Dự án giúp thoát nghèo

07/12/2022 | 08:55 GMT+7

Nhờ được mượn vốn từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được mượn vốn từ Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, cuộc sống gia đình chị Tròn được ổn định hơn.

Trao “cần câu”...

Trời tờ mờ sáng, anh Trần Thanh Thiện, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đi thăm lưới về đến nhà, còn vợ anh - chị Trần Thị Tròn chuẩn bị đi cắt cỏ cho bò. Chị Tròn bộc bạch: “Vợ chồng tôi nuôi 7 con bò, mỗi ngày tôi đều tranh thủ đi cắt cỏ từ sáng sớm”.

Trước đây, gia đình anh Thiện, chị Tròn là hộ cận nghèo ở địa phương. Cuộc sống vất vả bởi anh chị không có ruộng nương cũng như nghề nghiệp ổn định. Để lo kế mưu sinh, gia đình đã thuê bãi trồng lục bình, ngoài ra còn đi giặm và cắt lúa mướn. Thấy anh chị chí thú làm ăn, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình mượn 10 triệu đồng từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để thực hiện mô hình chăn nuôi. Với số tiền này, anh chị đã mua gà sao về nuôi. Theo chị Tròn, lúc đầu, gia đình mua 200 con gà sao về nuôi, sau hơn 2 tháng chăm sóc, gia đình xuất bán, thu lời khoảng 5 triệu đồng. Sau đợt nuôi đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình tiếp tục thả nuôi. Từ số vốn tích góp này, cộng thêm nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình đã thực hiện mô hình nuôi bò. Từ 2 con bò ban đầu, đến nay đã tăng lên 7 con. Cuộc sống ổn định, vì vậy gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của ấp vào cuối năm 2022. “Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của mọi người, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn, để đời sống ngày càng phát triển”, chị Tròn bộc bạch.

Còn gia đình bà Võ Thị Lợi, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cũng có cuộc sống ổn định hơn nhờ được mượn vốn từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Năm 2019, với số vốn 15 triệu đồng được mượn và 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã mua 2 con bò về nuôi. Nhờ bò bán được giá, cuộc sống gia đình ổn định nên thoát nghèo. Bà Lợi cho biết: “Hiện nay, gia đình đang nuôi 4 con bò, chúng tôi sẽ chăm sóc cẩn thận để kinh tế gia đình phát triển hơn từ mô hình này”. 

Thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, từ năm 2012 đến nay đã hỗ trợ trên 2.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện các mô hình nuôi thủy sản, trồng rau màu, chăn nuôi, buôn bán nhỏ…

Chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn

Năm 2022, nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn vốn, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân bổ nguồn vốn về các địa phương để thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Mỗi hộ tham gia dự án sẽ được mượn vốn không tính lãi trong 3 năm. Khi hết thời hạn 3 năm, phải hoàn trả vốn để tiếp tục cho các hộ khác mượn. Mô hình khơi gợi tinh thần vươn lên, quyết tâm của từng người dân, tránh tâm lý ỷ lại.

Đầu năm 2022, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy phấn đấu giảm 18 hộ nghèo. Theo ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, hầu hết hộ nghèo thường thiếu vốn đầu tư, do đó khi được hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện dự án giảm nghèo người dân rất phấn khởi. Trên địa bàn thị trấn 16 hộ nghèo và hộ cận nghèo được mượn vốn, bà con đã thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Để giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả, địa phương đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt để mọi người thu được hiệu quả cao, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, các địa phương đã lựa chọn hộ cho mượn vốn một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong người dân. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, năm 2022, thành phố có 3 xã, phường được hỗ trợ vốn thực hiện dự án, với số tiền 897 triệu đồng. Hiện nay, các địa phương đang thẩm định mô hình người dân đăng ký. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, ngành chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu người được mượn vốn phải chọn mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo.

Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo động lực giúp hộ nghèo tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương được phân bổ kinh phí thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: thành phố Vị Thanh 897 triệu đồng, thành phố Ngã Bảy 391 triệu đồng, huyện Châu Thành A 840 triệu đồng, huyện Châu Thành 564 triệu đồng, huyện Phụng Hiệp trên 2,5 tỉ đồng, huyện Vị Thủy trên 1,2 tỉ đồng, huyện Long Mỹ trên 1 tỉ đồng và thị xã Long Mỹ 920 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>