HẬU GIANG HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO TRONG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

28/09/2023 | 15:08 GMT+7

Tóm tắt: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng văn minh hiện đại. Nhờ thực hiện tốt chính sách tôn giáo mà các tôn giáo trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tin vào Ðảng, Nhà nước, gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với tôn chỉ “Nước vinh - Ðạo sáng”, đồng hành cùng dân tộc.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; tôn giáo, Hậu Giang, công tác tôn giáo…

1. Nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo

Một trong những di sản to lớn mà Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta đó là hệ thống những tư tưởng cách mạng và khoa học về tôn giáo và công tác tôn giáo. Những tư tưởng này được xây dựng từ sự kế thừa tinh hoa truyền thống văn hoá tôn giáo của dân tộc và nhân loại, từ sự vận dụng sáng tạo quan điểm về vấn đề tôn giáo của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, và từ chính từ đạo đức, nhân cách, tài năng của Người.  Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tư tưởng về tôn giáo của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo có những vấn đề cơ bản sau:

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín  ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hồ chí Minh thể hiện ngay phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 02 tháng 9 năm 1945: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Sau đó Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 chính thức ghi nhận “quyền tự do tín ngưỡng” là một trong những quyền cơ bản của công dân. Cùng với tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện việc chống lợi dụng tôn giáo và bài trừ mê tín dị đoan. Chống lợi dụng tôn giáo nhưng đối với những người biết hối cải quay về với Tổ quốc, thì “sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về” 116.

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là một trong những nội dung nổi bật và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Người nhận thức rõ sự nghiệp cách mạng muốn giành thắng lợi, muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh phải đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, vì “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Hồ Chí Minh chỉ rõ muốn đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, phải lấy mẫu số chung là quốc gia, dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân; phải thật sự tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; phải quan tâm đến mọi mặt đời sống của đồng bào các tôn giáo; phải “cầu đồng, tôn dị” tìm kiếm phát huy những điểm tương đồng, đồng thời tôn trọng những điều khác biệt để đi đến sự thống nhất, đoàn kết.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy các giá trị của tôn giáo. Đây là một trong những nội dung tư tưởng rất lớn và rất mới của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Theo Hồ Chí Minh, các tôn giáo khác nhau về giáo lý, giáo luật nhưng đều có điểm chung là đề cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của con người: Người viết: “Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Không những thế, Hồ Chí Minh còn tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ các danh nhân thế giới, trong đó có những người sáng lập tôn giáo. Người viết: “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng bác ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách Tam dân thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao. Các vị ấy đều mưu cầu hạnh phúc chung cho xã hội. Nếu các vị còn sống trên đời này, nếu các vị ấy họp lại một chỗ, tôi tin rằng các vị ấy nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”118.

Nói tóm lại tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự tiếp thu trí tuệ của nhân loại và sự vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo vào hoàn cảnh Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo có nội dung phong phú và đa dạng, chứa đựng giá trị và nhân văn sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay.

2. Đảng Bộ Tỉnh Hậu Giang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển

* Vài nét về tình hình tôn giáo ở tỉnh Hậu Giang hiện nay.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 13 tổ chức, hệ phái tôn giáo, với 159 cơ sở thờ tự, có 731 chức sắc (tương đương), 1.529 chức việc và 206.298 tín đồ, chiếm 28,3% dân số của tỉnh gồm các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành Việt Nam (Miền Nam), Cao đài Chiếu Minh Long Châu, Cao đài Tây Ninh, Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ ân Hiếu Nghĩa, Bửu sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo và các hệ phái Tin lành1.

