Khủng hoảng di cư - Bài toán khó đối với EU

10/02/2023 | 11:00 GMT+7

Làn sóng người di cư tiếp tục tràn sang châu Âu khiến EU đã áp đặt giải pháp để ngăn ngừa.

Hàng nghìn người Ukraine đã phải đi sơ tán do xung đột. Ảnh: DW

Mới đây, 8 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Malta và Slovakia đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các đường biên giới chung của khối để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn khác. Ngoài ra, các chính phủ nhấn mạnh cần có chính sách mạnh mẽ hơn về hồi hương và thỏa thuận với các nước thứ ba để giải quyết vấn đề này.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, nêu rõ: “Đã đến lúc châu Âu phải đưa ra cách tiếp cận chung đối với tất cả các tuyến đường di cư liên quan để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả hơn”.

Thời gian gần đây, một số quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt với làn sóng người nhập cư và đơn xin tị nạn tương đương, thậm chí cao hơn so với con số thống kê trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và 2016.

Theo dữ liệu mới nhất từ biên giới EU và cơ quan bảo vệ bờ biển Frontex, khoảng 330.000 vụ vượt biên bất thường đã được báo cáo tại biên giới bên ngoài của EU vào năm 2022, tăng 64% so với năm trước. Vấn đề này một lần nữa được đưa ra làm ưu tiên trong chương trình nghị sự của EU sau khi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của những người di cư trái phép qua biên giới các nước thuộc khối này.

Vấn đề khủng hoảng làn sóng người di cư vào châu Âu càng “nóng” hơn khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây đe dọa sẽ mở cửa biên giới để hàng triệu người di cư đang tìm mọi cách để vượt biên vào Hy Lạp.

Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố trên bởi vì hiện có hàng trăm nghìn người di cư đang đổ dồn về khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, họ trực chờ cơ hội vào châu Âu, bắt đầu từ cửa ngõ Hy Lạp. Hy Lạp giờ đây trở thành tấm khiên bảo vệ EU trước làn sóng người di cư mà người ta lo lắng sẽ chẳng kém gì cách đây 5 năm.

Sau tuyên bố của ông Tayyip Erdogan, hàng trăm nghìn người di cư đã đổ về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp cả bằng đường bộ lẫn đường biển. Không chỉ người Syria mà có cả người Afganistan, Pakistan hay Maroc... Dòng người đổ về khu vực biên giới Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ mỗi lúc một đông và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người ta ước tính có thể lên tới 1 triệu người.

Cùng thời gian này, Lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết, gần 8,1 triệu người Ukraine đã vượt biên sang Ba Lan nhằm chạy trốn cuộc giao tranh Nga - Ukraine. Trong số 1,9 triệu người còn lại, một số đã chuyển đến nước khác trong EU, nhưng Ba Lan ước tính rằng hơn một triệu người Ukraine đã xác định Ba Lan trở thành nơi ở lâu dài của họ, do có đông cộng đồng người Ukraine và mối quan hệ ngôn ngữ giữa người Ukraine và người Ba Lan.

Một vấn đề cũng khá nhạy cảm là khoản tiền vận động hỗ trợ cho người di cư thấp hơn nhiều lần so với nhu cầu thực tế.

Ba Lan ước tính đã chi 18 tỉ PLN (3,83 tỉ euro) để giúp đỡ những người Ukraine sơ tán, bao gồm chi trả phúc lợi, giáo dục cho trẻ em hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người tị nạn. Hiện tại quốc gia này cũng bị người dân trong nước phản đối vì phải tiếp nhận quá đông người di cư và khoản chi lớn cho công tác này.

Trong khi đó, mặc dù EU đã cam kết hỗ trợ 6 tỉ euro để chi trả dịch vụ cho người tị nạn Syria, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay đã chi 40 tỉ USD để duy trì cuộc sống cho người tị nạn.

Một số quốc gia, trong đó có Áo, vẫn kêu gọi Brussels tài trợ để tăng cường hàng rào dọc biên giới bên ngoài của EU nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn. Tuy nhiên, cho đến nay, EC vẫn tỏ ra miễn cưỡng, cho rằng ý tưởng xây dựng tường và hàng rào dây thép gai không phải là giải pháp phù hợp.

Thực tế, cho đến nay các giải pháp EU đưa ra để giải quyết căn cơ làn sóng di cư đều khó khả thi khi “lực bất tòng tâm”. Đây cũng là bài toán khó chưa có lời giải của liên minh này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>