EU với vấn đề di cư

06/03/2023 | 18:35 GMT+7

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ của 5 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) Địa Trung Hải vừa kêu gọi EU đoàn kết hơn nữa về vấn đề di cư và có những nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn tình trạng di cư trái phép.

Hơn 45.000 người di cư tới Anh trong năm 2022. Ảnh: AP

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng được tổ chức tại thủ đô của Malta vào cuối tuần này, các bộ trưởng của Malta, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Cộng hòa Síp đã ký một tuyên bố chung.

Cuộc họp được tổ chức chỉ vài ngày sau vụ đắm tàu ngoài khơi Italia khiến ít nhất 64 người di cư thiệt mạng. Bộ trưởng năm quốc gia đã thống nhất cần phải triển khai các hoạt động chung ở cấp độ châu Âu để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư và ngăn chặn tình trạng di cư bất thường.

Các quốc gia nhấn mạnh quan điểm cần cân bằng giữa trách nhiệm của các quốc gia thành viên và nhu cầu về sự đoàn kết trong liên minh. Tuyên bố chung cũng kêu gọi nỗ lực lớn hơn cho việc thiết lập một cơ chế đoàn kết bắt buộc và lâu dài để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của các quốc gia tuyến đầu trong việc ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Trước đó, vào tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư trái phép ở biên giới. Theo đó có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối.

Bà cho biết các dự án thí điểm dựa vào các cơ quan giám sát biên giới, các cơ quan về người tị nạn phối hợp với lực lượng cảnh sát của EU sẽ xem xét thực hiện các thủ tục giải quyết các trường hợp xin tỵ nạn nhanh và công bằng tại các biên giới ngoại khối.

Trong một tài liệu được công bố, các nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định tình trạng nhập cư trái phép đang gia tăng là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng cấp thiết trên toàn châu lục.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak, hôm 5-3, cho biết sẽ không tiếp nhận những người nhập cư như trái phép trong bối cảnh luật mới về người nhập cư dự kiến sẽ được công bố trong tuần này. Hiện đã có hơn 45.000 người di cư tới Anh trong năm 2022.

Các quan chức Liên minh châu Âu kêu gọi Ủy ban châu Âu huy động ngay lập tức các quỹ của EU để tăng cường bảo vệ biên giới của khối, củng cố cơ sở hạ tầng, phương tiện giám sát bao gồm thiết bị và phương tiện giám sát trên không để ngăn chặn các dòng người nhập cư trái phép vào EU.

Số liệu mới cho thấy, các quốc gia EU đã đón nhận số lượng công dân mới kỷ lục vào năm 2021.

Theo đó, tổng cộng có 827.300 người được nhận quốc tịch của các quốc gia thành viên EU vào năm 2021, tăng 98.300 vào năm 2020.

Tỷ lệ tăng 14% có thể một phần là do số lượng hồ sơ xin nhập quốc tịch các nước EU bị tồn đọng trong thời kỳ đại dịch, nhưng cũng phản ánh xu hướng tăng vào năm 2019, khi có 706.400 quốc tịch mới được cấp. 85% công dân mới trước đây không phải là công dân của một quốc gia EU khác.

Hầu hết các công dân mới của châu Âu đến từ Morocco và Syria. 86.200 người Morocco được cấp quốc tịch EU tại EU, chiếm 10,4% công dân mới. Hơn 2/3 (71%) những người này đã trở thành công dân ở Tây Ban Nha hoặc Pháp.

Người Syria là nhóm công dân mới lớn tiếp theo (83.500, 70% trong số họ định cư ở Thụy Điển và Hà Lan) và người Albania (32.300, 70% trong số họ định cư ở Italia).

Theo sau người Albania là người Romania (3,5% tổng số), người Thổ Nhĩ Kỳ (3,1%), người Brazil (2,5%), người Algeria (2,3%) và người Ukraine (2,2%).

Độ tuổi trung bình của công dân mới ở EU là 32. Khoảng 1/4 là trẻ em từ 0 đến 14 tuổi.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích