Bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng

21/12/2022 | 18:12 GMT+7

Triều Tiên vừa có động thái cứng rắn hơn bao giờ hết nhằm phản đối Mỹ và Hàn Quốc.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nguồn: Reuters

Mới đây, Triều Tiên đã bắn 1 tên lửa đạn đạo về ngoài khơi bờ biển phía Đông của Bán đảo Triều Tiên và đã rơi xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cập nhật thông tin cho biết Triều Tiên đã phóng hai quả tên lửa. Trong khi đó theo nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một trong hai quả tên lửa đạt độ cao 550km và bay xa khoảng 500km, rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, hiện chưa có báo cáo về thiệt hại gây ra sau vụ phóng tên lửa mới này của Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này thử động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy cao mà các chuyên gia cho là sẽ cho phép phóng tên lửa đạn đạo nhanh hơn và cơ động hơn, trong bối cảnh nước này tìm cách phát triển vũ khí chiến lược mới và tăng tốc các chương trình hạt nhân, tên lửa. Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA đưa tin, cuộc thử nghiệm dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, được tiến hành tại bãi phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên, nơi được sử dụng để thử nghiệm các công nghệ tên lửa, bao gồm cả động cơ tên lửa và phương tiện phóng vào không gian.

Ông Kim Jong-un cũng đánh giá cao các quan chức tại Học viện Khoa học Quốc phòng vì đã “giải quyết thành công một vấn đề quan trọng khác” trong việc đạt được các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu theo kế hoạch 5 năm được đề ra tại Đại hội Đảng Lao động vào tháng 1 năm ngoái.

Ông Kim Dong-yub, giáo sư chuyên ngành Triều Tiên tại Đại học Kyungnam, Hàn Quốc, cho biết: “Năm 2016, Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn ở quy mô nhỏ hơn. Sau khi thành công, Triều Tiên cũng đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm trong vòng một năm. Vì vậy, xét về thời gian, cuộc thử nghiệm này sẽ cho phép họ chế tạo tên lửa thực sự với động cơ nhiên liệu rắn này, và có khả năng cao là họ sẽ tiếp tục bắn thử tên lửa”.

Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa với tần suất chưa từng có, làm gia tăng đáng kể căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Trong đó, bao gồm vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới đất liền Mỹ, bất chấp các lệnh cấm và trừng phạt quốc tế.

Trong một động thái liên quan, Triều Tiên vừa phóng thử nghiệm vệ tinh nhân tạo quan sát mặt đất, với mục đích phục vụ cả quân sự và dân sự. Vệ tinh này được thực hiện tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae chủ yếu nhằm “đánh giá khả năng chụp ảnh vệ tinh và hệ thống truyền dữ liệu cũng như hệ thống kiểm soát mặt đất”. Một phát ngôn viên giấu tên của Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia cho hay, Triều Tiên đã phóng các phương tiện mang theo một vệ tinh thử nghiệm lên độ cao 500km. Vệ tinh quan sát mặt đất của Triều Tiên sẽ giúp nâng cao năng lực quân sự cho quốc gia này.

Động thái trên của Triều Tiên đã gây phản ứng của bộ 3 (Mỹ - Nhật - Hàn). Phía Nhật Bản đã cho rằng, một loạt các hành động khiêu khích leo thang nhanh chóng của Triều Tiên đe dọa hòa bình và an ninh của Nhật Bản, khu vực và cộng đồng quốc tế. Các hành động này vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Nhật Bản đã gửi một phản đối mạnh mẽ tới Triều Tiên thông qua Đại sứ quán ở Bắc Kinh và lên án mạnh mẽ hành động của Bình Nhưỡng.

Trong thời gian qua, Bán đảo Triều Tiên luôn trong trạng thái căng thẳng sau những đòn “ăn miếng, trả miếng” từ Triều Tiên và liên minh 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi Triều Tiên liên tục phóng tên lửa thì Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thực hiện các cuộc tập trận để thị uy. Trên thực tế, từ đầu tháng 10 đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt tập trận quy mô lớn bao gồm cuộc tập trận đa quốc gia, tập trận giữa Hàn Quốc và Mỹ, tập trận ba bên Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chính hành động phớt lờ các lệnh trừng phạt của Triều Tiên cùng với động thái gia tăng áp lực của bộ 3 Mỹ - Nhật - Hàn đã khiến cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đi vào bế tắc.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>