Đồng hành cùng hoàn cảnh khó khăn

18/03/2020 | 08:33 GMT+7

Phát huy vai trò cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo từ thiện, các cấp hội chữ thập đỏ đã trở thành điểm tựa của những hội viên, hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Được mượn vốn, chị Giang đã đầu tư chăn nuôi trăn, cho thu nhập tương đối ổn định.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên

Hình ảnh vợ chồng chị Chu Thị Trang, ở ấp Xẻo Vông B, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, đi bán gà thịt vào mỗi buổi chiều không còn xa lạ với người dân nơi đây, bởi gần chục năm nay gia đình chị gắn bó với nghề này. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng cũng đủ lo hai bữa cơm hàng ngày. Cách đây khoảng 4 năm, nhờ mượn vốn từ “Tổ tương trợ hùn vốn” của hội chữ thập đỏ, gia đình chị có thêm điều kiện để mở rộng việc mua bán gà và nuôi thêm trăn. “Số tiền mượn được 5 triệu đồng, có ý nghĩa với những hộ có hoàn cảnh khó khăn chúng tôi. Tuy công việc buôn bán cũng có đồng ra, đồng vô hàng ngày, nhưng làm ngày nào hết ngày nấy, rất khó dành dụm để mở rộng việc mua bán”, chị Trang cho biết.

Với số tiền mượn, anh chị đã mua 20 con trăn về nuôi và mua thêm gà để bán thịt. Trong đợt nuôi đó, gia đình lời được kha khá. Giờ đây, mỗi ngày gia đình chị cũng kiếm được từ 100.000-200.000 đồng, đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thời gian qua, anh chị đã tích góp và trả đủ số vốn được mượn. “Tôi thấy mô hình này rất ý nghĩa, giúp những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có được nguồn vốn, để mua bán, chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Tôi mong mô hình này sẽ tiếp tục duy trì để những người có hoàn cảnh khó khăn, có thêm nguồn vốn để sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống kinh tế”, chị Trang bày tỏ.

Còn gia đình chị Đào Thị Cẩm Giang, ở ấp Xẻo Vông C, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, cũng mượn vốn từ “Tổ tương trợ hùn vốn”, để đầu tư nuôi trăn. Trong năm vừa qua, gia đình thu được khoảng 20 triệu đồng từ chăn nuôi trăn, hiện nay, chị đang nuôi khoảng 90 con trăn. Chị Giang bày tỏ: “Nếu không được mượn vốn, chắc vợ chồng tôi phải vay bên ngoài. Tuy nhiên, vay bên ngoài lãi suất cao lắm, nhờ có vốn chữ thập đỏ cho mượn kịp thời, mừng hết sức”.

Thành lập từ năm 2016, mô hình “Tổ tương trợ hùn vốn” ở phường Hiệp Lợi đã giúp nhiều hội viên chữ thập đỏ trên địa bàn phường ổn định cuộc sống. Theo chị Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hiệp Lợi, khi tiếp xúc với hội viên có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi luôn tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng. Đa phần hội viên nghèo đều thiếu vốn, đất và kinh nghiệm sản xuất. Hội quyết định xây dựng mô hình, để giúp mọi người có thêm nguồn vốn để làm ăn. Tham gia mô hình, mỗi tháng các hội viên hùn từ 200.000-300.000 đồng/người, sau đó, tổ sẽ xem xét cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhất mượn trước, mỗi người mượn từ 4 đến 9 triệu đồng. Ngoài ra, còn giới thiệu những cách làm, mô hình hiệu quả phù hợp với điều kiện của gia đình, để mọi người học hỏi và làm theo.

Nhận thức rõ công tác từ thiện nhân đạo có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi… từng bước ổn định cuộc sống, các cấp hội chữ thập đỏ luôn chủ động, sáng tạo thực hiện tốt các phong trào, hoạt động từ thiện, lấy công tác xã hội làm trọng tâm. Các cấp hội đã tập trung rà soát, nắm nhu cầu đối tượng cần hỗ trợ, làm cầu nối, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ từng hoàn cảnh, để mọi người vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhờ buôn bán gà thịt, mỗi ngày chị Trang thu lời từ 100.000-200.000 đồng.

Luôn đồng hành cùng hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Nhiều hội viên chữ thập đỏ trên địa bàn phường Hiệp Lợi ai nấy đều phấn khởi trước hiệu quả mô hình “Tổ tương trợ hùn vốn” mang lại. Nhờ nguồn vốn tương trợ, một số hội viên đã ổn định cuộc sống. Điển hình như chị Nguyễn Thị Nhiểu, ở ấp Xẻo Vông A, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, được mượn 5 triệu đồng, để trồng 1.000 dây bầu. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, trong năm qua, gia đình đã thu được lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Hay bà Lê Thị Kim Huê, cũng ngụ ấp Xẻo Vông A, lớn tuổi, cuộc sống khó khăn. Nhờ được mượn vốn 5 triệu đồng, bà đã mở tiệm bán nước giải khát, thu nhập bình quân gần 200.000 đồng/ngày, cuộc sống nhờ đó được ổn định hơn.

Các cấp hội còn thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế giúp hội viên phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Long Mỹ, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn huyện đã tích cực vận động, làm cầu nối gắn kết giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn. Với những hộ gặp khó về nhà ở thì chúng tôi vận động hỗ trợ nhà, những hộ thiếu vốn thì mượn vốn xoay vòng. Ngoài ra, còn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động hỗ trợ cây, con giống, phương tiện sản xuất…

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm tựa cho những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh, giúp họ có thêm động lực vươn lên xây dựng cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào từ thiện nhân đạo, thường xuyên khảo sát và nắm chắc những hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… để có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ kịp thời. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành cùng các phong trào thiện nguyện, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh…”.

Trợ giúp hơn 112.000 lượt hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi…

Toàn tỉnh hiện có 161 hội chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương, với trên 38.300 hội viên. Từ đầu năm đến nay, hội đã vận động trên 12,6 tỉ đồng trợ giúp hơn 112.000 lượt hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi... Trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phối hợp cùng các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 2.000 lượt người.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>