Thứ Ba, ngày 24/09/2024 | 15:34
Thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh và những chỉ dẫn của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn đề cao đạo đức cách mạng và xem xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng. Do đó, Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Quan điểm đó tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng kế thừa, bổ sung, hoàn thiện với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng là vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, việc xác định nội dung và giải pháp đối với xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề bức thiết trong giai đoạn đổi mới hiện nay.
Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức
Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc. Xây dựng Đảng về đạo đức bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy, Người không chỉ đề cập đến đạo đức của cán bộ, đảng viên với tư cách là thành viên của tổ chức mà Người còn quan tâm đến đạo đức của tổ chức đảng, nơi mà mỗi cá nhân thể hiện tư duy, đạo đức và hành động của mình. Tổ chức và cá nhân có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Mỗi đảng viên trưởng thành lên sẽ làm cho tổ chức đảng lớn lên. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức phải tập trung vào xây dựng đạo đức của tổ chức đảng và từng đảng viên. Điều này có nghĩa là chúng ta quan tâm đến việc xây dựng, củng cố những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên như: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, tinh thần quốc tế trong sáng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng việc xây dựng đạo đức của tổ chức. Quan điểm xuyên suốt khi bàn về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng là Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, để làm giàu. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đại biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc nên Đảng phải là đạo đức, là văn minh.
Thứ hai, xây dựng Đảng về đạo đức là kiên trì bồi dưỡng đạo đức cách mạng với lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cùng với lý tưởng đó, đòi hỏi Đảng là đạo đức hành động, hướng tới nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng với niềm tin cậy và sự mong đợi của nhân dân. Đảng phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nhân tính của cán bộ, đảng viên bị đổ vỡ bởi sự hủ bại, tha hóa dẫn đến xói mòn bản chất của Đảng, gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Do đó, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm. Bởi vì, mất lòng tin là mất tất cả nên chúng ta phải nhìn vào sự thật để đánh giá đúng sự thật.
Thứ ba, xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, xây dựng Đảng về đạo đức phải được gắn chặt với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân; làm cho thực hành đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hóa, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong sự nghiệp đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng về đạo đức là luôn nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên. Hiện nay, đảng viên có thể không vượt qua được sự cám dỗ trong điều kiện đời sống vật chất ngày càng cao. Cán bộ, đảng viên dễ bị chi phối bởi tham vọng quyền lực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng, lãng phí, vi phạm giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc khi có chức vụ trong tay. Chủ nghĩa cá nhân là thách thức nặng nề chi phối công việc lãnh đạo, quản lý và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, bè phái, tranh chức, tranh quyền, thiếu dân chủ, quan liêu, xa rời quần chúng. Do đó, cán bộ, đảng viên cần thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, luôn luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và “không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”; không ngừng “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và “nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”[1].
Thứ tư, xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chúng ta phải nhấn mạnh nhiệm vụ chống quan liêu, bởi vì, quan liêu chính là nguồn gốc của mọi suy thoái về đạo đức. V.I. Lê-nin viết: “Chúng ta khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó” [2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, làm việc theo cách quan liêu thì dân oán; cách xa dân chúng và nhất định thất bại. Người viết: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu” [3]. Do đó, việc ngăn chặn, đẩy lùi những kẻ tham nhũng, lãng phí là cần nhưng chưa đủ mà phải đào tận gốc bệnh quan liêu.
Thứ năm, xây dựng Đảng về đạo đức là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “nêu gương” luôn là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên “tự giác nêu gương” là điểm nổi bật. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác nêu gương. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”[4]. Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải là những tấm gương sáng về phẩm chất và năng lực, trở thành mẫu số chung để mọi người noi theo. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng cần phải nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, học tập, sinh hoạt trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”[5].
Giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức
Đứng trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với một số cán bộ, đảng viên thì vấn đề ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách của Đảng hiện nay là xây dựng Đảng về đạo đức. Để công tác xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:
Một là, chúng ta cần đẩy mạnh và phát huy hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị (khóa XII). Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được xem là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, đơn vị, các cá nhân, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để góp phần củng cố, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tình trạng “suy thoái” của cán bộ, đảng viên. Song song đó, Chúng ta cần xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm để củng cố, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên. Bởi vì, tính xấu của một đảng viên sẽ có hại đến Đảng, nhất là cán bộ, đảng viên có quyền mà không được giáo dục, rèn luyện thì dễ biến thành sâu mọt của nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên không hiểu rằng, tất cả quyền hành đều ở nơi dân, còn bổn phận của mình là đày tớ, công bộc, phục vụ nhân dân. Thế nên, khi chưa có quyền thì họ mua quyền, chạy chức; khi có một chút quyền hành trong tay thì họ thường hay lạm dụng, lộng quyền. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không thấy hết sự nguy hại, tổn thất đối với Tổ quốc và nhân dân do sự tha hóa quyền lực; chưa ý thức được rằng, nếu cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, cán bộ cao cấp không tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức thì sẽ làm “đổ vỡ tất cả”. Bên cạnh đó, việc biểu dương gương người tốt, việc tốt; tích cực nhắc nhở, uốn nắn, phê phán những nơi làm chưa tốt cũng rất quan trọng nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên.
Hai là, đề cao tính tự giác, nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tu thân, chính tâm, rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày, suốt đời, tận tâm, tận lực, vì nước, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời nhắc nhở của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói pháp luật không trị hết được, tự mình phải tạo ra pháp luật để trị mình. Mỗi người phải có tòa án lương tâm của riêng mình. Mỗi cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; có tính tiên phong, lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Để khẳng định được uy tín đối với Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương, làm cho việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành lẽ sống hàng ngày, tạo sức lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội, làm cho cái tốt, cái đẹp được nhân lên, cái xấu và cái tiêu cực bị đẩy lùi vì văn hóa phương Đông cho thấy “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lãng phí. Tu dưỡng đạo đức không thể chấm dứt sự tha hóa, mà muốn đánh bại nó thì phải có cơ chế. Giáo dục và tu dưỡng là nói đến “đức trị”; cơ chế, bộ máy là nhấn mạnh mặt “pháp trị”. Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” [6]. Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng cũng từng khẳng định: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”[7].
Bốn là, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; tập trung kiểm tra, giám sát việc thi hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên và kiểm tra, giám sát định kỳ; phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; xem xét, xử lý công minh, chính xác, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.
Tóm lại, xây dựng Đảng về đạo đức để Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức là ý chí của Đảng, là tình cảm và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam và là trách nhiệm của toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, ra sức phục vụ lợi ích của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng tự rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục thực hiện đề cao vai trò gương mẫu nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, văn hóa Đảng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ, không ngại khó, rèn luyện đạo đức người đảng viên, văn hóa lãnh đạo để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn cũng như hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
BÙI THỊ MỸ ANH
* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ III-năm 2024. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.
[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 237.
[2] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 54, tr. 235.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 357.
[4] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 184.
[5] Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021của Bộ Chính về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 419.
[7] Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 116 – tr. 117.
17:43 25/10/2024
Nền tảng tư tưởng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính chất sống còn của Đảng.
17:38 25/10/2024
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của cả các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội, một quốc gia.
08:34 10/10/2024
Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm về dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta, nó đã được thể hiện trong tổ chức Nhà nước của ta” trong (Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.379). Theo Người, quyền dân chủ được thể hiện trên mọi lĩnh vực của
23:26 09/10/2024
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh,
23:23 09/10/2024
Trường THCS Thuận Hưng tọa lạc tại cửa ngỏ của con đường Tỉnh lộ xuôi về huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang. Chi bộ nhà trường thuộc Đảng ủy xã Thuận Hưng.
23:20 09/10/2024
Tôi sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà.
23:18 09/10/2024
Hồ Chí Minh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta. Con người, cuộc đời, sự nghiệp của Người luôn là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.
23:12 09/10/2024
Giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
23:05 09/10/2024
Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, được xây dựng và trưởng thành từ đội ngũ đảng viên.
23:01 09/10/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc lấy gương người tốt việc tốt để tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo quần chúng nhân dân, với nguyện vọng thế hệ sau sẽ tiếp bước thế hệ trước để phát huy tốt nhất ý chí, tinh thần trách nhiệm,
19:57 21/11/2024
(HG) - Ngày 21-11, HĐND tỉnh tổ chức đoàn khảo sát tình hình thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại huyện Châu Thành A. Bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn.
18:36 21/11/2024
(HG) – Chiều ngày 21-11, ông Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
18:20 21/11/2024
(HG) - Nhằm tăng cường trao đổi, thảo luận và triển khai thực hiện các nội dung ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và tham quan một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang,
17:08 21/11/2024
(HG) - Sáng ngày 21-11, tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã có buổi làm việc để kiểm tra tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) KCN Tân Phú Thạnh.