Thỏa niềm đam mê

11/01/2018 | 08:07 GMT+7

Chi phí đầu tư thấp, ít va chạm, ít chấn thương trong thi đấu, vận động toàn thân, giao lưu vui vẻ, kết nối bạn bè... là những ưu điểm của môn bóng chuyền nam ở cấp độ phong trào dành cho những người đam mê thể thao rèn luyện thể chất.

Các vận động viên nghiệp dư đang khởi động trước khi chia đội thi đấu tại sân Năm Nhỏ, phường V, thành phố Vị Thanh.

Hiện nay, phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, trong đó có bóng chuyền nam. Các phường trong thành phố Vị Thanh đều có sân bóng chuyền, như: phường I có sân ở Trường THPT chuyên Vị Thanh, Trường Tiểu học Kim Đồng; phường III có sân ở Trường Lê Quí Đôn; phường VI có sân ở Trường THCS Châu Văn Liêm, Trường THCS Hoàng Diệu; phường V có sân Năm Nhỏ, sân Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh...

Ông Thành Phú, ở phường III, thành phố Vị Thanh, là giáo viên, cho biết: “Lúc trước, tôi thích đạp xe mỗi sáng, nhưng gần 10 năm nay tôi đã chuyển sang chơi môn bóng chuyền, vì nó giúp tôi thường xuyên gặp gỡ và giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là giảm stress sau một ngày đứng lớp dạy các em học sinh. Có hôm vì vui quá, vận động nhiều, tối về ngủ rất ngon. Tham gia môn bóng chuyền chi phí đầu tư trang phục ít và phù hợp với sở thích nên tôi sẽ tiếp tục tham gia trong thời gian tới.

Còn với anh Văn Khởi, ở phường I, thành phố Vị Thanh, kinh doanh gas, nhà trọ, công việc bận rộn từ sáng sớm đến tối, nhưng anh cũng tranh thủ thời gian buổi chiều từ 17 giờ đến 18 giờ 30 để tham gia môn bóng chuyền. Với anh Khởi, môn bóng chuyền là niềm đam mê từ thuở còn là sinh viên, nó đã gắn bó với anh hơn 10 năm công tác và bây giờ vẫn còn giúp anh giữ sức khỏe và giảm stress trong công việc kinh doanh. Để tham gia được môn này thì chi phí không quá 500.000 đồng là có thể chơi cả năm. Chi phí này còn thua xa các môn khác như cầu lông, tennis, bóng đá... Ở cấp độ phong trào, với mục đích yêu thích và giữ gìn sức khỏe thì cần ở người chơi là lòng đam mê và nhiệt tình. Đôi khi những người tham gia còn chưa biết hết các vị trí trên sân, chưa biết chạy cầu theo kiểu chuyên nghiệp, ai tấn công tốt thì lên vị trí tấn công, ai thủ giỏi thì về vị trí thủ, ai chuyền tốt thì ở vị trí cầu chuyền… Chơi bóng chuyền phong trào là vậy, nhưng vui. Vào sân bóng, mấy anh lớn tuổi đứng ra chia đội, chọn cầu thủ cho tương đối đồng đều, ai có sở trường nào thì đứng vào vị trí đó, thế là “tranh tài”. Khi đến các ngày lễ, tết trong năm, nếu địa phương có tổ chức các giải phong trào thì cũng có người tham gia, góp phần phát triển môn bóng chuyền cơ sở.

 Cũng như anh Khởi, em Thành Phát, ở phường V, thành phố Vị Thanh, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, mỗi chiều sau giờ học em đến sân Năm Nhỏ chơi bóng chuyền. Theo em Phát thì sinh viên như em chơi bóng chuyền vừa thỏa niềm đam mê, vừa phù hợp với “túi tiền”, vì không phải đầu tư nhiều cho trang phục thi đấu. 

Chú Năm Nhỏ, ở phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Mặc dù nhà trong hẻm, nhưng nhờ đất gia đình rộng, tôi xây 2 sân bóng chuyền trên diện tích hơn 200m2 cho anh em đam mê chơi miễn phí tiền sân. Mỗi chiều khoảng 16 giờ 30 phút là bắt đầu có người đến chơi đến 18 giờ 30 phút, vào những ngày lễ, chủ nhật có thể cả chơi ngày. Sân bóng chuyền của tôi thu hút nhiều lứa tuổi đến chơi, rèn luyện sức khỏe. Họ thường theo nhóm, đánh giao lưu, đội nào thua thì “bao” đội kia “chầu” cà phê hoặc vài chai nước ngọt. Thắng hay thua không quan trọng, chủ yếu là mọi người đều vui vẻ. 

Còn tại sân Trường THCS Lê Quí Đôn, phường III, thành phố Vị Thanh, vào thứ bảy, chủ nhật là có khoảng 20 người, đủ mọi lứa tuổi tham gia. Do chỉ có một sân nên phải chia 3 đội đánh xoay vòng, đội nào thua ra nghỉ, trả tiền nước, ngồi đợi tới lượt. Tại điểm sân này, các thành viên tham gia tự nguyện đóng góp tiền để mua bóng, mua lưới, trung bình một năm đóng góp khoảng 2 lần, mỗi lần khoảng 50.000 đồng/người.

Với những ưu điểm về rèn luyện thể chất, với số lượng người tham gia ngày càng đông đảo và thường xuyên, điều đó cho thấy môn bóng chuyền nam cấp phong trào là một bộ môn phù hợp cho nhiều lứa tuổi với rất nhiều người.

Bài, ảnh: NGỌC DƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>