XÂY DỰNG ĐẢNG “HỌC BÁC ĐỂ NÊU GƯƠNG”

10/09/2024 | 15:17 GMT+7

Tóm tắt: Trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đóng vai trò quan trọng và hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt công tác này lên hàng đầu, nhằm tạo nền tảng chính trị mạnh mẽ, đồng thời xây dựng một Đảng đúng đắn, gắn bó với nhân dân và tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia.

Từ khóa: Xây dựng Đảng, gương mẫu, nêu gương.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có những việc làm cụ thể trong công việc, cuộc sống để góp phần xây dựng quê hương. Qua đó, nhân lên niềm tin và tạo động lực để Nhân dân địa phương cùng học tập, làm theo.

Bottom of Form

Gương mẫu đi đầu

Gương sáng cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh những năm qua rất nhiều. Thời gian đầu thành lập tỉnh (năm 2004) là những tấm gương tiên phong, khắc phục khó khăn để khai phá vùng đất mới; những năm sau đó là những tấm gương tận tụy chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế, kêu gọi đầu tư; gương sáng về học tập và làm theo gương Bác...Khó khăn dần qua thì Hậu Giang xuất hiện những tấm gương cán bộ, đảng viên lãnh đạo đi đầu xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; phát triển nông nghiệp bền vững… Tất cả đã góp phần vẽ lên một bức tranh Hậu Giang những gam màu sáng.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tham mưu, quán triệt, cụ thể hóa các quy định của Đảng; xây dựng thành những quy định cụ thể, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 3-4-2013 “Về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 1972-QĐ/TU ngày 23-5-2019 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị”. Những quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được thực hiện đồng bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm hướng dẫn của Trung ương về “Xây dựng bản cam kết, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng”, “Gợi ý một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)”. Theo đó, căn cứ vào những nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nội dung Chỉ thị 05 và quy định về trách nhiệm nêu gương, khi xây dựng kế hoạch, chương trình, nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, các cấp ủy, chính quyền chủ động, ưu tiên chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm đưa vào nội dung kế hoạch, chương trình, nghị quyết hằng năm để giải quyết.

Tập trung quán triệt sâu kỹ, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các quy định của Trung ương, của tỉnh, Hậu Giang đã sớm hình thành tinh thần “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Việc thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đạt được nhiều kết quả tích cực; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực hiện khá nghiêm túc, đầy đủ các nội dung phải nêu gương.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương ở các nội dung: Chính trị, tư tưởng; đạo đức lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Đa số người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu gương tốt trong tác phong, lề lối làm việc, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; làm việc có phương pháp khoa học, thực hiện đúng quy định, nguyên tắc. Trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng trên các lĩnh vực; nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điển hình 2 năm gần đây là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiên phong nêu gương trong phòng, chống dịch Covid-19; không ngại khó, ngại khổ, xung phong ngày đêm ở tuyến đầu để chống dịch, giữ bình yên cuộc sống. Trong hai đợt sinh hoạt chính trị lớn là Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dù nhiệm vụ thường xuyên không giảm và phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhưng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu kép.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cũng đặc biệt quan tâm củng cố mối quan hệ mật thiết với Nhân dân; thực hiện tốt việc tiếp dân định kỳ và đột xuất, đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại chính đáng của dân. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 480 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đúng thẩm quyền; tổ chức tiếp dân định kỳ và đột xuất hơn 2.200 cuộc; tổ chức đối thoại trực tiếp và đột xuất trên 50 cuộc. Nổi bật nhất là tỉnh tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại các xã, thị trấn, với trên 10.000 đại biểu tham dự và đóng góp hơn 1.860 ý kiến.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị; quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình xây dựng Đảng, nhiều cấp ủy đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình để cùng nhau khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Từ năm 2017-2021, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình được tổ chức đạt yêu cầu đề ra, kiểm điểm đúng quy trình từ lãnh đạo cao nhất đến cấp thấp hơn. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện kiểm điểm sâu đối với tập thể và 2 cá nhân; đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm đó là: Việc nắm bắt và giải pháp xử lý tình hình dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời, lúng túng; chưa chủ động phát hiện các sai phạm, chưa làm tốt công tác hậu kiểm tra; chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở chuyển biến còn chậm; tuy mức độ không cao nhưng có lúc, có đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy có biểu hiện suy thoái biểu hiện như: còn nể nang, ngại va chạm, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong công việc… Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục và đến nay cơ bản sửa chữa được các hạn chế, khuyết điểm.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên giám sát gắn với phản biện, phê bình những cán bộ lãnh đạo nêu gương hình thức, nêu gương vì động cơ, mục đích cá nhân; kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký nêu gương của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị; việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của tập thể, cá nhân và cán bộ, đảng viên. Hằng năm, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các chi bộ, đảng bộ cơ sở trong việc triển khai thực hiện quy định. Do vậy, đã góp phần tác động, hiệu quả tích cực đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhiều kết quả tích cực

Nêu gương trong cán bộ, đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian qua ở tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần dẫn dắt, chi phối xã hội, lãnh đạo nhân dân nghe theo, làm theo, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh thực hiện trách nhiệm nêu gương ở các nội dung: chính trị, tư tưởng; đạo đức lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.

