Giải pháp giảm nghèo bền vững

08/05/2019 | 08:15 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, Đảng ủy, UBND thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân gắn với công tác giảm nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Xuyến sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư mô hình nuôi ếch trong vèo.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Đảng ủy, UBND thị trấn Một Ngàn đã phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn tìm hiểu về từng hoàn cảnh, điều kiện của mỗi hộ để có hỗ trợ phù hợp. Ngoài phối hợp triển khai tốt các chế độ, chính sách ưu đãi cho người nghèo, thị trấn còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho những hộ nghèo tiếp cận vốn vay. Nhờ đó nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Song song đó, còn mở các lớp dạy nghề và giới thiệu các mô hình kinh tế phù hợp để người dân tăng thu nhập.

Gia đình chị Nguyễn Thị Xuyến, ở ấp Nhơn Thuận 1A, thuộc diện hộ nghèo trong ấp. Diện tích đất sản xuất không bao nhiêu nên chị muốn phát triển mô hình nuôi ếch trong vèo để cải thiện thu nhập. Ban đầu chỉ nuôi thử với số lượng ít, thấy hiệu quả nên chị Xuyến tiếp tục giữ lại ếch bố mẹ để tự sản xuất giống. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo 30 triệu đồng vào đầu năm 2019 mà chị đã có điều kiện đầu tư để cải tạo mương, làm vèo và lắp đường ống nước, máy bơm…

Chị Xuyến vui mừng cho biết: “Chi phí ban đầu đã hết gần 10 triệu đồng, nhờ tự nuôi ếch bố mẹ nên tôi tiết kiệm được số tiền con giống khá cao. Phần vốn còn lại tôi dùng mua thức ăn cho ếch, làm thêm vèo mới để tách ếch ra khi trưởng thành. Nếu quá trình chăm sóc thuận lợi, dự kiến sau 3 tháng tôi có 15 vèo ếch thịt. Mỗi vèo ước chừng cho thu được trên 2,5 triệu đồng sau khi trừ chi phí”. Được biết vụ nuôi thử nghiệm vừa rồi do chưa nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ hao hụt còn nhiều. Lần này, với quyết tâm cao và học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ếch từ những hộ có kinh nghiệm, đọc thêm thông tin trên mạng internet, chị Xuyến mong giảm hao hụt và đạt năng suất cao hơn. Không chỉ vậy, nếu sản xuất ếch giống hiệu quả, số lượng nhiều thì chị dự định cung cấp lại cho những hộ có nhu cầu tại địa phương. Nhờ chọn lựa được mô hình phù hợp và nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, mong ước thoát nghèo của gia đình chị Xuyến không còn xa nữa.

Ông Tiết Văn Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Một Ngàn, thông tin: Để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế của người dân, ngoài hỗ trợ tiếp cận vốn vay kịp thời, xã còn chú trọng công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên hỗ trợ người dân mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, chưa có việc làm ổn định có thể kiếm thêm thu nhập nhờ mô hình Tổ phụ nữ may gia công trang phục. Tổ may do chị Trần Thị Diễm Thanh, ngụ ấp 1B, làm tổ trưởng. Chị cũng là đầu mối nhận mẫu cắt sẵn về để các chị em may lại thành trang phục hoàn chỉnh. Tổ may hoạt động khá linh hoạt, nếu ai đã có máy may sẵn ở nhà thì nhận hàng về nhà, tận dụng thời gian rảnh ngoài chăn nuôi, trồng trọt để may thêm. Đối với chị em gặp khó khăn, chưa có điều kiện thì thành viên trong tổ sẽ hướng dẫn kỹ thuật và làm trực tiếp tại cơ sở của chị Thanh.

Bà Nguyễn Lệ Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Một Ngàn, chia sẻ: Tổ may có 17 thành viên, năm nay dự kiến phát triển thêm nhiều thành viên và nhân rộng sang các ấp khác nếu có điều kiện. Các tổ phụ nữ cũng khuyến khích chị em có hoàn cảnh khó khăn đi học nghề, người nào còn thời gian rảnh hoặc ở xa thì nhận may ở nhà để trang trải thêm chi phí trong gia đình. Thu nhập bình quân của người mới làm là 1,2-1,5 triệu đồng/tháng nhưng những người thành thạo và quen việc có thể đạt được từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, thị trấn Một Ngàn còn thường xuyên quan tâm củng cố và nâng chất các hợp tác xã (HTX). Ngoài 2 HTX nông nghiệp, hiện nay xã còn có 4 HTX phi nông nghiệp, 20 câu lạc bộ khuyến nông, kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm để bà con nông dân phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, thị trấn cũng tích cực vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, đồng thời liên kết, tìm kiếm thị trường đầu ra để người dân có thu nhập ổn định hơn từ loại nông sản của mình làm ra.

Tính đến hết quý I, tổng số hộ nghèo ở thị trấn Một Ngàn còn 125 hộ, chiếm 7,17%. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và cách làm hay ở cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, thị trấn phấn đấu trong năm 2019 sẽ kéo giảm tỷ lệ này và xóa hộ nghèo ở 2 ấp là Nhơn Lộc và Nhơn Thuận 1A.

 

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>