Trong thời gian qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Hiến chương Giáo hội, tích cực thực hiện công tác từ thiện nhận đạo, tham gia tốt các phong trào yêu nước ở địa phương và phòng, chống dịch covid-19. Các hoạt động thuần túy của tổ chức cá nhân tôn giáo như: Ngày lễ, kỷ niệm, hội nghị thường niên, đại hội, xây dựng, sữa chửa cơ sở thờ tự luôn được các ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng nhân dân. Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo luôn bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…  đóng góp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng của các tôn giáo được tổ chức đúng quy định góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Qua đó, góp phần đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái giúp nhau phát triển, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bày trừ mê tín dị đoan trong xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tỉnh đã huy động được các nguồn lực trong tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh được tổ chức đúng quy định góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Hậu Giang cũng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Các tôn giáo trên địa bàn đã cùng với toàn Đảng, toàn dân góp sức thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các trường hợp gặp khó khăn do đại dịch, ủng hộ kinh phí cho Quỹ phòng chống dịch, các trang thiết bị y tế cần thiết. Tất cả các tôn giáo đều có hình thức phù hợp như: lễ cầu nguyện, lễ cầu siêu, lễ dâng hương, thả đèn hoa đăng, thắp nến, rung chuông bày tỏ tình cảm, chia sẻ trách nhiệm với gia đình có trường hợp hy sinh, tử vong vì dịch Covid-19, thể hiện sự đoàn kết với cấp ủy, chính quyền trong việc phòng, chống, đẩy lùi đại dịch.

Nhìn chung, các tôn giáo ở Hậu Giang đang hoạt động rất bình đẳng, tự do theo quy định của pháp luật. Nguồn lực của các tôn giáo có vai trò quan trọng cùng với nguồn lực của các giai tầng trong xã hội góp phần xây dựng, thúc đẩy Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững.

Đạt được những thành quả đó tất cả là nhờ vào sự đồng lòng, chung sức của quân và dân cũng như đồng bào các tôn giáo trong tỉnh và hơn hết là sự lãnh, chỉ đạo, sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang mà cụ thể là các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh không ngừng tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và cho nhân dân. Xác định công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng trong góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng công dân trong đó có đồng bào có đạo. Trong 05 năm (2018 – 2022) Tỉnh đã chỉ đạo triển khai, tuyên truyền trong cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp 02 cuộc, có 187 lượt tham dự; cấp huyện tổ chức 28 cuộc, có 2.353 lượt tham dự, cấp xã tổ chức 137 cuộc, có 5.618 lượt tham dự. Tổ chức phối hợp triển khai trong chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo: Cấp tỉnh 04 cuộc, có 392 lượt tham dự; cấp huyện 15 cuộc, có 1.047 lượt tham dự2.

Tỉnh luôn tăng cường việc tuyên truyền đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho nhân dân ở địa phương trong toàn tỉnh, công tác tuyên truyền đã giúp nhân dân hiểu được cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai; nhận rõ âm mưu thâm độc của các thế lực phản động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa dân với Đảng, với Nhà nước. Trên cơ sở đó vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời làm cho người dân nắm chắc, hiểu rõ chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, chăm lo đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức tôn giáo giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các quy định ở địa phương. Các chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, tặng quà nhân dịp lễ, tết cho hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn tích cực triển khai nhiều mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thu hút hàng ngàn tín đồ, giáo dân tham gia như mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu” ở họ đạo Vịnh Chèo (huyện Vị Thủy); mô hình “xử lý rác thải thông thường bằng lò đốt mini” tại Giáo xứ họ đạo Phụng Tường (huyện Phụng Hiệp) hay mô hình “Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, phân loại rác thải gắn với giảm nghèo bền vững” của Phật giáo Hòa Hảo (huyện Châu Thành A);…

Không dừng lại ở tuyên truyền hay xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, mà các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn tích cực tham gia Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức hàng năm. Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” đã thu hút ngày càng đông các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia và mang lại nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua việc có hơn 90% chức sắc, chức việc, tín đồ, giáo dân đã thay đổi nhận thức và hành vi trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hầu hết các cơ sở thờ tự đều xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Toàn Đảng bộ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động đồng bào các tôn giáo học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mục đích chính là để đồng bào tôn giáo tin và ủng hộ chủ trương, chính sách cũng như những cuộc vận động của chính quyền, các cấp ủy tỉnh Hậu Giang chú trọng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở những nội dung mới, toàn diện và sâu sắc; tìm những nội dung quan trọng, giải pháp căn cơ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ đó, Chỉ thị số 05 tạo luồng sinh khí mới thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc học tập và làm theo Bác, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Đảng bộ xác định phải phát huy vai trò của các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở; phải lấy sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu các cấp để tạo niềm tin trong đồng bào các tôn giáo. Tiếp đó, các cấp ủy chủ trương đẩy mạnh và thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo… để tạo niềm tin của bà con về những chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta; huy động, vận động cán bộ làm trước để nhân dân tin tưởng làm theo; qua đó tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa trong đồng bào các tôn giáo và toàn xã hội.

