tài thường thu hút và tạo được niềm tin khổng lồ từ công chúng một cách rõ rệt và các mối quan hệ được thiết lập qua “các chính sách mang tính bảo trợ” thường có mức độ hài lòng của người dân tương đối cao. Các chỉ số đo lường niềm tin và sự hài lòng do vậy cần phải được lý giải trong những bối cảnh cụ thể. Dù vậy, sự tín nhiệm của người dân với chính quyền dường như chịu ảnh hưởng, dù chỉ một phần, và được quyết định bởi các yếu tố văn hóa (Hofstede 1984). Điều đó không có nghĩa rằng niềm tin dành cho chính quyền là một biến số không thay đổi. Ngược lại, bản chất của sự tín nhiệm dành cho chính quyền luôn luôn thay đổi. Ý nghĩa và nội dung của thuật ngữ này đã thay đổi, trước hết bởi định nghĩa của nó cũng đã thay đổi theo thời gian. Trước đây, mức độ tín nhiệm của chính quyền thường gắn với niềm tin rằng chính quyền sẽ không trở nên độc đoán, chuyên quyền hoặc bắt giữ người dân vô cớ, thì nay khái niệm này đã được đặt cạnh những vấn đề mang tính thực tiễn hơn như năng lực đảm bảo cung ứng dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước hoặc kỳ vọng rằng các chính sách của chính quyền sẽ giúp giải quyết những mong ước và nguyện vọng của người dân.

Các yếu tố quyết định sự tín nhiệm của người dân dành cho chính quyền không nhất thiết phải giống nhau đối với tất cả các nước, các nền văn hóa và chính trị, thậm chí có thể thay đổi theo thời gian. Trong những hệ thống chính trị có các dịch vụ công được cung ứng và vận hành một cách trơn tru, hoàn hảo, đánh giá về chất lượng dịch vụ công có thể sẽ không ảnh hưởng đến niềm tin của người sử dụng dịch vụ dành cho chính quyền. Trong khi đó, sự xuất hiện của một số sự kiện nhất định lại có thể có tác động đáng kể đến niềm tin của người dân dành cho chính quyền. Khi đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể tách lọc ảnh hưởng của một sự việc cụ thể khỏi chỉ số niềm tin. Hiện tại, việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người dân dành cho chính quyền là chưa rõ ràng, và cũng khó có thể khẳng định những yếu tố này có liên quan tới chính quyền.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều quan điểm nghiên cứu khác nhau về niềm tin dành cho chính quyền và cách thức cải thiện sự tín nhiệm của người dân dành cho chính quyền. Chẳng hạn, một số cách tiếp cận cho rằng niềm tin dành cho chính quyền là một yếu tố mang tính ngoại vi, không xuất phát từ bên trong bộ máy Nhà nước. Nhìn chung, các cách tiếp cận của một số nghiên cứu truyền thống tương đối khác nhau về cả nội dung, giải pháp cải thiện, hồi phục niềm tin dành cho chính quyền và cả những dự đoán về nguyên nhân khiến niềm tin của người dân dành cho chính quyền bị sụt giảm.

Các lý thuyết về quản trị đã lý giải rằng việc người dân mất niềm tin vào chính quyền xuất phát từ hoạt động kém hiệu quả, thậm chí tệ hại, của các hệ thống chính quyền và niềm tin có thể được khôi phục nếu chất lượng dịch vụ công được cải thiện. Sự trì trệ của chính quyền trong việc thực hiện các chức năng của mình khiến người dân có xu hướng tận dụng các khả năng vốn có để “rút lui khỏi thị trường” (sử dụng các dịch vụ khác nếu có thể, không trả thuế) hoặc cất tiếng nói (chuyển phiếu bầu cho các đảng phái chính trị khác, gửi đơn thư khiếu nại phàn nàn). Khả năng xảy ra những hành vi như trên và xảy ra ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào sự trung thành của người dân với chính quyền (Hirschman 1970).

Các cách tiếp cận trong lý thuyết về hành chính công cũng thường gắn hiệu quả hoạt động với niềm tin. Điểm khác biệt ở đây là tình trạng hoạt động kém hiệu quả của chính quyền thường xuất phát từ tình trạng quá tải trong hệ thống: chính quyền không còn khả năng đáp ứng các nhu cầu ngày càng dâng cao của người dân hoặc các nhu cầu của người dân đi ngược lại với sứ mệnh và tầm nhìn của chính quyền. Giải pháp được đề xuất, theo đó, chính là quản trị kỳ vọng: chính quyền có thể khuyến khích người dân kìm hãm bớt nhu cầu lại hoặc xử lý trực tiếp những điểm mâu thuẫn trong một số nhu cầu nhất định của người dân.

