Thêm tín hiệu khả quan chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ

15/12/2022 | 18:15 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thành lập nhóm liên ngành chống phân biệt chủng tộc nhằm mở ra kỳ vọng đối xử công bằng giữa mọi người sống trên nước Mỹ.

Người biểu tình tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Công viên thành phố Grand Rapids, bang Michigan, Mỹ, ngày 15-4.  Ảnh: AP

Theo đó, nhiệm vụ của nhóm liên ngành này là phối hợp các nỗ lực chống chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo, cũng như các hình thức phân biệt đối xử khác. Động thái trên diễn ra khi các báo cáo về tình trạng bài Do Thái gia tăng trên khắp nước Mỹ. Tuần trước, Nhà Trắng đã tổ chức một sự kiện bàn tròn với các nhà lãnh đạo Do Thái nhằm giải quyết tình trạng này.

Không chỉ người Do Thái, Hồi giáo bị đối xử, phân biệt mà người gốc Á cũng có chung số phận. Trong 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ (từ 19-3-2020 đến 31-3-2022), tổ chức phi lợi nhuận Stop AAPI Hate đã ghi nhận 11.467 vụ việc thù hận nhằm vào cộng đồng người gốc Á.

Theo chuyên gia Russel Jeung, người đồng sáng lập của tổ chức Stop AAPI Hate và là giáo sư chuyên nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco, các trường hợp được ghi nhận đều khiến nạn nhân chịu tổn thất tinh thần, thậm chí tình trạng này tiếp diễn đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của cả cộng đồng.

Phân biệt chủng tộc có thể được bộc lộ qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có vi phạm quyền công dân, phân biệt chủng tộc trên nền tảng trực tuyến và bạo lực. Trong số những vụ việc mà báo cáo ghi nhận, khoảng 66% là các hành vi quấy rối, được thể hiện qua lời nói, bài viết, hoặc cử chỉ không phù hợp.

Theo báo cáo, cứ 9 vụ việc thì có 1 vụ liên quan tới vi phạm quyền công dân, chẳng hạn như phân biệt đối xử trong môi trường doanh nghiệp hoặc nơi công sở. Trong khi đó, khoảng 10% các vụ việc được ghi nhận xảy ra trên nền tảng trực tuyến. Ông Jeung nhận định con số này không hề nhỏ, vì lứa tuổi thanh, thiếu niên sử dụng internet rất thường xuyên.

Báo cáo cho biết các hành động thù hận xảy ra ở khắp nơi tại Mỹ, từ khu vực thành thị tới nông thôn, tại nơi cộng đồng Mỹ gốc Á tập trung sinh sống, cũng như nơi ít có người gốc Á xuất hiện. Trong đó, bang California ghi nhận nhiều sự vụ phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á nhất, với 4.333 trường hợp, tiếp đến là bang New York và Washington, với lần lượt 1.840 và 556 trường hợp được ghi nhận.

Trong khi đó, báo cáo thường niên gần đây của Liên đoàn chống phỉ báng tại Mỹ, cho thấy năm 2021 ghi nhận số vụ bài Do Thái nhiều nhất ở Mỹ, trong đó có các vụ giết người, hành hung, quấy rối và phá hoại kể từ khi cơ quan giám sát phân biệt chủng tộc này bắt đầu thu thập số liệu cách đây 40 năm.

Còn theo số liệu do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố gần đây nhất, trong năm 2021, có hơn 7.200 vụ phạm tội liên quan đến thù ghét. Hơn 60% số vụ được báo cáo này bắt nguồn từ phân biệt chủng tộc, gốc gác hoặc sắc tộc, trong khi khoảng 1/6 số vụ thuộc diện tội phạm thành kiến với xu hướng tính dục và 1/7 số vụ là tội phạm thành kiến tôn giáo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng lên án tư tưởng “da trắng thượng đẳng” cũng như các phương tiện truyền thông, internet và những quan điểm chính trị truyền bá các thuyết phân biệt chủng tộc. Chính ông Biden đã ký ban hành luật quy định hành động tư hình do phân biệt chủng tộc là tội ác hận thù liên bang. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ ban hành luật liên bang chống tư hình do phân biệt chủng tộc. Ông Biden nhấn mạnh: “Luật này không chỉ thay đổi về quá khứ  mà còn về hiện tại và cả tương lai của chúng ta”.

Phân biệt chủng tộc lâu nay vẫn âm ỉ tồn tại ở Mỹ bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ đó đã làm cho khoảng cách giữa người bản địa và một bộ phận dân du nhập ngày càng cách xa, tạo nên sự bất bình đẳng ngoài mong muốn của chính phủ nước này. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thành lập nhóm chống phân biệt chủng tộc là tín hiệu vui, hứa hẹn mở ra hướng đi mới xóa dần định kiến lâu đời này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>