Vào vụ rau màu mùa hạn

16/03/2023 | 05:06 GMT+7

Thời điểm này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang xuống giống vụ rau màu mới, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau khi thu hoạch vụ rau màu tết.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân nên thường xuyên theo dõi và cung cấp đủ lượng nước tưới cho rau màu phát triển tốt trong mùa khô.

Những ngày gần đây, ông Võ Văn Năng, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đang chuẩn bị cho đợt thu hoạch vụ kế tiếp sau vụ tết. Được biết, vụ dưa hấu Xuân hè năm nay, ông xuống giống cả 2 loại dưa hấu không hạt và có hạt, hiện nay dưa hấu đang ở giai đoạn để trái, dự kiến thu hoạch sau 30 ngày. Tuy vụ tết vừa qua mới là vụ chính, có năng suất và chất lượng cao nhất trong năm, nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ từ khâu làm đất, chăm sóc, chủ động nguồn nước tưới thì năng suất dưa hấu vụ này cũng không thua kém gì các vụ khác.

Theo kinh nghiệm trồng dưa hấu nhiều năm, ông Năng cho biết vụ này khâu làm đất được chăm chút hơn, làm tơi xốp, phơi đất kỹ, rải vôi bột để hạn chế mầm bệnh. Bên cạnh đó, dưa được trồng với mật độ thưa hơn để đảm bảo phát triển tốt nhất. Ngoài ra, để chuẩn bị sẵn sàng và chủ động nguồn nước tưới trong thời gian khô hạn và xâm nhập mặn sắp tới, ông Năng đã thuê kobe đắp bờ chắc chắn xung quanh khu vực ruộng dưa để tránh rò rỉ nước ra ngoài, đào sâu ao, khai nước vào các rãnh để trữ nước ngọt. Ông Năng chia sẻ: “Nhờ chuẩn bị ngay từ đầu vụ mà không lo lắng nhiều về khâu nước tưới trong mùa khô. Vụ dưa hấu mùa Xuân hè năm trước của gia đình cũng đạt năng suất trên 3 tấn/công”.

Không chỉ đối với những hộ trồng dưa quanh năm, ông Cao Văn Thế, một lão nông ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho hay: “Ở đây, do điều kiện tự nhiên nên sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân thì bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất thường xuyên thiếu hụt. Vì thế, để bám đất, bám vườn buộc nhà nông phải lựa chọn cây, con giống phù hợp, có giá trị kinh tế cao để sản xuất, trong đó có dưa lê. Đây là loại dưa ít sử dụng nước tưới; còn kỹ thuật canh tác không quá cầu kỳ, chỉ cần lên liếp thấp, che màng phủ, đào đường mương nhỏ để giữ lượng nước vừa đủ là có thể giúp cây phát triển tốt, năng suất thấp nhất cũng đạt từ 1,5-2 tấn/công”.

Năm nay, theo dự báo diễn biến thời tiết còn khó lường, phức tạp, nhất là tình hình hạn hán và xâm nhập mặn có thể tác động đến hoạt động sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh. Do đó, không riêng gì những hộ trồng dưa hấu mà các loại rau màu khác cũng cần theo dõi thông tin về diễn biến thời tiết, độ mặn cũng như sự phát triển của rau, chủ động nguồn nước tưới và chăm sóc thường xuyên.

Như anh Đoàn Hữu Thành, ở ấp 5, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, chuyên trồng rau màu trên rẫy có diện tích khoảng 1.500m2, cung ứng cho các chợ nông sản trên địa bàn, chủ yếu các loại rau cải, xà lách, rau thơm, rau tập tàng… Anh Thành cho biết, hiện xà lách đang cho thu hoạch những lứa đầu tiên từ sau vụ tết, những liếp cải xanh bên cạnh cũng tới lứa thu hoạch, mỗi ngày anh bỏ mối cho tiểu thương từ 10-20kg rau các loại. Còn lại 2-3 luống bên cạnh cũng được đào xới cho tơi và phơi đất kỹ để chuẩn bị xuống giống. Vào mùa nắng nóng giá thu mua các loại rau màu nói chung cũng cao hơn nên dù năng suất không cao bằng vụ trước nhưng vẫn cho thu nhập khá. Anh Thành chia sẻ: “Hiện nay vào mùa khô, rau phải đảm bảo đủ nước thì mới phát triển tốt. Do đó, tôi đã đầu tư hệ thống ống dẫn tưới phun cho vườn rau của mình vừa để tiết kiệm nguồn nước, vừa đỡ vất vả khâu tưới nước mà hiệu quả lại cao hơn so với cách tưới bằng thùng hoặc máy bơm tưới”.

Theo ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian sau Tết Nguyên đán bà con nông dân trồng rau màu trên địa bàn đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ chuẩn bị xuống giống vụ rau màu Xuân hè tiếp theo. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích xuống giống trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.751ha rau màu các loại, tập trung ở thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy… Trước tình hình thời tiết nắng nóng dự báo còn kéo dài, có khả năng mặn xâm nhập trong thời gian tới nên bà con cần trữ nước ngọt trong mương để tưới cho rau màu; cần làm đất kỹ, bón đầy đủ các loại phân hữu cơ để cải tạo đất và sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế thoát nước, giữ ẩm tốt cho cây, đảm bảo cho rau màu phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Ngoài ra, một số sâu bệnh có khả năng gây hại trong lúc nắng nóng, khô hạn như bọ trĩ, bọ nhảy, ruồi đục trái… Vì vậy, bà con nông dân nên thường xuyên theo dõi để phát hiện và phòng trị kịp thời.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>