Vì sao Triều Tiên gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân ?

05/01/2023 | 09:10 GMT+7

Triều Tiên vừa tuyên bố sẽ gia tăng số đầu đạn hạt nhân để đối phó với Hàn Quốc và Mỹ làm cho tình hình Bán đảo Triều Tiên thêm nóng lên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này. Ảnh: KCNA/REUTERS

Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu tăng tốc độ sản xuất “theo cấp số nhân” để chế tạo hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, ra lệnh cho ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới để đối phó sự thù địch từ Mỹ và Hàn Quốc. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã chính thức triển khai các hoạt động leo thang trong năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt từ nước ngoài.

Triều Tiên bắt đầu năm mới bằng việc bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào sáng 1-1-2023, sau khi phóng 3 tên lửa tương tự một ngày trước đó. Ông Kim Jong-un cho biết các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và phóng đến bất cứ đâu ở Hàn Quốc.

Ông Kim cho rằng, chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã buộc Triều Tiên phải coi “việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật” và “mở rộng kho vũ khí hạt nhân” là “định hướng chính” trong chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng cho năm 2023.

Theo dữ liệu của tạp chí Mỹ Bulletin of the Atomic Scientists (BAS), tính đến tháng 9-2022, Triều Tiên được cho là đã có 20-30 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng cho tên lửa tầm trung.

Còn Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) đã báo cáo vào tháng 6-2022 rằng Triều Tiên có 20 đầu đạn. Nước này cũng có nguyên liệu, cụ thể là urani-235 và plutoni-239, để chế tạo thêm 45-55 đầu đạn nữa.

Các chuyên gia Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (RECNA) trong báo cáo về vật liệu hạt nhân trên thế giới đến năm 2022 cho biết Triều Tiên sở hữu 40 đầu đạn hạt nhân tính đến tháng 6.

Đồng thời, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hoa Kỳ (INSS) thuộc Viện Quốc phòng Mỹ cho biết tính đến tháng 11-2020, Triều Tiên có 15-60 đầu đạn hạt nhân.

Về phía Hàn Quốc, kể từ khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5-2022, Hàn Quốc theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Triều Tiên. Khi Triều Tiên đưa máy bay không người lái (UAV) qua biên giới liên Triều vào tuần trước, ông Yoon đã tuyên bố sẽ “trả đũa” và kêu gọi “chuẩn bị cho chiến tranh”, ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc đưa UAV vào không phận Triều Tiên.

Thái độ của ông Yoon hoàn toàn khác so với với người tiền nhiệm. Ông Moon Jae-in coi việc giảm căng thẳng và “ngăn chặn chiến tranh” trên Bán đảo Triều Tiên là một dấu ấn chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng vừa cảnh báo, bất cứ nỗ lực nào của Triều Tiên nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến sự “kết thúc” của chính quyền Bình Nhưỡng.

Năm 2022, Triều Tiên đã nối lại các vụ thử ICBM, phóng tên lửa Hwasong-17, ICBM mới nhất và mạnh nhất của nước này vào tháng 11. Tháng trước, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm trên mặt đất một động cơ tên lửa mới mà các nhà phân tích cho là sẽ được dùng để phát triển một thế hệ ICBM nhiên liệu rắn mới, có thể triển khai phóng nhanh hơn các ICBM nhiên liệu lỏng hiện tại.

Sự gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên đã nóng nay lại càng nóng hơn. Điều này đồng nghĩa việc nối lại đàm phán hòa bình Mỹ - Triều khó có thể diễn ra trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>