Đặc biệt, các cấp ủy đã phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ các đoàn thể chính trị - xã hội, những người phụ trách các cơ sở thờ tự, những người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động các tăng ni, phật tử, bà con có đạo tham gia học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể và hành động thiết thực, theo phương châm “mỗi cơ sở thờ tự làm việc một việc có ích cho cộng đồng”, “mỗi người làm một việc thiện” vừa đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa phù hợp với giáo lý của các tôn giáo.

Chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc trong đồng bào các tôn giáo thông qua các buổi đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở địa phương với đồng bào các tôn giáo trên địa bàn; tìm, phát hiện những gương tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo qua các phong trào thi đua để nhân rộng và phát huy.

Tỉnh tổ chức và triểm khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đầu tư phát triển toàn diện và rất chú trọng đến những nơi có đông đồng bào có đạo từ các nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương thông qua các chương trình, dự án đã đầu tư với tổng số tiền trên 105 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo tại địa phương. Trong 5 năm (2018 – 2022), tỉnh đã tổ chức thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như khởi công xây dựng mới, đầu tư chuyển tiếp được 59 công trình và duy tu, nâng cấp, sửa chữa 17 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 885 hộ, đã tổ chức 15 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Hỗ trợ 425 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 tập trung chủ yếu giống cây, phân bón, vật tư… kinh phí thực hiện 4,6 tỷ đồng. Năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định cho 03 chương trình giai đoạn 2021 - 2025  về đầu tư phát triển vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số tổng vốn 48,9 tỷ đồng… Hiện tỉnh có 02 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, số học sinh tăng thêm hàng năm 230 em ở hai cấp học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, các chính sách ưu tiên theo tinh thần Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ được duy trì, tùy từng đối tượng hỗ trợ học tập hằng tháng từ 30% đến 100% mức lương tối thiểu chung3.  

Tập trung làm tốt công tác vận động, tranh thủ các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các phong trào thu đua yêu nước

Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng trong góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng công dân trong đó có đồng bào có đạo; đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp nhằm thực hiện đúng đắn các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện, trong đó triển khai, phổ biến sâu rộng của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Từ đó, chức sắc, quần chúng tín đồ các tôn giáo nắm vững hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế văn hoá - xã hội tại địa phương, ý thức bảo vệ quê hương đất nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo với phong tục truyền thống của dân tộc trong tình tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua đói nghèo, khó khăn của cuộc sống.

Trong các đợt bùn phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua các tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, chung tay góp sức, đồng hành cùng các cấp chính quyền và Mặt trận trong việc ủng hộ phòng chống dịch với nhiều hoạt động nổi bật tổng giá trị hơn 5 tỷ 217,9 triệu đồng như: Ủng hộ quỹ phòng chống dịch và vắc xin với tổng số tiền là: 87.500.000đ đồng; tặng 7.310 phần quà cho khu cách ly, cho người nghèo bị ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ 29,590 tấn gạo và giúp nông dân tiêu thụ 94,2 tấn nông sản bằng hình thức mua lại mở phiên chợ 0 đồng và hỗ trợ nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương4…..Tất cả điều đó cho thấy Đảng bộ tỉnh đã tổ chức tốt công tác vận động, tranh thủ các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các phong trào thu đua yêu nước trong toàn tỉnh góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “về công tác tôn giáo trong tình hình mới”.

