Thứ Năm, ngày 18/01/2024 | 11:50
Chúng tôi quen biết nhau sau một chuyến công tác dài ngày. Rủ rê mãi, chị mới sắp xếp được thời gian để về với Hậu Giang quê tôi. Chị nói muốn trải nghiệm những quán ăn lâu đời của tỉnh, nên tôi đã mời chị du lịch Hậu Giang thông qua hành trình ẩm thực.
Vấn vương cháo lòng Cái Tắc
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, chúng tôi đi dọc theo Quốc lộ 1A để đến với chợ Cái Tắc, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, nơi nổi danh với món cháo lòng. Cháo lòng được bán tại đây từ những buổi đầu lập chợ. Đến khoảng năm 1985, món ăn này dần tạo sự chú ý khi có rất nhiều người cùng bán. Hễ đến chợ Cái Tắc là sẽ bắt gặp những gian hàng cháo lòng. Ai cũng ăn cháo như một thói quen, riết rồi thành thương hiệu cháo lòng Cái Tắc lúc nào không hay.
Bà Phan Thị Ngọc Thúy bên nồi cháo lòng Cái Tắc mà bà tự tay nấu mỗi ngày.
Ghé vào quán của bà Phan Thị Ngọc Thúy, một trong những quán cháo lòng ra đời từ rất sớm và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo bà Thúy, mẹ chồng bà khởi sự bán cháo lòng tại chợ Cái Tắc từ năm 1985. Đến nay, qua 37 năm tồn tại, quán ăn này vẫn níu chân thực khách gần xa bởi hương vị thơm ngon, đặc trưng. Không giống với cháo lòng ở những địa phương khác, cháo lòng Cái Tắc khá loãng, ăn kèm với giá và các loại rau khác như bắp chuối, bắp cải bào sợi, rau má, rau đắng.
Trung bình mỗi ngày, quán cháo lòng Cái Tắc của bà Thúy bán được hơn 500 tô cháo cùng các món ăn khác như hủ tiếu, mì, hoành thánh. “Để đảm bảo chất lượng cháo, ngày nào tôi cũng phải dậy từ 2 giờ rưỡi sáng. Đích thân tôi sẽ là người chọn nguyên liệu, nêm nếm cho món ăn. Lòng được tôi lấy trực tiếp từ lò mổ ở địa phương nên luôn đảm bảo tươi ngon. Các nguyên liệu khác cũng có mối hết. Chuẩn bị sẵn sàng đến chừng 6 giờ sáng là có khách và bán liên tục cho đến tận chiều tối”, bà Thúy cho biết.
Chỉ với 25.000 đồng, thực khách sẽ được thưởng thức một tô cháo lòng với đầy ắp thịt nạc, tim, gan, phèo, cật, huyết và dồi. Chấm một miếng lòng vào chén nước mắm ớt đậm đà, húp một muỗng cháo thơm ngon, nóng hổi, người chị phương xa gật gù như thấu hiểu lý do vì sao món ăn này trở thành một trong những đặc sản trứ danh của miền Hậu Giang.
Bất ngờ tô bún riêu đầy đặn chỉ 12.000 đồng, tồn tại 30 năm
Thưởng thức xong cháo lòng Cái Tắc, chúng tôi đi dọc theo Quốc lộ 61B để đến với trung tâm thị xã Long Mỹ. Theo lời giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến quán bún riêu của bà Suối, nay có tên là bún riêu Hạnh, ở khu vực 4, phường Thuận An. Không gian quán khá đơn sơ với khoảng chục chiếc bàn gỗ. Nhưng lượt khách ra vào tấp nập mỗi sáng đã đủ minh chứng cho uy tín và chất lượng của quán ăn này.
Bà Thái Ngọc Hạnh, chủ quán bún riêu Hạnh, rang tép chuẩn bị bán bún riêu.
Quán bún riêu Hạnh do bà Nguyễn Thị Hồng mở bán từ cách đây hơn 30 năm. Bà Hồng vốn là dân miền ngoài, theo người chồng tên Suối về làm dâu xứ này, nên bà con quen gọi là bà Suối. Mở bán ở gần trường tiểu học, nên bún riêu bà Suối dần trở thành điểm ăn sáng quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh và người dân trong vùng. Thời đó, mỗi tô bún chỉ có giá 5.000 đồng, rồi lên 7.000 đồng, 10.000 đồng và sau cùng là 12.000 đồng như ngày hôm nay.
