Hết nghèo, xây cuộc sống mới

14/07/2020 | 04:48 GMT+7

Với sự hỗ trợ của địa phương và nỗ lực của bản thân, nhiều hộ nghèo đã không ngừng vươn lên, thực hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả để đưa kinh tế gia đình phát triển, hướng đến thoát nghèo bền vững... Những cách làm, những điển hình có thể không mới, nhưng mới ở ý thức và sự nỗ lực mạnh mẽ của những hộ nghèo.

Thoát nghèo, gia đình chị Thúy đã dành dụm cất được căn nhà vững chãi.

Làm nhiều việc để thoát nghèo

Trong căn nhà khang trang, rộng rãi, chị Đỗ Thị Thúy, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, đang chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Bữa cơm gia đình giờ đã đầy đủ hơn so với những năm trước đây. Chị Thúy cho biết: “Bữa nay, tôi không có đi chặt lục bình, bình thường vợ chồng tôi đi làm đến chiều tối mới về”.

Năm 2016, gia đình chị Thúy là hộ nghèo của ấp. Hoàn cảnh khó khăn, không có đất ruộng để sản xuất, gia đình đã thuê bãi để nuôi lục bình, ngoài ra còn đi làm thuê, làm mướn để lo miếng cơm, manh áo và chuyện học hành của hai đứa con thơ dại. Cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, nên chuyện thoát được cảnh nghèo dường như quá khó với vợ chồng chị. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình chị tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi không tính lãi suất, thực hiện mô hình kinh tế, nhằm cải thiện cuộc sống. Chị Thúy bộc bạch: “Được vay vốn không tính lãi suất, vợ chồng tôi mừng lắm. Từ số tiền ấy, tôi đã thuê thêm bãi để nuôi lục bình. Nhờ công việc này, cuộc sống dần ổn định”.

Làm nhiều việc, tiết kiệm trong chi tiêu, cuộc sống gia đình được cải thiện và đã trả được số tiền vay ưu đãi, đồng thời còn tích lũy được vốn. Đến năm 2018, sau khi điều tra rà soát, với số điểm có được, gia đình đã chính thức gạch tên mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Là hộ nghèo dù được hưởng nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước, nhưng mang mặc cảm lắm, dù không nói ra nhưng người ta ít nhiều cũng cười chê. Rồi nghĩ mình lười biếng nên mới nghèo, mới khổ. Bây giờ thoát nghèo rồi, chúng tôi sẽ cố gắng lao động hơn nữa, để tránh tái nghèo”, chị Thúy tâm sự.

Thoát nghèo, vốn tính chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị Thúy luôn cật lực lao động, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới. Với bãi trồng lục bình khoảng 10 công được thuê, hầu như gia đình bán lục bình quanh năm. Nhờ chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, gia đình đã dành dụm được khoản kinh phí để xây dựng căn nhà vững chãi và mua sắm một số đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Chị Thúy bộc bạch: “Gia đình không có đất đai, nên cố gắng mà làm. Nhà nước, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, thì mình phải biết tận dụng, cố gắng phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”.

Từ hộ nghèo, giờ đây, gia đình chị Thúy đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa vững chãi, con cái được ăn học đàng hoàng. Không chỉ nỗ lực làm ăn, nâng cao đời sống kinh tế gia đình, vợ chồng chị Thúy còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người trong ấp.

Những nỗ lực vượt khó của gia đình chị đã truyền động lực cho nhiều người vươn lên thoát nghèo, chung tay tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không thiếu những gia đình như vậy…

Xin thoát nghèo - Những điển hình cần nhân rộng

Là hộ nghèo của địa phương hơn 20 năm, năm nay khi thấy kinh tế gia đình cũng tạm ổn định, bà Trần Thị Lệ Hoa, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã chủ động xin thoát nghèo. Hiện nay, bà Hoa đang thực hiện mô hình nuôi heo, nhờ mô hình này mà kinh tế gia đình bà được cải thiện. Bà Hoa chia sẻ: “Nhờ heo trúng giá, cuộc sống cũng đỡ hơn. Tôi cũng đăng ký thoát nghèo năm nay”.

Nhớ về những năm tháng nghèo khó, bà Hoa cho biết, trước đây, cuộc sống rất khó khăn, mỗi ngày bà đi bắt ốc để bán. Ngoài ra, còn nuôi thêm vịt, không chỉ vậy, ai thuê mướn gì bà cũng làm, miễn sao có tiền để lo cuộc sống gia đình. Đến năm 2019, bà được mượn 20 triệu đồng không tính lãi, để thực hiện mô hình kinh tế, nhằm cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Với số vốn được mượn, bà đã mua 7 con heo về nuôi. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, trong thời gian nuôi heo, bà Hoa đã xin thức ăn thừa từ những quán bán cơm, bún cháo không chỉ ở địa phương, mà còn đến tận thị trấn Kinh Cùng để làm thức ăn cho heo. Nhờ bỏ công làm lời, cộng thêm heo bán được giá cao, lợi nhuận thu được cũng kha khá. Vì vậy, sau đợt nuôi này bà tiếp tục tái đàn với 10 con. “Nhờ chịu khó, hai đợt nuôi trong năm vừa qua, tôi thu được lợi nhuận khá. Kinh tế gia đình cũng được cải thiện”, bà Hoa bộc bạch.

Nhận thấy đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2020, bà Hoa tiếp tục tăng thêm số lượng đàn heo với 30 con. Sau hơn 3 tháng nuôi, nhờ chăm sóc tốt, đàn heo xuất chuồng với trọng lượng từ 85 đến 100 kg/con, heo bán với giá 92.000 đồng, mang về nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng cho gia đình. “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Bây giờ, kinh tế gia đình ổn định hơn trước, gia đình đã có thể tự lo được nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo, để những bà con khó khăn hơn được hỗ trợ, cải thiện cuộc sống”, bà Hoa tâm sự. Kinh tế gia đình ổn định, bà Hoa dự định một vài năm tới sẽ cất lại căn nhà, để chỗ ở được vững chãi, tươm tất hơn.

Với những giải pháp đồng bộ của các địa phương cùng sự đồng thuận của người dân, tin rằng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ đạt nhiều kết quả khả thi, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân...

Toàn tỉnh hiện có 10.088 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98% và 8.832 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,36%. Năm 2020, tỉnh sẽ giảm 1% hộ nghèo và 1% hộ cận nghèo.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>