Thứ Sáu, ngày 11/05/2018 | 10:24
Ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc làm việc với các tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở đất và chỉ đạo nhiều giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này.
Ghi nhận từ thực tế của nhóm phóng viên Báo SGGP tại ĐBSCL cho thấy hiện nay, sạt lở vẫn đang diễn ra phức tạp, khó lường. Nếu không có giải pháp khoa học và sinh kế phù hợp, thiệt hại sẽ ngày càng lớn thêm.
Mô hình kè ngầm tạo bãi rất hiệu quả trong phòng chống sạt lở bờ biển ở Cà Mau Ảnh: Ngọc Chánh
Sống trong bất an
Đã tròn một năm kể từ ngày vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Trở lại nơi này nhũng ngày đầu tháng 5-2018, khung cảnh vẫn đìu hiu, hoang vắng. Biển cảnh báo “nguy hiểm” và rào chắn vẫn được duy trì. Bên trong, hàng loạt ngôi nhà bị tháo dỡ nham nhở. Nhiều căn nhà rộng làm cơ sở sản xuất kinh doanh, kho bãi, khóa kín cửa, không còn hoạt động. Người dân thỉnh thoảng vẫn ra vào khu vực sạt lở để thăm nhà. Một số hộ trong lúc chờ được cấp nền tái định cư đã liều dọn về nhà cũ ở, dù chính quyền địa phương không cho phép. Đến nay, mới có 14/106 hộ bị ảnh hưởng sạt lở được cấp nền nhà, 92 hộ còn lại (nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm bắt buộc sơ tán) vẫn ở tạm nhà người thân, trường học. “Khu dân cư mới ở cách hiện trường sạt lở khoảng 2km đang được xây dựng hạ tầng, sắp tới sẽ bố trí nền cho các hộ này”, ông Phạm Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, cho biết. Sắp tới, địa phương sẽ đề nghị cấp trên có chính sách cho vay vốn hỗ trợ người dân cất nhà, làm ăn và đào tạo nghề cho họ khi về nơi ở mới.
Trong khi đó, tình hình sạt lở ở An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre… vẫn diễn ra đều đều, nhất là những khu vực ven sông, ven biển. Tại An Giang, những tháng đầu năm 2018, ngoài những địa bàn “quen thuộc” như: An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu, Châu Phú, sạt lở nghiêm trọng còn xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Khánh (TP Long Xuyên), cắt vào hơn 1/2 tuyến giao thông huyết mạch vào xã nông thôn mới này. Các cơ quan chức năng phải di dời khẩn cấp hàng chục căn nhà. Theo ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN-MT An Giang, kết quả quan trắc đợt 2-2017 để cảnh báo mùa khô năm 2018 cho thấy có tổng số 51 đoạn sông với tổng chiều dài 162.550m có nguy cơ sạt lở. So với kết quả cảnh báo năm 2017, vẫn giữ nguyên 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ.
Tại Bến Tre, cách nay hơn 1 tháng, khu vực tổ 7 và 8, ấp Phú Đa (huyện Chợ Lách) xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Riêng tại Cồn Bửng (huyện Thạnh Phú), mỗi năm sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 8 - 10m. Tại Cà Mau, khảo sát cho thấy đê biển Tây có 3 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 3.600m, tập trung ở 2 xã Khánh Bình Tây và Khánh Hải. Riêng tại Đồng Tháp, sạt lở diễn ra liên tục khiến người dân, chính quyền địa phương không kịp trở tay.
Phải chủ động ứng phó
ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng kinh phí cần đầu tư vào khoảng 6.990 tỷ đồng. Theo lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, để hạn chế ảnh hưởng sạt lở bờ sông, chính quyền cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ cao. Quy hoạch cần dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài đầu tư của Nhà nước, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cụm, tuyến dân cư phòng, tránh sạt lở lâu dài, ưu đãi các khoản thuế, tiền sử dụng đất, cho hưởng địa tô từ các công trình đầu tư công để sớm di dời dân cư vào vùng an toàn tránh sạt lở trong điều kiện khó khăn về ngân sách.
