Hiệu quả từ mô hình “Dịch vụ nấu ăn” hỗ trợ việc làm cho phụ nữ

04/10/2023 | 08:27 GMT+7

Mô hình “Dịch vụ nấu ăn” của Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đã đem lại hiệu quả kinh tế, tạo nhiều việc làm ổn định cho chị em.

Chị em trong mô hình trang trí cho một tiệc cưới.

Ra mắt từ đầu năm, mô hình “Dịch vụ nấu ăn” tại ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, được vận hành bởi chị Nguyễn Thị Kim Tư đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ chưa có việc làm.

Do làm dịch vụ nấu ăn lâu năm nên chị có nhiều kinh nghiệm và sớm đào tạo, hướng dẫn chị em biết cách nấu nướng ngon, trang trí đẹp phục vụ đám tiệc. Để vận hành hiệu quả hơn, chị Tư chủ động tham gia các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi mô hình “Dịch vụ nấu ăn” có tiếng tăm chút, tận dụng các hình thức tuyên truyền qua zalo của Hội, hỗ trợ quảng bá từ các ban, ngành địa phương nên dịch vụ của chị Tư được nhiều người biết. Đến nay, có 12 chị em hội viên, phụ nữ tham gia mô hình.

Các dịch vụ chị Tư cùng chị em mang tới cho khách hàng gồm cho thuê bàn ghế, rạp, trang trí cổng, nấu ăn trọn gói… tùy theo nhu cầu, tính chất của lễ, đám tiệc.

Nguyên liệu chế biến món ăn của nhóm đều là thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ khách. Mỗi khi có đơn đặt hàng đám tiệc, chị em nhận được khoảng 300.000 đồng/ngày công dựa trên quy mô của sự kiện hôm đó.

Chị Nguyễn Thị Kim Tư chia sẻ: “Chỉ cần khách yêu cầu địa điểm, không chỉ riêng Hậu Giang mà tới Cần Thơ chúng tôi cũng sẽ đáp ứng. Vì đám tiệc không phải lúc nào cũng có, mà chị em tham gia bắt đầu nhiều nên mình tranh thủ nhận cuộc nào hay cuộc đó để các chị có nguồn tiền ổn định lo cho gia đình. Tuy vất vả, nhiều khi thời tiết thất thường cũng phải hoàn thành đúng thời gian. Có công ăn việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập cho chị em vào thời buổi khó khăn hiện nay, tôi mừng lắm”.

Mục tiêu của chị Tư là có thể mua xe ô tô để thêm dịch vụ cho thuê xe và đưa đón chị em đến chỗ bày trí ở đám, bởi hiện hội viên, phụ nữ vẫn phải đi xe máy chở từng món đồ đến nơi tổ chức sự kiện, mất thời gian và chi phí đi lại. Dự kiến sắp tới, chị Tư sẽ vay vốn để thực hiện mục tiêu này.

Bà Phan Thị Thu Phượng, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn, cho biết: “Chị Tư là người thích tìm hiểu, có sáng tạo trong công việc, luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Khi tham gia mô hình “Dịch vụ nấu ăn” đã chủ động dự lớp tập huấn để nâng cao tay nghề, tích cực chia sẻ kiến thức, hỗ trợ chị em hội viên, phụ nữ bằng cái tâm để có một công việc ổn định, thu nhập khá, hướng tới các mục tiêu giúp đỡ phụ nữ ngày càng phát triển”.

Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình “Dịch vụ nấu ăn”, xây dựng kế hoạch để tập huấn, nâng cao kỹ năng nấu ăn, bày trí sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền trên các nhóm zalo của các cấp hội; hỗ trợ vốn để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ mô hình, giới thiệu phụ nữ địa phương chưa có việc làm ổn định tham gia. Đồng thời, nhân rộng mô hình đến các ấp lân cận trên địa bàn thị trấn.

Từ hiệu quả mô hình “Dịch vụ nấu ăn” của Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn, có thể khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức hội và hội viên phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững…

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>