Các lý thuyết xã hội học lại nhìn nhận sự mất niềm tin theo hướng một hiện tượng xã hội ở phạm vi rộng lớn hơn, là nguyên nhân gây ra một loạt phản ứng dây chuyền phía sau như rút lui, lên tiếng, khẳng định sự trung thành và gây mất ổn định trật tự xã hội. Cách tiếp cận này cũng khẳng định sẽ không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể phục hồi niềm tin một cách hiệu quả, và việc thay đổi chính quyền là không đủ để cải thiện niềm tin của người dân với chính quyền. Cách tiếp cận của các nhà kinh tế học lại dựa trên việc đặt vấn đề về niềm tin vào khung phân tích ông chủ và người đại diện. Tùy thuộc vào việc liệu một xã hội có tồn tại niềm tin giữa người dân và chính quyền hay không mà xã hội đó sẽ có sự hợp tác hay phân cực giữa các bên. Sự tham gia có thể tạo nên niềm tin, bởi nó giúp xác định và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, đồng thời giúp các hành vi của mỗi chủ thể không còn đột ngột và trở nên dễ dự báo hơn.

Nhìn chung, niềm tin là một chỉ số kết quả quan trọng của quản trị công. Niềm tin thể chế là một khái niệm đa chiều và cung cấp thước đo về cách người dân nhìn nhận chất lượng và mối liên hệ của họ với các tổ chức chính quyền ở các quốc gia dân chủ ((Brezzi, González et al. 2021). Đầu tư của chính quyền vào việc củng cố niềm tin là đặc biệt quan trọng trong thời kỳ xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng. Niềm tin vào các tổ chức công khác nhau giữa các quốc gia, do các yếu tố văn hóa, kinh tế xã hội và thể chế. Tuy nhiên, Khảo sát niềm tin của OECD đầu tiên đã tìm thấy những động lực tương tự tạo nên niềm tin của công chúng ở các quốc gia được khảo sát (OECD 2023).

Trong nghiên cứu này chúng tôi dựa trên nghiên cứu của Beshi (2020) đo lường niềm tin theo các chiều cạnh: (1) tin rằng chính quyền hành động vì lợi ích người dân, (2) tin rằng chính quyền có năng lực, (3) tin vào hiệu quả điều hành.

3. Thực trạng niềm tin của người dân

Niềm tin của người dân đối với chính quyền và hệ thống chính trị địa phương trong bài viết được đo lường bởi 3 chiều cạnh đại diện cho hành động, năng lực và hiệu quả của chính quyền được trình bày ở bảng 1. Theo đó, người dân cho điểm trung bình của 3 chiều cạnh khá cao với trung bình 4.5 điểm. Điểm cho các chiều cạnh cũng không có nhiều sự chênh lệch. Điểm thấp nhất có 1 điểm, và điểm cao nhất là 5 điểm.

Bảng 1: Niềm tin của người dân đối với chính quyền (trung bình)

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu khảo sát

Bên cạnh đó, ở cả 3 chiều cạnh vẫn còn các điểm số 1,2,3 (nhóm rất không tin, không tin tưởng). Trong đó 6.32% người được hỏi chưa đủ tin tưởng vào việc chính quyền hành động vì lợi ích người dân và năng lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Có 5.43% người được hỏi chưa tin tưởng vào hiệu quả điều hành của chính quyền và hệ thống chính trị (Bảng 2). Như vậy, có trên 90% người dân tin hoặc rất tin tưởng vào hành động, năng lực và hiệu quả của chính quyền.

Bảng 2: Niềm tin của người dân đối với chính quyền (%)

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu khảo sát

Tương tự như sự hài lòng, kết quả phân tích thống kê cho thấy người dân có trình độ cao thể hiện sự tin tưởng nhiều hơn đối với bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị địa phương. Điểm trung bình của các chiều cạnh tăng dần theo trình độ học vấn. Với chiều cạnh hành động của chính quyền vì lợi ích người dân ở trình độ THCS điểm trung bình khoảng 4.36, trình độ THPT là 4.53, trình độ cao đẳng và TH chuyên nghiệp là 4.66, trình độ đại học điểm trung bình là khoảng 4.7 (Hình 1). Tương tự, ở chiều cạnh tin tưởng vào hiệu quả của chính quyền, người dân có trình độ THCS cho điểm 4,41 thì ở trình độ đại học là 4.67 điểm.

