“Người rừng sống dưới gốc cây” ?

21/05/2020 | 08:25 GMT+7

Mấy ngày nay, một người đàn ông lang thang đang “tạm trú” dưới một lùm cây ở ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, bỗng nổi tiếng và được nhiều người nơi xa đến nhận dạng xem có phải người thân của mình thất lạc mấy mươi năm hay không.

Có nhiều gia đình từ các tỉnh, thành tìm đến, mang theo di ảnh, giấy chứng minh nhân dân… để xem có phải người thân của mình hay không.

Nhiều gia đình từ các tỉnh, thành đến nhận dạng

“Người rừng dưới gốc cây” là tên tiêu đề được một YouTube đầu tiên đăng những video clip lên kênh YouTube cá nhân đặt, còn mười mấy năm nay người đàn ông này đã quen mặt với người dân ở ấp này và các khu vực lân cận. Người này không có tên, không có giấy tờ tùy thân, cũng không nói chuyện được, vì lẽ đó mà các YouTube đặt tên là “Người rừng”.

Khoảng 1 tuần nay, sau khi những video clip về người đàn ông lang thang này được đăng tải, cái xóm nhỏ vốn khá yên ắng đã xôn xao hẳn lên. Vợ chồng anh Trần Đức Hùng, ở khu vực 2, chia sẻ: “Thấy có 3 gia đình từ Bình Dương, An Giang và Đồng Tháp qua đây xem có phải người thân hay không. Có gia đình đi cả chục người, đông lắm, thấy vậy bà con quanh đây cũng xúm lại xem đông đúc. Chứ ông này đó giờ rong ruổi quanh đây mười mấy năm rồi, đâu thấy ai tìm kiếm ổng gì đâu”.

Những người dân ở đây chia sẻ, các gia đình từ nơi khác đến đây với mong muốn tìm chồng, cha, em ruột đã bị thất lạc hơn 35 năm nay, có gia đình đã thờ cúng, có bằng Tổ quốc ghi công, nhưng thấy video clip đăng lên giống quá nên đã đến tận nơi để tìm kiếm.

Liên hệ qua điện thoại với cô Lê Thị Xôn Xao, hiện đang sinh sống tại khu phố 2, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cô cho biết: “Cả gia đình hôm đó thuê xe xuống đây để xem có phải là người cậu ruột của tôi đã bị thất lạc 36 năm trước hay không. Cậu là út trong gia đình có 12 người con. Có thời gian qua bên Campuchia rồi mất tích, gia đình đã cố tìm, nhưng không thấy tăm hơi. Tình cờ hôm đó đứa cháu coi clip trên mạng thấy có người giống quá, nên cả nhà bao xe xuống xem thực hư thế nào. Kết quả xét nghiệm khoảng 5-7 ngày nữa sẽ có, để xác định phải người thân không”.

Hai gia đình còn lại ở An Giang và Đồng Tháp cũng cho biết là người thân rất giống người đàn ông lang thang này, từng đi chiến đấu rồi mất tích. Từ đó cứ nghĩ đã chết, nhưng không tìm thấy xác, nên cứ ở đâu thấy có người giống là đi tìm. Có gia đình đã được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ lâu nay.

Các gia đình trên tự lấy tóc, móng tay xét nghiệm ADN và lăn dấu vân tay của người đàn ông lang thang này để gửi ngành chức năng kiểm tra.

Sáng nào cũng đi “hành quân”, hiền lành, không phá phách

Từ ngày “nổi tiếng” trên mạng, cuộc sống của “Người rừng dưới gốc cây” vẫn không có gì thay đổi. Tinh mơ, cứ tầm gần 5 giờ sáng là đeo ba lô, quần áo đàng hoàng đi một vòng gần hết ấp, rồi trời sáng bảnh mắt lại trở về dưới lùm cây đã giăng sẵn cái võng, rồi nằm đó cho đến sáng hôm sau, mặc cho trời nắng mưa hay muỗi chích.

Bà Huỳnh Cẩm Nhung, bán ăn sáng gần đó, cứ mỗi sáng thấy ông “hành quân” xong là gửi cho 1 gói xôi hay ổ bánh mì, có hôm bà mua cho hộp cơm. “Hôm đó, những gia đình lại nhìn người thân có gửi tiền để mua đồ cho ổng ăn nhưng tôi không có nhận, gửi lại thêm mấy cây thuốc lá tại đây thì vài ngày tôi đưa cho ổng một gói để hút. Xóm này ai cũng tốt với ổng hết. Mấy anh quay clip cũng đã hớt tóc cho ổng rồi”, bà Nhung bộc bạch.

Chiều về, gia đình ông Trần Bảo Hiệp, ở kế bên chỗ ở của người đàn ông lang thang, bới cơm cho người này ăn. “Ăn cũng mạnh lắm, thích uống bia, bia đưa nhiêu cũng uống hết, nhưng thấy hay xuống sông uống nước hơn. Người dân ở đây cũng quen mặt với ông này chứ có lạ lẫm gì đâu, hồi trước ở cuối xóm trong bụi tre, sau đó qua tới bên Giồng Riềng, rồi gần tháng nay về đây tá túc dưới mấy bụi cây này nè”, ông Hiệp chỉ về phía người đàn ông đang đu đưa trên võng nói.

Xóm này ai cũng mong ông có người thân đến nhận về để chữa trị và chăm sóc, còn cứ để lang thang thế này mọi người cũng thấy lo. Theo quan sát của phóng viên, người đàn ông này hiền lành, không nói chuyện, thấy có người là ú ớ tiếng gì không rõ, thường cởi trần và ngồi võng, đồ đạc khá nhiều, được gói trong ba lô, nhiều bọc đựng đồ đạc để xung quanh.

Để tránh tình trạng tập trung đông đúc, tạo sự hiếu kỳ cho nhiều người, rất mong chính quyền địa phương theo dõi, có phương án phù hợp để đưa người đàn ông này vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nếu không có thân nhân, để tránh những vụ việc phức tạp có thể xảy ra sau này…

Địa phương cần có sự quan tâm

 

Việc giật tiêu đề “Người rừng…” trong video clip đăng tải trên kênh cá nhân của các YouTube đã khiến không ít người chú ý và tò mò, tuy rằng mục đích của họ khi quay các clip này rất tốt, với mong muốn tìm được người thân cho người đàn ông lang thang.

Qua câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề: Các địa phương có người cơ nhỡ, người tâm thần đi lang thang cần nắm chắc, xác định thân nhân hoặc nếu không có thân nhân thì địa phương cần có trách nhiệm làm hồ sơ chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, để tránh trường hợp người tâm thần, lang thang bị xâm hại hoặc xảy ra các vấn đề phức tạp khác.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>