Khi Trung Quốc nới lỏng chống dịch

11/12/2022 | 13:28 GMT+7

Sau gần 3 năm kiên trì với chính sách Zero Covid, Trung Quốc tiếp tục công bố nới lỏng các biện pháp chống dịch. Thế giới hy vọng sẽ cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu.

Người dân đi tàu điện ngầm trong giờ cao điểm ở Bắc Kinh ngày 9-12, sau khi Trung Quốc nới lỏng chống dịch. Ảnh: REUTERS

Ngày 10-12, Trung Quốc thông báo sẽ dừng các biện pháp kiểm dịch Covid-19 với các tài xế xe tải và đoàn thủy thủ trên các tàu vận chuyển hàng trong nước. Động thái này được cho là sẽ giúp giải tỏa đáng kể tắc nghẽn trong mạng lưới chuỗi cung ứng nội địa khi nền kinh tế thứ hai thế giới đang dần nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tuần qua, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch chính, trong khi số ca mắc mới vẫn tăng cùng với những lo ngại rằng có thể sẽ xảy ra gián đoạn trong thời gian tới. Sau khi nới lỏng các yêu cầu về xét nghiệm và cho phép người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tự cách ly tại nhà, chính sách ứng phó với dịch Covid-19 của Trung Quốc hiện chuyển trọng tâm sang đảm bảo cung ứng đủ vật tư y tế và củng cố hệ thống y tế quốc gia đề phòng nguy cơ quá tải bệnh nhân Covid-19.

Trong thông báo mới, Bộ Giao thông Trung Quốc nêu rõ sẽ tận dụng mọi nỗ lực để đảm bảo vận chuyển vật tư y tế thông suốt.

“Việc loại bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc là nỗ lực lớn để đảm bảo việc vận chuyển vật tư y tế diễn ra thông suốt”, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tuyên bố.

Tại các thành phố, nhịp sống đang dần trở lại dù người dân vẫn còn e ngại và các doanh nghiệp cũng đang quan sát tác động của việc nới lỏng chống dịch. Việc tìm kiếm thông tin du lịch cũng tăng mạnh.

Hiện nhu cầu thuốc ho, thuốc cảm cúm và khẩu trang tại Trung Quốc đang ở mức cao. Để tránh tình trạng các sản phẩm y tế liên quan tới dịch Covid-19 bị thổi giá, Cơ quan Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn quản lý hoạt động bán thuốc, khẩu trang, các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh…, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp không trục lợi trong thời gian đại dịch hoành hành.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 9-12 đã thông báo việc cho phép công dân Đức ở nước này được phép tiêm vắc-xin BioNTech. Trước đó, Bắc Kinh chỉ cho phép sử dụng các loại vắc-xin được sản xuất trong nước.

Một số nhà phân tích dự báo, Trung Quốc có thể mở cửa trở lại nền kinh tế và dỡ bỏ kiểm soát biên giới sớm hơn dự kiến vào năm tới, thậm chí mở cửa hoàn toàn vào mùa Xuân năm 2023.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh các hành động quyết đoán của chính quyền Trung Quốc trong việc điều chỉnh lại chính sách về dịch Covid-19 nhằm tạo động lực tốt hơn cho sự phục hồi tăng trưởng ở Trung Quốc”.

Các tín hiệu từ Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu lạc quan hơn, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với viễn cảnh u ám hơn trong năm sau với tăng trưởng tiếp tục giảm.

Các nhà phân tích hy vọng việc nới lỏng các biện pháp chống dịch của Bắc Kinh sẽ giúp khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và từ đó kiềm chế lạm phát. “Nếu lạm phát giảm xuống, FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) có thể tạm dừng tăng lãi suất”, Tim Ghriskey, chiến lược gia trưởng về đầu tư của tổ chức Inverness Counsel ở New York, nói về việc FED tăng lãi suất liên tục trong năm qua.

Trước mắt chuỗi cung ứng được nối lại có thể đẩy giá vận chuyển giảm mạnh trong vài tháng tới. Ngày 8-12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói rằng nút thắt chuỗi cung ứng được gỡ bỏ có thể giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được suy thoái.

“Sự thể hiện của Trung Quốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nền kinh tế thế giới”, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo với lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn ngày 9-12. Trước đó, IMF ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng 3,2% trong năm nay và 4,4% vào năm 2023.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>