Giải quyết hồ sơ trong người có công: Khó mấy cũng gắng làm tốt !

12/09/2019 | 05:56 GMT+7

Để giúp gia đình chính sách, người có công với cách mạng hưởng đúng, đủ chính sách, Hậu Giang đã nỗ lực giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng. Công tác này nhận được sự quan tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như các địa phương.

Mẹ Nhạn (ngồi) trong ngày được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa qua.

Công khai, minh bạch, tận tâm trong giải quyết hồ sơ

Đến nay, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Nhạn, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, vẫn chưa quên được cảm xúc khi mẹ được trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với gia đình, việc được phong tặng danh hiệu cao quý này không phải để gia đình được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, mà điều quan trọng là những cống hiến, hy sinh của con mẹ Nhạn đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Ngày được phong tặng, mẹ Nhạn khóc rất nhiều, bởi biết bao cảm xúc về người con trai thân yêu lại tràn về. Những năm tháng khói lửa, vẫn biết tiễn người thân lên đường là không hẹn ngày về, nhưng mẹ luôn động viên, kiềm nén giọt nước mắt để con yên tâm lên đường đánh giặc.

Không riêng hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… đều được địa phương xem xét, giải quyết một cách công khai, minh bạch. Sau nhiều năm mong chờ, kể từ năm 2019 này ông Nguyễn Văn Dữ, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh đã được hưởng chính sách người nuôi dưỡng liệt sĩ. Theo ông Dữ, liệt sĩ Nguyễn Văn Tùy được gia đình ông nuôi nấng từ khi mới 5 tuổi, khi lớn lên, liệt sĩ Tùy đi theo cách mạng và hy sinh năm 1973. Do giấy báo tử Tỉnh đội gửi về không đúng, nên suốt nhiều năm qua, gia đình ông không làm được hồ sơ hưởng chế độ nuôi dưỡng liệt sĩ. Đến năm 2018, đơn vị gửi đúng giấy báo tử và gia đình được cán bộ làm công tác thương binh - xã hội đến tận nhà để hướng dẫn gia đình làm thủ tục, hồ sơ xét công nhận gia đình có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Ông Dữ bày tỏ: “Giờ đây, gia đình tôi được nhận trợ cấp đều đặn hàng tháng. Với gia đình, việc được Nhà nước công nhận và cho hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là niềm tự hào vì những đóng góp của mình đã được ghi nhận”.

Ông Dữ (phải) vui mừng khi đóng góp của gia đình đã được ghi nhận.

Bà Trần Thị Ngọc, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Trước đây, cha tôi tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh năm 1947. Sau nhiều năm làm thủ tục, đến nay cha tôi đã được công nhận liệt sĩ. Với gia đình đây là niềm tự hào”. Theo bà Ngọc, gia đình cũng “gõ cửa” nhiều nơi đề nghị công nhận liệt sĩ nhưng chưa có kết quả, do hồ sơ không đầy đủ. Đến nay, gia đình vui mừng khi hồ sơ đã được thông qua và công nhận. Bà Ngọc bảo rằng đó là niềm an ủi. Bà Ngọc bộc bạch: “Tôi làm hồ sơ công nhận liệt sĩ không phải ham danh lợi gì, mà là niềm vinh dự cho cả gia đình”.

Giúp người có công hưởng đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi

Thời gian qua, huyện Châu Thành A luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách cũng như quan tâm giải quyết hồ sơ về công nhận thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người bị nhiễm chất độc hóa học… Ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực để giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng. Từ đó, giúp mọi người hưởng đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Việc làm này thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã từng góp công cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước”.

Những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực trong việc xác minh, để giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng. Dẫu có những trường hợp phải đi nhiều tỉnh, nhiều nơi để xác minh thông tin, nhưng các cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội luôn nhiệt tình, tích cực để giúp người có công hưởng đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn, bởi trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, người bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ. Với lại, bản thân người tham gia kháng chiến năm xưa cũng không nghĩ đến chuyện lưu giữ lại giấy tờ cho riêng mình…

Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần tôn vinh những người ngã xuống vì hòa bình, thống nhất đất nước. Dù công tác này có khó khăn, nhưng có khó bao nhiêu thì ngành cũng nỗ lực để làm. Sau thời gian thực hiện, nhiều hồ sơ được giải quyết một cách công khai, minh bạch.

Giải quyết hồ sơ cho người có công dù khó, nhưng ngành chức năng đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng làm thật tốt, đó là cách đền đáp công ơn, công lao của những người đã cống hiến, hy sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc. 

Từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp mới và cấp lại 310 giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và thương binh, đề nghị về Trung ương 729 trường hợp cấp mới, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công. Qua rà soát, toàn tỉnh có 32 hồ sơ người có công tồn đọng. Đến nay, giải quyết xong 31 hồ sơ, còn 1 hồ sơ liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục xác minh làm rõ.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>