Hình 1: Niềm tin của người dân theo trình độ giáo dục

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu khảo sát

Xét về giới tính, tương tự như sự hài lòng thì nữ có xu hướng ít tin tưởng vào chính quyền hơn nam khi điểm số trung bình có thấp hơn. Chẳng hạn ở chiều cạnh tin tưởng vào hành động của chính phủ vì lợi ích của người dân ở nhóm nữ có điểm trung bình là 4.4, thì ở nhóm nam là 4.49. Ở chiều cạnh năng lực thì nữ cho điểm trung bình 4.48 và Nam là 4.89. Trong khi đó, chiều cạnh về hiệu quả thì nữ cho điểm 4.46 và nam 4.52. Như vậy có sự chênh lệch nhưng không nhiều, chênh lệch khoảng 0.05 điểm (Hình 2).

Hình 2: Niềm tin của người dân theo giới tính

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu khảo sát

Về nhóm dân tộc, kết quả cho thấy người Kinh có xu hướng tin tưởng nhiều vào chính quyền hơn nhóm người dân tộc khác. Chẳng hạn, ở chiều cạnh hành động của chính quyền thì điểm nhóm người dân tộc khác trung bình là 4.29, trong khi điểm trung bình của nhóm người Kinh là 4.48. Tương tự, ở chiều cạnh năng lực người dân tộc khác cho điểm trung bình là 4.27, trong khi người Kinh cho điểm trung bình 4.5. Chiều cạnh hiệu quả điểm người dân tộc cho trung bình là 4.35, người Kinh là 4.5. Như vậy, điểm trung bình chênh lệch khá cao giữa hai nhóm, ở 3 chiều cạnh điểm trung bình chênh khoảng từ 0.19 đến 0.22 điểm (Hình 3).

Hình 3: Niềm tin của người dân theo nhóm dân tộc

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu khảo sát

4. Kết luận và một số hàm ý chính sách

Từ kết quả phân tích số liệu khảo sát về niềm tin của người dân đối với chính quyền có thể thấy một số kết luận sau: (i) người dân đặt niềm tin cao vào chính quyền tỉnh khi điểm số trung bình các chiều cạnh đo lường là trên 4, (ii) người có thu nhập cao có xu hướng tin tưởng vào chính quyền hơn, (iii) nam giới có xu hướng tin tưởng chính quyền hơn nữ giới, (iv) người dân tộc khác có mức độ tin tưởng thấp hơn người Kinh.

Trên cơ sở các phát hiện trên, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách sau:

i) Chú trọng vào phát triển giáo dục và nâng cao trình độ học vấn cho người dân

Các kết quả khảo sát chỉ ra người dân có trình độ học vấn cao thường có xu hướng hài lòng, và tin tưởng vào chính quyền hơn. Do vậy, nỗ lực nâng cao trình độ học vấn không chỉ là chính sách xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh mà còn là các biện pháp chính sách xây dựng một chính quyền mang lại sự hài lòng và tin tưởng của người dân.

ii) Chú trọng chính sách về giới và dân tộc

Các kết quả phân tích số liệu khảo sát cho thấy, có sự chênh lệch trong đánh giá về sự hài lòng giữa nam và nữ, cũng như giữa người dân tộc khác và dân tộc Kinh. Do vậy, các chính sách nâng cao sự hài lòng và niềm tin người dân cần có những thiết kế riêng hướng tới các chính sách về giới và dân tộc.

iii) Xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo việc làm

Đảm bảo thu nhập, việc làm, giảm tỷ lệ nghèo góp phần mang lại niềm tin của người dân. Các chính sách khuyến nghị như: (i) đặt ra các mục tiêu về thu nhập, việc làm, và giảm nghèo cùng với các chiến lược, chương trình và kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó, (ii) triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và tạo việc làm, ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn khó khăn, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, (iii) có các chính sách, chiến lược việc làm cho từng ngành riêng, từng lĩnh vực và từng địa bàn.

 

Ths. Nguyễn Thị Thùy Linh - Hội LHPN tỉnh Hậu Giang

Ts. Trần Thị Hà - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

 

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ III-năm 2024. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>