Cựu chiến binh xây đời sống mới

08/10/2019 | 07:32 GMT+7

Ở xã Vị Đông (huyện Vị Thủy), những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi xuất hiện ngày càng nhiều. Với những cô, chú này, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng được mô hình điển hình, cũng chính là góp sức xây dựng đời sống mới tại quê hương...

Ông Sáu Kỷ (trái) sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, học hỏi kinh nghiệm cho vườn bưởi của mình.

Không ngại tuổi cao

Chỉ tay về phía vườn bưởi 160 gốc trên diện tích 2 công đất của gia đình, ông Trần Văn Kỷ (Sáu Kỷ), ở ấp 5, chia sẻ: “Vườn này trước đây trồng trọt đủ thứ cây trái, là vườn tạp, gần 3 năm nay cải tạo trồng bưởi da xanh Bến Tre, bước đầu như thấy đó, vườn bưởi cho trái chiếng thấy ham lắm. Tính ra bỏ công cán, tiền của vô đây nhiều à”.

Như lời ông Sáu Kỷ, trên khu đất trồng bưởi da xanh, ông đầu tư làm hàng rào bao quanh hết vườn. Trước đây vì là đất lúa, thấp, sau đó có lên vườn nhưng là vườn tạp, ông phải mướn xáng cuốc bồi đắp đất, nhân công đắp gốc bưởi, rồi vô phân, cây giống, các dụng cụ phun tưới… tính ra cũng tròm trèm gần trăm triệu đồng đầu tư, để có được vườn bưởi xanh um như hôm nay. Đây là một trong những mô hình được kỳ vọng phát triển và nhân rộng không chỉ trong hội viên Cựu chiến binh, mà là của cả xã Vị Đông.

Ông Sáu Kỷ thời chiến từng là Tham mưu trưởng Thị đội thị xã Vị Thanh, là một trong những chiến sĩ cách mạng tham gia giải phóng thị xã mấy mươi năm trước. Hòa bình, về với cuộc sống thường nhật, ông lo làm ăn, một thời gian sau có công tác tại xã Vị Đông với chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Ở tuổi 72, người Cựu chiến binh từng được nhận Huân chương Kháng chiến hạng III và đã 35 năm tuổi Đảng này, vẫn tràn đầy quyết tâm phát triển sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Út, vợ ông Sáu Kỷ, chia sẻ: “Giai đoạn đầu khi mới làm vườn, hai vợ chồng ở suốt ngoài vườn. Có mướn là lúc làm đất thôi, chứ sau này tôi với ổng làm hết, nhất là ổng, hăng say lao động lắm. Ổng hay nói với tôi và mấy đứa con, cuộc sống giặc giã hồi đó sống trong rừng trong rú, cơm không đủ no, lo chạy bom, chạy đạn quân thù, cơ cực, nay đất nước bình yên, Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để người dân an tâm làm kinh tế, nên mình phải ráng làm lụng, có dư dả, cho con cháu noi gương, cũng là cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Người thương binh mất sức lao động 23% này là gương điển hình của địa phương. Khi xưa ông cùng đồng đội trải qua 72 trận đánh, chống càn của quân địch, giờ đây “mặt trận” của ông chính là khu vườn quanh nhà, quyết tâm xây dựng được mô hình thành công ngay vùng đất một thời mà ai cũng chê, vì ngập nước, nhiễm phèn…

Vươn lên từ gian khó

Toàn xã Vị Đông có 157 hội viên Cựu chiến binh, đa phần đều ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng tinh thần sản xuất giờ không thua kém tinh thần chiến đấu những năm thanh xuân vác súng ra chiến trường.

