Mỹ - Trung lại “khẩu chiến”

06/03/2023 | 07:45 GMT+7

Quan hệ Mỹ - Trung lại nổi sóng gió khi Washington vừa ra lệnh cấm TikTok hiện diện trên đất Mỹ.

Biểu tượng ứng dụng TikTok trên một điện thoại thông minh trong ảnh chụp ngày 22-8-2022. Ảnh: REUTERS

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 1-3 thông qua dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm TikTok và các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. Dự luật không nêu cụ thể cách triển khai, nhưng người đứng đầu Nhà Trắng có thể cấm mọi giao dịch với TikTok, đồng nghĩa người dùng tại Mỹ không thể tiếp cận hoặc tải ứng dụng về điện thoại.

Sở dĩ Mỹ cấm trang mạng xã hội TikTok hoạt động trên đất Mỹ vì mối lo về bảo mật dữ liệu và thông tin người dùng TikTok đang gia tăng tại Mỹ, buộc chính phủ nước này phải hành động với mạng xã hội này. Mỹ hiện có khoảng 100 triệu người dùng TikTok. Khoảng 2/3 trong số này là thanh thiếu niên.

Trước đó, Nhà Trắng đã ra lệnh cho tất cả nhân viên liên bang xóa TikTok, ứng dụng của Công ty ByteDance, khỏi thiết bị di động do chính phủ cấp trong vòng 30 ngày. Một số thống đốc bang còn muốn ứng dụng này bị cấm trên toàn nước Mỹ.

Một số chính trị gia Mỹ bày tỏ lo ngại về các nội dung lưu hành trên TikTok và liệu chúng có gây hại cho sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Mỹ hay không. Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chống Thù ghét Kỹ thuật số, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, cho biết trong một báo cáo hồi cuối năm ngoái hay nội dung về chứng rối loạn ăn uống trên nền tảng này đã thu hút 13,2 tỉ lượt xem.

Tuy nhiên, mối bận tâm chính của giới chức Mỹ khi cấm TikTok là về vấn đề bảo mật dữ liệu. Họ đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ thông tin người dùng có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc.

Đến nay, Quốc hội, Nhà Trắng, quân đội và hơn một nửa số bang Mỹ đã cấm TikTok vì lo ngại rằng công ty mẹ của nó, ByteDance, sẽ cung cấp dữ liệu người dùng, như lịch sử duyệt web và vị trí, cho chính phủ Trung Quốc, hoặc quảng bá những thông tin có lợi cho Bắc Kinh.

Cả Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ và Ủy ban Truyền thông Liên bang đã cảnh báo rằng ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng TikTok với chính phủ Trung Quốc.

Theo một đạo luật được Trung Quốc áp dụng từ năm 2017 yêu cầu các công ty phải cung cấp cho chính phủ bất kỳ dữ liệu cá nhân nào liên quan đến an ninh quốc gia. Chưa có bằng chứng nào cho thấy TikTok đã chuyển những thông tin như vậy cho chính phủ, song giới chuyên gia cho rằng lượng dữ liệu người dùng mà ứng dụng này thu thập là vô cùng lớn, nên hoài nghi được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.

Phản ứng trước động thái trên của chính quyền Mỹ, trước đó TikTok, cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực đảm bảo an ninh dữ liệu và bác bỏ cáo buộc do thám. Trong khi đó, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew cho biết họ sẽ định tuyến tất cả dữ liệu người dùng Mỹ đến các máy chủ của Oracle, công ty ở Thung lũng Silicon mà họ đã chọn làm đối tác công nghệ tại Mỹ vào năm 2020 trong nỗ lực tránh lệnh cấm trên toàn quốc. Nhưng TikTok đang lưu trữ bản sao dữ liệu trong các máy chủ của mình ở Mỹ và Singapore. ByteDance cho hay họ dự kiến xóa dữ liệu người dùng Mỹ khỏi máy chủ, nhưng không cung cấp mốc thời gian cụ thể.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cáo buộc Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để triệt hạ công ty nước ngoài. Bà Mao khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này. Mỹ nên tôn trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, dừng chèn ép các công ty, tạo môi trường cởi mở, bình đẳng, không phân biệt đối xử cho công ty nước ngoài tại Mỹ”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bằng việc đánh thuế không khoan nhượng vào hàng hóa của nhau đã làm cho mâu thuẫn giữa hai nước rạn nứt, rồi tới phản ứng trái chiền của Mỹ về vấn đề Đài Loan và Biển Đông đã khoét sâu thêm căng thẳng, nay đến lệnh cấm TikTok hoạt động trên đất Mỹ đã gia tăng thêm khoảng cách trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Mâu thuẫn này sẽ càng gay gắt hơn khi “khẩu chiến” giữa Bắc Kinh và Washington chưa có hồi kết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>