Qua đánh giá, với ý thức chính trị cao trong lãnh đạo địa phương, đơn vị phát triển đúng định hướng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm nêu gương trong tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm hướng dẫn của Trung ương về “Xây dựng bản cam kết, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng”, “Gợi ý một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)”. Theo đó, căn cứ vào những nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nội dung Chỉ thị 05 và quy định về nêu gương, khi xây dựng kế hoạch, chương trình, nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, các cấp ủy, chính quyền chủ động, ưu tiên chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm đưa vào nội dung kế hoạch, chương trình, nghị quyết hàng năm để giải quyết.

Về gương mẫu trong đạo đức, lối sống, phải khẳng định rằng, cán bộ, đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh rất quan tâm gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về nêu gương. Luôn là tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; phát huy tốt tinh thần đoàn kết nội bộ.

Trong tác phong, lề lối làm việc, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, tuyệt đại đa số có phương pháp khoa học, thực hiện đúng quy định, nguyên tắc công việc; năng động ứng dụng công nghệ; rất nhiều cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và động viên thuộc cấp mạnh dạn sáng tạo.

Gương sáng cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh những năm qua rất nhiều. 2 năm gần đây nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiên phong nêu gương trong phòng, chống dịch Covid-19; họ không ngại khó, ngại khổ, xung phong ngày đêm ở tuyến đầu để chống dịch, giữ bình yên cuộc sống. Trong hai đợt sinh hoạt chính trị lớn là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dù nhiệm vụ thường xuyên không giảm và phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhưng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu kép.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng đặc biệt quan tâm củng cố mối quan hệ mật thiết với Nhân dân; thực hiện tốt việc tiếp dân định kỳ và đột xuất, đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại chính đáng của dân. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 480 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đúng thẩm quyền; tổ chức tiếp dân định kỳ và đột xuất hơn 2.200 cuộc; tổ chức đối thoại trực tiếp và đột xuất trên 50 cuộc. Nổi bật nhất là tỉnh tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh... có trên 10.000 đại biểu tham dự với hơn 1.860 ý kiến đóng góp của dân được ghi nhận, giải quyết.

Trong nêu gương tự phê bình và phê bình, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện vào các cuộc họp định kỳ và đột xuất. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình xây dựng Đảng, hầu như đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình để cùng nhau khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Từ năm 2017-2021, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình được tổ chức đạt yêu cầu đề ra, kiểm điểm đúng quy trình từ lãnh đạo cao nhất đến cấp thấp hơn; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền rất quan tâm kiểm điểm cụ thể, đầy đủ, sâu sát, không qua loa, hình thức.

Nêu gương sáng về tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ cũng được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm, trong đó thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thực hiện nề nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị; quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ. Gương mẫu chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức và yên tâm công tác; tích cực đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết trong nội bộ…

Cùng với đó là kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe làm gương. Ở mặt công tác này, dù chẳng muốn nhưng để đảm bảo răn đe và phòng ngừa chung, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã chủ động chỉ đạo phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha.

Phải khẳng định rằng, nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thời gian 5 năm qua được thực hiện khá nghiêm túc, đầy đủ các nội dung phải nêu gương; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thấm nhuần lời dạy của Bác về nêu gương của đảng viên đó là “đảng viên đi trước, làn nước theo sau”; “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Khi cán bộ, đảng viên biết làm gương, nêu gương trong công tác, trong lối sống, trong mọi hoàn cảnh thì sẽ có sức dẫn dắt, chi phối xã hội, dễ dàng lãnh đạo nhân dân nghe theo, làm theo thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kinh nghiệm rút ra được từ nêu gương

Có những nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh. Trong đó, giai đoạn đổi mới, hội nhập phát triển, do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nên ít nhiều ảnh hưởng đến sự nêu gương của đảng viên và nêu gương chưa toàn diện… Có thể thấy, từng lúc, từng nơi, vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hậu Giang cũng có những hạn chế; số ít vi phạm về nêu gương làm ảnh hưởng đến một số tổ chức đảng và cá nhân đơn vị mình.

Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu gương, Hậu Giang rút ra được các bài học kinh nghiệm sau để có thể áp dụng trong thời gian tới.