Bên cạnh phương pháp khảo sát truyền thống, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần ứng dụng các công nghệ mới để cảnh báo và ứng phó sạt lở hiệu quả hơn. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “UBND tỉnh An Giang đã giao Sở TN-MT xây dựng đề tài ứng dụng công nghệ quản lý sạt lở. Khi tận dụng được công nghệ và kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài, đặt các cảm biến ở các vị trí cảnh báo sạt lở và kết nối dữ liệu đồng bộ, chúng ta chỉ cần “ngồi ở nhà” cũng nắm rõ tình hình, chứ không cần đi đo, quan trắc 2 - 3 lần/năm”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cũng yêu cầu Sở TN-MT sử dụng kết quả tính toán các mô hình của dự án Đo đạc và dự báo diễn biến lòng dẫn các đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc khai thác khoáng sản, nạo vét khai thông luồng, chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở. Tại Cà Mau, thời gian qua, việc trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, khi xây dựng kè tạo bãi, một thời gian, phù sa lắng đọng, bãi bồi ngày càng được bồi cao nên tiến hành trồng rừng (một số thì mọc tự nhiên). Đối với đê biển Tây, tỉnh đã làm được khoảng 17km kè. Hiện nay, tỉnh Cà Mau tiếp tục nhân rộng mô hình kè ngầm tạo bãi. Bên cạnh đó, một số viện, trường cũng thực hiện một số giải pháp xây dựng kè khác nhau với mục đích xem hiệu quả như thế nào để chọn ra loại kè phù hợp và giá thành hợp lý.
Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL về phòng chống sạt lở vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nhiều giải pháp then chốt về chủ trương, chính sách, kinh phí. Bên cạnh xử lý kè, đặc biệt là đê mềm tại các điểm sạt lở, các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khai thác cát sỏi các dòng sông, không quy hoạch, cấp phép quá mức. Chú trọng biện pháp trồng rừng giữ đất, nhất là cây đước, sú vẹt, nghiên cứu làm phong điện để đất bồi đắp. Phải quy hoạch lại dân cư, tái định cư và quy hoạch lại sản xuất. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực trong việc điều tiết dòng chảy, nhất là vào mùa khô. Các biện pháp công trình phải làm tổng hợp chứ không chỉ có kè cứng là duy nhất. Bên cạnh đó, cần tiến hành xã hội hóa nguồn lực, nhất là làm đê mềm để mở rộng đất đai, mặt nước, ngăn mặn, chống sạt lở kết hợp phát triển kinh tế. Phải nghiên cứu căn bản việc phân lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, không để lưu lượng quá lớn kéo xuống sông Tiền, sông Hậu. Đồng thời nghiên cứu gấp đập Tha La - Trà Sư ở An Giang mà vừa qua các nhà khoa học đề xuất.
Theo NHÓM PV/SGGP
17:14 31/10/2024
(HG) - Sáng ngày 31-10, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và UBND thị xã Long Mỹ tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và triển khai Đề án Hậu Giang xanh cho 85 hội viên hội nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ.
09:12 31/10/2024
Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo mỹ quan sáng - xanh - sạch - đẹp, xã Trường Long A (huyện Châu Thành A) luôn quan tâm, coi trọng việc bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.
08:36 31/10/2024
(HG) - Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh không ngừng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;
08:34 31/10/2024
(HG) - Qua rà soát, cập nhật hiện trạng và vận động hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã thường xuyên rà soát,
08:33 31/10/2024
(HG) - Tính đến nay, tổng khối lượng thu gom, chuyển giao xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 43.971kg.
08:00 31/10/2024
Nhằm nâng cao nhận thức người dân chung tay bảo vệ môi trường, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024,
09:26 29/10/2024
(HG) - Nhằm nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, mới đây thành phố Vị Thanh đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường,
09:21 29/10/2024
(HG) - Thông tin nhanh từ Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Châu Thành A, vào khoảng 10 giờ ngày 28-10,
17:11 21/10/2024
(HG) - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn gây ngập úng trên nhiều loại cây trồng.
16:06 21/10/2024
Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền và Nhân dân để góp phần xây dựng NTM.
17:20 02/11/2024
(HGO) - Tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, vừa diễn ra Gala "Tài tử Phương Nam", với sự tranh tài của 8 thí sinh xuất sắc nhất vượt qua hơn 500 thí sinh ở các vòng thi để bước vào đêm gala đặc sắc này.
15:08 02/11/2024
(HGO) - Chiều 2-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
08:34 02/11/2024
(HGO) - Ngày 1-11, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, diễn ra Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ của UBND tỉnh.
05:51 02/11/2024
Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa đón khách tham quan miễn phí đến hết tháng 12-2024; Vòng chung kết toàn quốc Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024; 16 nhà thiết kế tham gia Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông 2024; Phát hiện tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Chopin 100 năm sau ngày mất.