Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp

28/11/2022 | 09:26 GMT+7

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi cho thấy chủng Covid-19 kế tiếp có thể nguy hiểm hơn.

Nhiều người hâm mộ bóng đá ở TP.Thượng Hải, Trung Quốc đeo khẩu trang khi đến các địa điểm cổ động World Cup hôm 23-11. Ảnh: REUTERS

Bloomberg ngày 26-11 dẫn một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi cho thấy một chủng Covid-19 mới có thể lây lan mạnh hơn so với chủng Omicron đang chiếm ưu thế hiện tại.

Nghiên cứu trên - sử dụng các mẫu bệnh phẩm Covid-19 từ một cá nhân bị ức chế miễn dịch trong hơn 6 tháng - chỉ ra rằng vi-rút SARS-CoV-2 đã “tiến hóa” và dễ gây bệnh hơn.

Trong vòng 6 tháng, vi-rút SARS-CoV-2 ban đầu gây ra mức độ hợp nhất và chết tế bào giống như chủng Omicron BA.1. Nhưng khi nó phát triển, các cấp độ đó tăng lên tương tự phiên bản vi-rút SARS-CoV-2 đầu tiên được xác định ở TP.Vũ Hán, Trung Quốc.

Nghiên cứu do TS Alex Sigal, Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở TP.Durban, Nam Phi, dẫn đầu. Theo đó, mầm bệnh Covid-19 có thể tiếp tục biến đổi và tạo ra một biến thể mới có thể gây bệnh nặng và tử vong hơn so với chủng Omicron tương đối nhẹ. Nghiên cứu vẫn chưa được bình duyệt và chỉ dựa vào kết luận trong phòng thí nghiệm, sử dụng mẫu bệnh phẩm từ một cá nhân.

TS Sigal và các nhà khoa học khác trước đây cho rằng các chủng Covid-19 như Beta và Omicron - cả hai đều được xác định ban đầu ở miền Nam châu Phi - có thể đã “tiến hóa” ở những người bị ức chế miễn dịch, chẳng hạn những người bị nhiễm HIV. Họ cho biết những bệnh nhân này phải chống chọi với Covid-19 trong thời gian dài, qua đó cho phép vi-rút biến đổi và trốn tránh kháng thể tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu cho hay trong phát hiện được công bố vào ngày 24-11, một biến thể Covid-19 mới có thể dễ dàng gây bệnh hơn chủng Omicron sẽ lưu hành trong tương lai.

Hiện tại, khu vực Tây Thái Bình Dương, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 tuần thứ 3 liên tiếp.

Trong tuần qua, khu vực này ghi nhận gần 1,19 triệu ca Covid-19 mới, chiếm 49% số ca toàn cầu (2,43 triệu). Tuy giảm nhẹ 4% so với tuần trước nhưng vẫn trong đà tăng tổng thể 6 tuần liên tiếp.

Với hơn 593.000 ca (tăng 18%), Nhật Bản tiếp tục là nước có số ca mắc mới nhiều nhất thế giới. Theo hãng tin Kyodo, Hiệp hội Y tế Nhật Bản đã tuyên bố nước này bước vào làn sóng Covid-19 thứ 8 từ ngày 16-11, sau khi số ca mắc hàng ngày vượt mốc 100.000 ca một ngày trước đó.

Trong khi đó, Hàn Quốc có số ca cao thứ 2 trong khu vực với hơn 364.000 ca, tăng nhẹ 2% nhưng số ca tử vong lại tăng mạnh (26%). Theo sau là Trung Quốc, đất nước đang siết chặt các biện pháp cách ly, kiểm dịch trong lúc ghi nhận gần 159.000 ca tuần qua.

Một số nước khác như Thái Lan, Indonesia thuộc khu vực Đông Nam Á của WHO (bao gồm một phần Đông Nam Á và Nam Á địa lý) cũng ghi nhận số ca mắc tương đối cao, đánh dấu bằng màu cam (10-50 ca/100.000 dân) trên bản đồ tỷ lệ.

Theo Tempo, báo cáo của Bộ Y tế Indonesia cho thấy số ca có dấu hiệu gia tăng từ giữa tháng 11 trong khi Thái Lan đang lo ngại cho mùa du lịch sắp tới.

Ngoài ra, một bệnh truyền nhiễm khác là sởi vừa được WHO cảnh báo là “mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới”.

Theo thông cáo báo chí toàn cầu khuya 23-11 (giờ Việt Nam), khoảng trống vắc-xin sởi đạt mức kỷ lục trong năm 2021 với gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều, kéo theo sự bùng phát ở 22 quốc gia, gây ra 9 triệu ca mắc mới và 128.000 ca tử vong. Tình hình tiêm chủng tiếp tục gián đoạn trong năm 2022 gây ra các đợt bùng phát sởi lớn kéo dài.

“Nghịch lý của đại dịch là trong khi vắc-xin chống Covid-19 được phát triển và triển khai trong thời gian kỷ lục thì các chương trình tiêm chủng thông thường lại bị gián đoạn nghiêm trọng. Hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ những liều vắc-xin cứu mạng, bao gồm vắc-xin sởi”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>