Trước hết, đó là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, quy định về nêu gương, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xác định suốt đời học tập và làm theo gương Bác.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định nêu gương chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống là hàng đầu. Bởi khi có nhận thức đúng đắn sẽ là nền tảng vững chắc để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đơn vị, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước.

Cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải có động cơ nêu gương, làm gương trong sáng, thực hiện thường xuyên, liên tục, đến nơi đến chốn các nội dung tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và nội dung đoàn kết nội bộ. Quan tâm tiên phong thực hiện những việc khó, việc lớn; nêu gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với việc công, vì lợi ích chung.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp luôn giám sát gắn với phản biện, phê bình những cán bộ lãnh đạo nêu gương hình thức, nêu gương vì động cơ, mục đích cá nhân; kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm điều cấm của Đảng.

Cuối cùng là phải thường xuyên quán triệt các quy định về nêu gương ở các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên hiểu sâu, nắm vững cùng với tập thể tạo ra phong trào thi đua nêu gương sáng nhằm tác động, dẫn dắt toàn xã hội thực hiện nhiều việc tốt, góp phần làm cho phương thức lãnh đạo của Đảng về nêu gương hiệu quả hơn, sâu sắc hơn.

Tấm gương cụ Nguyễn Văn Nhành làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Tuổi cao chí càng cao”, Người cao tuổi ở huyện Vị Thủy luôn nêu gương sáng trong rèn luyện, trong lao động và sản xuất. Mỗi việc làm của các cụ không chỉ là gương sáng cho con cháu, mà còn góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiêu biểu phải kể đến là ông Nguyễn Văn Nhành, ở ấp 2 xã Vĩnh Thuận Tây.

Đến ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, hỏi về ông Nguyễn Văn Nhành thì ai cũng biết với tên gọi thân thiện là ông Mười Sáu. Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn luôn tận tụy, cùng với lớp người cao tuổi ở địa phương hết lòng vì công việc chung của ấp. Đối với Ông, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là từ những điều đơn giản, những công việc hàng ngày của bản thân, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Điều tâm huyết nhất của ông là muốn nhắc nhở thế hệ con cháu cần gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn Nhành chia sẻ. “Con cháu đông tôi không dạy bằng lời mà dạy bằng hành động của mình, mình làm sao để con cháu thấy làm theo mình, đặt chữ đức lên hàng đầu, dạy con cháu sống không tham lam là tốt nhất, bà con mấy tin tưởng mình mình mấy có uy tín, vận động con cháu, bà con lối xóm chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước”. Bên cạnh việc dạy con cháu hướng đến “Chân thiện mỹ” ông Nhành còn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào cách mạng của địa phương. Tiêu biểu là ông cùng với chi hội người cao tuổi ở địa phương đứng ra vận động bà con Nhân dân, xây dựng tuyến đường giao thông nông với chiều dài 2km, phải có cột cờ, trồng hoa kiểng, tạo cảnh quang đẹp, chung ta xây dựng nông thôn mới. Ông Nhành cho biết thêm. “Hồi trước lộ nó thấp giữ lắm chú mấy vận động bà con, anh em mướn xáng cạp đất lên nó mấy cao lên đó, rồi cái đổ cát, đá bụi trắng trắng đó, Nhà nước thấy như vậy giúp với mình trán nhựa đi tới giờ luôn, bà con đi lại học sinh đi xe đạp nó cười ở ngoài lộ mình thấy vui lắm, mình vận động bà con làm cột cờ, phát hoang lộ hai bên làm cỏ cho sạch trồng hoa kiểng thông thoáng cho nó đẹp”. Nói về cụ cao tuổi Nguyễn Văn Nhành, ông Ngô Quốc Thống, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận Tây nhận xét. “Cụ Nguyễn Văn Nhành, ở ấp 2 xã Vĩnh Thuận Tây là một trong những tấm gương điển hình người cao tuổi chung tay phát triền kinh tế xã hội ở địa phương, cụ phát huy vai trò của người cao tuổi tận tụy tương mẫu hết lòng vì công việc chung như xây dựng giao thông nông thôn, trồng hoa kiểng tạo cảnh quang môi trường. Đối với gia đình cụ là người ông, người cha mẫu mực luôn dạy dỗ con cháu những điều hay lẽ phải được bà con láng giềng tôn trọng và kính nễ, với những thành tích đóng góp của cụ năm 2022 cụ được UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Đảng bộ chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phát huy uy tính trong cộng đồng, là điều đáng quí nhất ở người cao tuổi, qua những hành động tiêu biểu của họ sẽ là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày thêm đổi mới. Với những hành động thiết thực của ông Nguyễn Văn Nhành ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây đã cho thấy được điều đó, xứng đáng với hình ảnh tuổi cao gương sáng, trong gia đình và xã hội./.

LÊ THỊ NGỌC HÂN

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ III-năm 2024. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>