Mong chờ mùa lũ

10/09/2019 | 07:53 GMT+7

Những người mưu sinh mùa lũ đã sẵn sàng chuẩn bị “đồ nghề” đánh bắt cá, cua hay nuôi trồng thủy sản theo con nước... đang mỏi mòn chờ con nước lũ.

Những người mưu sinh nghề câu lưới mùa lũ đang gặp khó vì nước trên đồng còn thấp.

Trong những ngày này, đi dọc các tuyến kênh nằm ngoài đê bao Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thuộc xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đâu đâu cũng nghe bà con làm nghề câu lưới tâm sự về nước lũ năm nay chắc sẽ thấp. Cuộn gọn lại cái dớn vừa mới vá xong, đây cũng là mớ đồ nghề đánh bắt cá, cua trong mùa nước nổi mà lão nông Sáu Kệ đã vay mượn với số tiền hơn 10 triệu đồng mua sắm từ năm ngoái, giờ bỏ không, bị chuột cắn rách.

Uống hết ngụm trà, ông Sáu Kệ nói như than: “Gần cả đời người gắn bó với nghề câu lưới, đối với tôi, mùa lũ tuy có phần hơi vất vả, nhưng bù lại có thêm công việc để làm”. Giọng ông như trầm xuống nói thêm thời điểm này những năm trước nước lũ đã tràn về ngập hết ngọn lúa chét của vụ lúa vừa qua, những nông dân chuyên nghề nuôi cá ruộng sẽ không làm lúa vụ ba mà bắt đầu thả cá lên đồng. Người làm nghề câu lưới, người hái rau đồng như hẹ nước, bông súng, bông điên điển… cũng có sản vật mang ra chợ bán có thêm nguồn thu nhập. Còn năm nay, đã đầu tháng 8 âm lịch rồi mà nước trên đồng còn rất thấp, chủ yếu là do mưa những ngày qua. Lũ không về, đồng nghĩa với ruộng đất thiếu phù sa, nguồn lợi thủy sản ít. Nhiều năm sống bằng nghề câu lưới, năm nay nếu nước lũ không về thì coi như ông Sáu Kệ vừa tốn công, vừa lỗ vốn, chắc phải bỏ nghề.

Không chỉ có mình ông Sáu Kệ thấy nhớ và lo lũ không về, mà còn có cả những người sáng đi bắt ốc, chiều đi đặt lươn như anh Danh Nở, anh Danh Quyến, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh, cũng thấy bồn chồn. Bởi nước lũ là mùa mưu sinh của những hộ nghèo, năm nay nước lũ thấp, muốn bắt được con ốc, đặt được con lươn cũng khó. Anh Danh Nở cho biết nhà anh nghèo nhưng có đến 5 miệng ăn mà không cục đất cấy cày. Mùa nắng ai mướn gì làm nấy, mùa mưa nước nổi, khi trời còn chưa sáng thì cả gia đình đã thức giấc ra đồng. Anh giăng lưới, vợ con bắt ốc, bắt cua thu nhập ngày cũng được vài trăm ngàn đồng, sống được qua hết mùa nước nổi. “Năm nay, đến giờ này con nước lũ vẫn chưa về, vợ chồng con cái quần quật kiếm cả ngày nhưng chỉ bắt được khoảng trăm ký ốc bươu vàng, bán ra không dành dụm được nhiều tiền nên cuộc sống cũng rất khó khăn”, anh Danh Nở than.

Mùa lũ luôn được xem là “mùa làm ăn” của những hộ nghèo, nhưng với tình hình nước lũ năm nay khiến cho những ai quen sống với nghề câu, lưới, lọp, lờ phải lo lắng trong việc mưu sinh. Và cuộc tìm kế sinh nhai của những hộ dân ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ lại càng khó khăn hơn. Thấy tình hình nước lũ năm nay không mấy khả quan, vợ chồng anh Nghiệp và một số hộ khác ở Khu dân cư vượt lũ Cầu Xáng, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bỏ quê lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm thuê. Những người ở lại, đa phần là người già, trẻ nhỏ cũng tìm mọi cách để mưu sinh. Dẫu biết rằng mưu sinh mùa lũ còn phụ thuộc vào thiên nhiên, những năm lũ lớn thì cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng, họ quen sống chung với lũ, biết cách khai thác sản vật mùa lũ, vậy nên hàng năm đến thời điểm này, người dân miền Tây lại trông ngóng lũ.

Nghe như tiếng thở than, ước mong đợi lũ của không ít người nông dân tay lấm chân bùn, có chung niềm trăn trở chuyện con nước lớn ròng, anh Út Hóa, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, nói rằng nhà khoa học thì lý giải theo tính toán khoa học. Người nông dân thì chỉ biết bấm đốt ngón tay tính toán theo kinh nghiệm truyền đời “hết tháng 7 rồi mà nước nhảy lên bờ đâu không thấy”. Cái đáng lo là đã lỡ bỏ tiền ra mua lưới đăng, cá giống chờ nước ruộng dâng đầy để thả cá, nhưng mực nước vẫn còn xa bờ vì không có lũ nên vụ cá nuôi này chắc bị lỗ vốn.

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước lũ đồng bằng sông Cửu Long năm nay đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm.

 

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>