JCPOA khó hồi sinh vì các biện pháp trừng phạt mới

23/02/2023 | 06:18 GMT+7

Nhiều quốc gia EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran khiến đàm phán hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 càng đi vào bế tắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) lại áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 32 cá nhân và 2 thực thể của Iran. Trong đó, có các nghị sĩ, thẩm phán, công tố viên và các quan chức cấp cao quản lý nhà tù của Iran.

Theo đó, EU đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực cho Bộ trưởng Giáo dục Yousef Nouri và Bộ trưởng Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo Mohammad Mehdi Esmaili.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã phản đối việc EU tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt chống Tehran dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho rằng khối này đang tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn kép với Tehran.

Theo hãng tin Reuters, EU hiện đã áp đặt trừng phạt với hơn 70 quan chức và thực thể của Iran, trong đó có các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Cùng thời gian này, Anh và Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran. Chính phủ Anh ngày 20-2 đã bổ sung thêm 8 cá nhân và thực thể mới vào danh sách trừng phạt do có liên hệ với Iran. Trong danh sách lần này có một số thẩm phán trong khu vực và thành viên IRGC.

Cùng thời gian này, Bộ Ngoại giao Anh đã triệu tập quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Iran tại London nhằm phản đối điều mà nước này gọi là “sự đe dọa nghiêm trọng các nhà báo đang định cư ở Vương quốc Anh”.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo mở rộng biện pháp trừng phạt đối với Iran, bằng việc bổ sung 3 quan chức an ninh Iran vào “danh sách đen”. Mỹ đã  áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Iran phụ trách các khu vực tập trung đông người Kurd sinh sống như thành phố Sanandaj và Mahabab. Các quan chức bao gồm ông Mohammed Taghi Osanloo, chỉ huy lực lượng mặt đất của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Mahabad; ông Alireza Moradi, người đứng đầu Lực lượng thực thi pháp luật Iran ở Sanandaj và ông Hassan Asgari, Thị trưởng Sanandaj.

Trong khi đó, Iran mới đây lại nhận được thông điệp khả quan của các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về việc nối lại đàm phán JCPOA. Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman Al Thani cho biết Mỹ đã gửi một loạt thông điệp cho Qatar để chuyển tới Iran, đồng thời lưu ý rằng các thông điệp này có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của Tehran.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đánh giá cao thiện chí của Doha trong việc giúp đưa các bên tiến gần hơn đến những bước cuối cùng, nhằm hướng tới việc đạt được sự đồng thuận khôi phục JCPOA .

Những tín hiệu lạc quan này đã làm cho giới quan sát ngộ nhận JCPOA sẽ được hồi sinh. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ và EU nhằm vào Iran chính là rào cản lớn nhất làm cho đàm phán JCPOA đi vào bế tắc. 

Tháng 8-2015, JCPOA được ký kết với việc Iran hạn chế theo đuổi chương trình hạt nhân; ngược lại các cường quốc thế giới đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5-2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran, khiến nước này phải giảm một số cam kết hạt nhân theo thỏa thuận. Các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận JCPOA bắt đầu vào tháng 4-2021 tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, vẫn không có bước tiến triển đột phá nào đạt được sau vòng đàm phán mới nhất vào tháng 8-2022.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>