Ông Lê Trung Quyến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vị Đông, cho biết: “Toàn xã có hơn 16 mô hình của hội viên Cựu chiến binh khá tiêu biểu, đang cho thu nhập. Chúng tôi sẽ cố gắng khuyến khích, động viên và chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên khác. Cả xã giờ còn 5 hội viên nghèo, 8 hội viên cận nghèo, do đó nhân rộng những mô hình điển hình trong làm ăn, sản xuất kinh doanh đến những hộ này theo điều kiện của các anh em cũng chính là giải pháp để giảm nghèo của chúng tôi”.

Đến mô hình ở ấp 3A của gia đình ông Nguyễn Văn Phòng và bà Trần Thị Đẹp, như là minh chứng cho chia sẻ của ông Quyến. Trên khu đất của gia đình, ông Phòng được hơn 100 gốc dừa đang cho trái, cứ 2 tháng thu hoạch 1 lần. Hai công đất phía sau nhà hai vợ chồng ông trồng các loại hoa màu như khổ qua, đậu que, các loại rau mùi, hẹ, dưới ao thì nuôi cá, ốc, trồng bông súng. Cái ao lớn khoảng hơn nửa công, ông giao cho con nuôi ba ba thịt.

Bà Đẹp chia sẻ: “Tôi ngày nào cũng mang rau ra chợ Hội Đồng bán. Khi nào tới ngày thu hoạch khổ qua, đậu que các loại rau trồng bán được 300.000-400.000 đồng. Khi nào không có mấy loại này, tôi hái rau vườn đi bán được hơn 100.000-200.000 đồng, đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, có dư ít đỉnh nữa. Ở quê mà được vậy là bảnh rồi”.

Ông Phòng khi xưa từng là du kích địa phương, những năm chiến tranh, đã đóng góp công sức của mình để đánh đuổi quân thù, tay sai. Gần 20 năm trước, đất đai nhiều, vợ chồng ông buôn bán thuận lợi, từng có ghe lớn chở lúa gạo cho các công ty xuất khẩu ở Sài Gòn. Cả 5 người con đều đi học, được ông tạo công ăn việc làm, thậm chí gia đình còn có mở một tiệm vàng để người con trai thứ hai đứng bán. Rồi công việc làm ăn thất bại, tiền của trong nhà ra đi hết, đất đai lớp cầm cố, lớp bán mấy chục công. Từ chỗ trong nhà chứa hàng trăm giạ lúa, giờ phải đi mót lúa về ăn. Cuộc sống gia đình khi đó sống trong những ngày ảm đạm nhất, gần như bế tắc, vì chủ nợ đến đòi hàng ngày. Đến nỗi người con gái út của ông bà được kỳ vọng nhất khi hết THPT phải nghỉ học 2 năm…

Sau ngày đó, ông Phòng nuôi vịt chạy đồng, nhờ sự chăm chút, siêng năng, đàn vịt sang tay được hơn 30 triệu đồng, hai vợ chồng sang đất, trả tiền cố đất… bà Đẹp hái rau đi bán ở chợ, ông trồng thêm màu trên đất nhà, con ông nuôi ba ba, trồng dừa…

Đến kỳ thu hoạch, ba ba bán có giá, đất đai sang lại được 10 công, cất thêm căn nhà mơ ước cho cả gia đình. Cho đến giờ, mỗi ngày ông Phòng cũng không xỏ đôi dép vào chân được bao lâu, vì thời gian của ông là lội nước, thăm vườn, ruộng. Mô hình dưới cá, ba ba, trên trồng màu, trồng dừa, xen kẽ một số loại cây trái khác của gia đình ông Phòng, là điển hình tiêu biểu của Hội Cựu chiến binh xã Vị Đông…

Ông Trần Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, bày tỏ: “Định hướng phát triển những mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp thổ nhưỡng được xã chú trọng khuyến khích người dân thực hiện. Trong đó, mô hình tiêu biểu phải kể đến của các cô chú hội viên cựu chiến binh. Chính sự tiên phong, gương mẫu của các cô chú, đã giúp việc nhân rộng mô hình được thuận lợi”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>