Tích cực vận động, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo nhằm xây dựng, phát triển địa phương, đất nước. Các cấp các ngành và các đơn vị chuyên môn trong toàn tỉnh đã phối hợp các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương các cấp truyên truyền, vận động và tạo điều kiện đồng bào tôn giáo - dân tộc phát huy tốt những giá trị văn hóa tốt đẹp đúng theo tinh thần quan điểm của Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “về công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Trong cuộc vận động các ngành, các cấp luôn chú ý phát huy vai trò tích cực của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của chức sắc, nhà tu hành và trí thức tôn giáo người truyền cảm hứng mạnh mẽ trong phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, tạo môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào có đạo, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Thông qua các hoạt động lễ nghi tôn giáo, thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các hoạt động từ thiện nhân đạo các tôn giáo cũng thể hiện nét văn hóa đặt trưng của từng tôn giáo với phương châm "Tốt đời, đẹp đạo" cùng với việc đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đồng bào các tôn giáo góp phần xây dựng thành công 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 07 xã nông thôn mới nâng cao, số huyện nông thôn mới 03, 01 ấp kiểu mẫu tạo kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, đồng bào tôn giáo còn tham gia tốt các phong trào, đề án của tỉnh như Hậu Giang xanh, bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu đạt kết quả quan trọng góp phần đúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Các cấp ủy Đảng ở cơ sở luôn quan tâm phát triển Đảng viên người có đạo, xây dựng và phát huy lực lượng nồng cốt trong tôn giáo. Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cốt cán tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tuyên truyền các quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước trong vùng đồng bào có đạo và tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước phát triển kinh tế xã hội... các cấp ủy Đảng đã mở rộng tổ chức thông qua việc kết nạp quần chúng ưu tú là đồng bào có đạo từ các tổ chức thành viên Mặt trận, đoàn viên hội viên của các tổ chức đoàn thể. Đến cuối năm 2022, tỉnh phát triển và kết nạp được 563 đảng viên là người có đạo trong đó: Công giáo 426, Tin lành 22 và các tôn giáo khác là 101 đảng viên 5. Đảng viên là người có đạo là lực lượng nồng cốt trong tôn giáo đóng vai trò tích cực trong việc vận động, tuyên truyền các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, vận động đồng bào tham gia tốt các phong trào yêu nước, tham gia phát triển kinh tế ở địa phương, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh ngăn chặn thế lực lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết tôn giáo - dân tộc. Thời gian qua, lực lượng này hoạt động đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần ổn định tình hình tôn giáo và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã bổ sung, kế thừa, cập nhật, sáng tạo nhiều nội dung mới trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó Đảng bộ tỉnh còn đánh giá cao vai trò sức mạnh nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc đoàn kết các tôn giáo, nhờ đó mà trên địa bàn tỉnh chưa hề xãy ra mâu thuẩn giữa các tôn giáo dẫn đến khiếu kiện đông người vượt cấp. Đảng bộ tỉnh luôn nhất quán chủ trương của Đảng là luôn đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người; tỉnh luôn thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, tạo điều kiện về pháp lý lẫn thực tế đối với quyền tự do, tín ngưỡng của các tôn giáo nhằm giúp cho các tôn giáo hoạt động một cách bình thường và đúng theo pháp luật. Như vậy có thấy rằng Đảng bộ tỉnh Hậu Giang luôn đề cao vai trò của các tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà của đất nước; luôn ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các tôn giáo trong việc thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó mà các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của ông cha ta để lại và đây cũng chính là: “sợi dây kết nối, gắn kết dân tộc để Hậu Giang ngày càng phát triển thắng lợi và phồn vinh”.

 

TĂNG VĂN CƯƠNG -NGUYỄN THỊ HIỀN,  giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng  (Búa liềm vàng) lần thứ II-năm 2023. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biều toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021.

(3), (4). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang (2022). Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Hậu Giang.

(5). Tỉnh ủy Hậu Giang (2022): Báo cáo thống kê tình hình kết nạp đảng viên mới năm 2022. Hậu Giang.

(6) Đảng bộ tỉnh Hậu Giang (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hậu Giang.

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>