Đáp trả phương Tây, Nga sắp cắt giảm sản lượng dầu

13/02/2023 | 08:52 GMT+7

Nga sẽ cắt giảm 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ tháng 3, sau khi phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu của nước này.

Bảng giá xăng và dầu diesel tại một trạm bán xăng ở Frankfurt, Đức ngày 25-2-2022. Ảnh: THX

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: “Hiện nay, chúng tôi gần như bán toàn bộ lượng dầu sản xuất. Tuy nhiên, như thông báo trước đây, chúng tôi sẽ không bán dầu cho những nước trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng nguyên tắc giá trần”.

Theo đó, Nga sẽ tự nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3. Điều này sẽ góp phần khôi phục quan hệ thị trường.

Theo ông Novak, việc áp giá trần dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga là sự can thiệp vào quan hệ thị trường và tiếp tục chính sách năng lượng phá hoại của các nước phương Tây.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Nga được đưa ra chỉ 9 ngày sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác OPEC+ mà Nga là thành viên xác nhận giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng thống nhất trong năm 2022.

Dù mức cắt giảm là không đáng kể, song giới quan sát nhận định động thái này vẫn sẽ khiến thị trường dầu thiếu hụt, trong bối cảnh nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi.

Ngay sau thông tin trên, giá dầu Brent đã tăng hơn 2,5% so với ngày hôm trước, lên mức 86,6 USD/thùng.

Châu Âu đã khẩn trương tích trữ trước lệnh cấm nhằm vào sản phẩm từ dầu của Nga. Theo đó, châu Âu đã nhập khẩu lượng lớn dầu diesel trong thời gian qua để tích đầy các thùng chứa trước khi lệnh cấm nhằm vào các sản phẩm từ dầu của Nga có hiệu lực.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu với dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển từ ngày 5-12-2022.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia cũng áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô của Nga xuất khẩu bằng đường biển từ ngày 5-12-2022.

Nga tuyên bố nước này sẽ không tuân theo mức giá trần ngay cả khi buộc phải cắt giảm sản lượng.

Bước đi tiếp theo của EU là cấm các sản phẩm dầu của Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-2. Đây được coi là động thái sẽ gây thay đổi lớn đối với giao dịch dầu toàn cầu.

Các nước thành viên G7 và Australia cũng đang hình thành một cơ chế giá trần tương tự với nhiên liệu tinh chế như diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu Nga từ ngày 5-2.

Tuy nhiên, việc áp đặt giá trần với sản phẩm từ dầu phức tạp hơn nhiều so với tạo hạn chế giá đối với dầu thô bởi có rất nhiều sản phẩm từ dầu và giá của chúng thường phụ thuộc vào nơi được mua thay vì nơi chúng được sản xuất.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby bình luận sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cùng ngày thông báo Matxcơva sẽ giảm sản lượng dầu rằng, động thái của Matxcơva cho thấy ông Putin vẫn sẵn sàng vũ khí hóa năng lượng. Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác, bao gồm cả các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ông Kirby bổ sung nhưng không nêu cụ thể.

Hai phái đoàn OPEC+ nói nhóm dự định không có hành động nào sau tuyên bố từ Nga. OPEC+ gồm OPEC và 10 quốc gia liên minh, trong đó có Nga.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>