Khó phục hồi hiệp ước New START ?

02/03/2023 | 07:21 GMT+7

Nga vừa lên tiếng sẽ tiếp tục tuân thủ hiệp ước New START với điều kiện Mỹ phải thay đổi quan điểm.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars trong lễ duyệt binh tháng 5-2018 tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva, Nga. Ảnh: REUTERS 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Nga sẽ không tiếp tục tuân thủ Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ (hiệp ước New START) tới khi Washington lắng nghe lập trường của Matxcơva. Ông Peskov khẳng định: “Không thể đảm bảo an ninh cho một quốc gia bằng cách đánh đổi an ninh của quốc gia khác”. Điều này càng khẳng định, an ninh Nga mà ông Peskov muốn nói đến chính là sức mạnh quân sự mà quốc gia này đang sở hữu.

Tuy nhiên, ông Peskov cũng tái khẳng định, Nga chỉ đình chỉ tham gia hiệp ước New START với Mỹ chứ không dừng hoặc kết thúc. Và điều kiện để Nga nối lại New START khi nào Washington lắng nghe lập trường của Matxcơva. Ông cũng kêu gọi “phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, thay đổi thái độ với Nga”.

Trong một động thái liên quan, Mallory Stewart, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Cục Kiểm soát, Xác minh và Tuân thủ Kiểm soát Vũ khí, ngày 27-2 cho biết, nước này cần và sẽ tiếp tục gặp Nga để thảo luận về hiệp ước New START “vì lợi ích của chúng tôi, lợi ích của Nga và lợi ích an ninh toàn cầu”.

Còn nhớ, Mỹ và Nga ký hiệp ước New START năm 2010, nối tiếp hiệp ước START hết hạn một năm trước đó và thay thế Hiệp ước Matxcơva ký năm 2003. Hiệp ước New START giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà họ có thể triển khai, cũng như tên lửa, oanh tạc cơ và tàu ngầm mang chúng.

New START có hiệu lực từ năm 2011 và 5 năm gia hạn 1 lần nhưng kể từ tháng 1-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Mỗi năm, Matxcơva và Washington được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ của hiệp ước.

Tháng 8-2022, Nga thông báo đình chỉ hoạt động vì Mỹ đưa ra các điều kiện tạo lợi thế đơn phương, cũng như “cản trở Nga kiểm tra các kho vũ khí trên lãnh thổ Mỹ”.

Mới đây, ngày 21-2 Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga đình chỉ tham gia hiệp ước New START với Mỹ. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa hai nước, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 2018.

Giới chuyên gia phương Tây đã cảnh báo kịch bản New START sụp đổ hoặc không thể gia hạn năm 2026 có thể tạo một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với chiến sự Ukraine. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ và Nga đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, đủ để hủy diệt hành tinh. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.

Động thái tạm đình chỉ tham gia hiệp ước New START của Nga đã làm dư luận thế giới phản ứng. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thay mặt liên minh bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Nga và kêu gọi xem xét lại quyết định này.

Hiện Mỹ chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của phía Nga. Tuy nhiên, hiệp ước New START khó có thể nối lại khi Nga và phương Tây (trong đó đứng đầu là Mỹ) đang có quá nhiều bất đồng không thể dung hòa  từ chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>