Những “lá chắn” bảo vệ sản xuất

14/02/2022 | 09:34 GMT+7

Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành để bảo vệ sản xuất trước tác động của hạn, mặn kể từ mùa khô năm nay.

Công trình ngăn mặn đã sẵn sàng vận hành.

Nông dân chủ động

Là một lão nông thâm niên hơn 30 năm trồng lúa, khóm, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ và xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, ông Nguyễn Khắc Vũ luôn chủ động các phương tiện bơm, tưới trong mùa khô. Năm nào cũng vậy, trước tết, ông cho nạo vét ao mương để dự trữ nước ngọt cho cây trồng.

Thăm đồng trong một ngày đầu năm mới, ông Vũ tâm sự: “Mấy năm nay, tôi an tâm hơn vì 15 công đất lúa nằm trong khu vực có trạm bơm điện. Nhưng còn rẫy khóm gần 2ha thì phải chủ động nguồn nước tưới. Đi qua mỗi mùa hạn, mặn, diện tích lúa, khóm được an toàn, cây sinh trưởng tốt là niềm mong mỏi lớn nhất của nông dân. Do vậy, trước khi bước vào mùa khô là tôi chủ động máy bơm, nạo vét ao mương, trám lại các lỗ mọi trên bờ thửa, hiện nay kênh mương đã được khai thông sẵn sàng trữ nước phục vụ tưới tiêu”.

Đê bao Long Mỹ - Vị Thanh hoàn thành.

Người dân cho biết việc nắm bắt thông tin khuyến cáo hàng ngày là rất cần thiết. Nhờ đó mà bà con chủ động được thời diểm dự trữ nước thích hợp cho cây trồng, đồng thời trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt những tháng cao điểm khô hạn.

Bà Ngô Thị Hồng Cẩm, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Cứ tới mùa mưa là nhà tôi trữ nước vào đầy 2 bồn chứa 5.000 lít, để dành cho mấy tháng khô hạn. Nhờ cách làm này nên gia đình tôi vừa tiết kiệm được chi phí, lại thoải mái hơn trong sinh hoạt”.

Theo tính toán của các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn mùa khô năm 2019-2020. Thời gian ảnh hưởng từ đầu tháng 1-2022. Những dự báo được đưa ra từ sớm kèm theo các giải pháp công trình, phi công trình đã giúp người dân chủ động hơn trong mùa khô này.

Nhiều công trình thủy lợi vận hành

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỉ đồng giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho trên 380.000ha đất tự nhiên ở tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Công trình được đưa vào vận hành góp phần phòng, chống thiên tai, xâm nhập mặn, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng; kết hợp phát triển giao thông bộ… Giúp người dân các tỉnh trong vùng dự án giảm nỗi lo xâm nhập mặn hàng năm, đặc biệt là từ mùa khô năm nay.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Tây sông Hậu, có địa hình trũng thấp, lòng chảo. Tỉnh chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triểu Biển Đông và triều Biển Tây, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là một “siêu công trình thủy lợi” có quy mô rất lớn giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ. Công trình đi vào vận hành đã tạo nên vùng hưởng lợi rộng lớn liên tỉnh với diện tích lên tới hàng trăm ngàn héc-ta, trong đó có Hậu Giang.

Ngoài ra, trước khi bước vào mùa khô năm nay, nhiều công trình, dự án trọng điểm trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã hoàn thành. Điển hình là Hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh giai đoạn 2. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, 2 gói thầu sau cùng đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào phục vụ kể từ mùa khô này. Cùng thời điểm, dự án Hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành. Công trình thuộc loại hồ tích nước một năm, diện tích mặt hồ trên 20ha, có vai trò hết sức quan trọng giúp dự trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang bám sát diễn biến xâm nhập mặn để cảnh báo cho bà con và chủ động ứng phó. Việc rà soát, vận hành các cống ngăn mặn đã hoàn thành từ sớm để đảm bảo phục vụ ngay khi có lệnh yêu cầu.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết thêm: Xâm nhập mặn hiện nay chủ yếu từ hướng Quản lộ Phụng Hiệp ảnh hưởng các khu vực thị trấn Vĩnh Viễn, xã Vĩnh Viễn A, xã Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ. Tính đến ngày 8-2, đã khởi động 16 đập thời vụ và 1 đập cải tiến. Ở huyện Long Mỹ đã đóng 12 cống hở, 10 cống ngầm; trên địa bàn thành phố Vị Thanh đóng 10 cống hở và 10 cống ngầm. Đơn vị vẫn tiếp tục cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để có giải pháp đóng, mở cống phù hợp, đảm bảo hài hòa việc lưu thông, phục vụ sản xuất và ứng phó hạn, mặn.

Qua quá trình ứng phó hạn, mặn cho thấy, việc kết hợp hài hòa các giải pháp công trình, phi công trình, đặc biệt nhiều công trình được đưa vào sử dụng đúng đợt hạn, mặn sẽ giảm thiểu rủi ro tác động của hạn, mặn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trước đó, Tổng cục Thủy lợi đã sớm yêu cầu các địa phương, đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2021-2022 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối, cung cấp đầy đủ cho cả mùa khô năm 2021-2022. Bố trí cơ cấu sản xuất, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt là đối với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>