Các đối tượng yếu thế luôn được pháp luật bảo vệ bình đẳng

12/01/2018 | 09:07 GMT+7

Cùng với việc đảm bảo quyền con người dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em,... các đối tượng là người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV,... cũng được pháp luật Việt Nam bảo vệ bằng nhiều quy định mang tính nhân văn.

Người cao tuổi được đảm bảo đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe.

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số cả nước. Trong đó, có 48% là nữ giới va 28,3% là trẻ em. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn (87%), gặp nhiều khó khăn, cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh việc ghi nhận và bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác, Nhà nước Việt Nam đã có những ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật.

Xác định “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội trên nguyên tắc công bằng và đảm bảo tiến bộ”, Chính phủ đã có các chính sách, pháp luật cụ thể và thiết thực đối với người khuyết tật, trong đó khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật bình đẳng về các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng để giúp họ ổn định đời sống. Cùng với việc ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật thông qua việc xây dựng 13 văn bản dưới luật là các nghị định, thông tư quy định hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật.

    Cho đến nay, mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở; hàng năm có khoảng 800.000 người khuyết tật được trợ cấp và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Hiện cả nước có 1 bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương và 62 bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng tại các tỉnh, thành sẵn sàng hỗ trợ cho người khuyết tật,…

Cùng với việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, việc chăm sóc, bảo vệ và phát huy nguồn lực của người cao tuổi cũng là một trong những chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam.

Theo Luật Người cao tuổi năm 2010, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được gọi là người cao tuổi. Luật cũng dành một chương quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi với các quy định cụ thể về chăm sóc sức khỏe, về các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao; bảo trợ xa hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đồng thời quy định rõ các hành vi bị cấm thực hiện đối với người cao tuổi.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Người cao tuổi, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, với mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong xã hội, phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế của đất nước.

Trong đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 50% người cao tuổi có khả năng tham gia vào hoạt động kinh tế và 80% người cao tuổi không có người phụng dưỡng được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở bảo trợ xã hoi, trong đó ít nhất 20% người cao tuổi được chăm sóc thông qua các mô hình nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng.

Một đối tượng nữa cũng nằm trong nhóm các đối tượng yếu thế được pháp luật Việt Nam đảm bảo các quyền con người là người nhiễm HIV. Hiện nay, cả nước có trên 220.000 người nhiễm HIV, do đó Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người nhiễm HIV hòa nhập với đời sống xã hội và bằng những hành động cụ thể nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS,…

Theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), những người không may bị nhiễm HIV/AIDS, không bị hạn chế hoặc mất quyền công dân; có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định như được điều trị, chăm sóc sức khỏe, được giữ bí mật riêng tư,… Bên cạnh đó, họ cũng có một số nghĩa vụ như: thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang cho người khác, thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV và các nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Những quy định trên nhằm đảm bảo cho người nhiễm HIV sống cuộc sống bình thường, đồng thời bảo vệ cho cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm. 

Ngoài các nhóm đối tượng trên, người nghiện ma túy hiện cũng được Nhà nước đảm bảo đầy đủ các quyền trên cơ sở quy định pháp luật. Tính đến năm 2017, cả nước có hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Số người nghiện được cai nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau mỗi năm là khoảng 40.000-50.000 người. Cùng với việc Quốc hội ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người của những người bị lệ thuộc vào ma túy. Hiện nay, người cai nghiện được bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật, cụ thể như: Chỗ ở phù hợp, đủ tiện nghi sinh hoạt, học tập cần thiết; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập, được hưởng các sản phẩm hay thu nhập làm ra khi tham gia lao động sản xuất. Đối với người chưa thành niên, ngoài việc được bố trí khu ở riêng, còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về chăm sóc y tế, học tập văn hóa, hoc nghề và kinh phí cai nghiện. Mọi hành vi vi phạm thân thể, sức khỏe, nhân phẩm,… của người cai nghiện tại trung tâm đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay đều nhất quán khẳng định sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền con người; đảm bảo sự bình đẳng dành cho tất cả các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, đây được xem là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia phát triển theo xu hướng tiến bộ, đồng thời cũng là mục tiêu hướng đến của Việt Nam nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền, dân chủ, công bằng, văn minh. 

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>