Bà Thái Ngọc Hạnh đã gắn bó với nghề bán bún riêu này hơn nửa cuộc đời. Mười mấy tuổi, bà Hạnh đã giúp mẹ chạy bàn, bưng bún cho khách. Đến khi người mẹ sức yếu, bà cùng 2 em gái nối nghiệp mẹ, để gian bếp của quán tiếp tục đỏ lửa cho đến ngày hôm nay.
Khác với bún riêu ở nhiều nơi khác, bún riêu ở đây được lòng thực khách bởi có nước dùng đậm đà, ngọt thanh từ tôm khô, cua đồng, xương heo và củ sắn. Dù có giá chỉ 12.000 đồng, nhưng mỗi tô bún đều khá chất lượng với riêu cua, huyết, chả lụa, ăn kèm với rau gỏi. Điểm đặc biệt của bún riêu là phần tép đồng được rang mặn ngọt, làm cho tô bún thêm lạ miệng, hấp dẫn.
Thoáng chốc mấy chục năm trôi qua, màu thời gian đã phủ lên mái tóc của những cô bé bưng bún riêu phụ mẹ năm nào. Khách ăn ở quán, có người từ học sinh tiểu học lớn lên, có người cũng đã già đi, nhưng với họ, việc đến bún riêu bà Suối để ăn sáng mỗi ngày đã trở thành một thói quen khó bỏ.
Đến Vị Thanh đừng quên ăn bánh xèo
Rời quán bún riêu Hạnh, chúng tôi về với thành phố Vị Thanh, nơi có nhiều quán ăn lâu đời, gắn với nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân địa phương. Sau một hồi suy nghĩ, tôi đưa chị đến quán bánh xèo Cô Hai, ở đường Nguyễn Công Trứ, phường I. Bước vào quán, chúng tôi bắt gặp cô Hai đang ngồi đổ bánh xèo cho khách. Từng thao tác thành thục đã cho thấy kinh nghiệm dày dặn của người phụ nữ 73 này.
Cô Hai bên chiếc bánh xèo nóng hổi tự tay mình đổ cho thực khách.
Cô Hai tên thật là Trương Thu Hà, nhưng vì là con thứ hai trong nhà, nên khách đến quán ăn hay gọi là cô Hai hoặc dì Hai. Là người khéo tay, nên từ xưa, cô Hai đã làm đủ thứ bánh đem ra chợ bán để nuôi con. Khoảng năm 1997 đến năm 1998, cô Hai mở bán bánh xèo tại nhà ở số 57, đường Nguyễn Công Trứ. Con đường trước nhà ngày ấy chưa được khang trang như bây giờ, quán bánh xèo của cô Hai cũng chỉ là một gian hàng nhỏ với vài chiếc bàn. Người ta hay gọi đây là quán bánh xèo 57, hay quán bánh xèo của cô Hai.
Bánh xèo cô Hai thời đó được làm theo kiểu truyền thống, với vỏ bánh vàng, giòn và nhân tôm, thịt, giá, củ sắn, ăn kèm nước mắm chua ngọt với đu đủ ngâm, cuốn cùng các loại rau cải, rau thơm, xà lách. Nhờ bánh ngon, khách đến quán ăn ngày càng đông.
Bán được chừng 10 năm, cô Hai đành phải đóng cửa quán vì không còn người phụ giúp. Mãi đến năm 2013, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, con gái thứ 5 cô Hai mới về sống cùng mẹ và gây dựng lại quán bánh xèo của gia đình. Cái tên cô Hai được chị Hằng chọn làm tên quán để gợi lại hương vị bánh xèo ngày trước. Bên cạnh bánh xèo truyền thống, chị cũng làm thêm món bánh xèo nhân củ hủ dừa vịt xiêm, ăn kèm các loại rau rừng như bí bái, cát lồi, lá xoài, lá cóc non, lá lụa,… Ngoài ra, quán còn có bán bánh khọt, bánh tôm để tạo nhiều lựa chọn cho khách.
Tại quán bánh xèo Cô Hai, khi khách đến gọi món thì quán mới bắt đầu đổ bánh. Vì vậy, bánh đến tay khách luôn có độ nóng giòn, thơm ngon, cuốn kèm rau rừng và chấm nước mắm chua ngọt, tạo ra một sự hòa quyện tuyệt vời nơi vị giác.
Ăn xong bánh xèo, người chị miền Bắc hoàn toàn xiêu lòng với ẩm thực miền Tây nói chung và Hậu Giang nói riêng. Tôi chia sẻ còn nhiều món ngon ở những huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh, đảm bảo làm vừa lòng du khách xa gần.
Chị hào hứng chia sẻ sau hành trình “foodtour”: “Mỗi nơi ở đây đều có những món ngon níu chân thực khách, mỗi món ăn, mỗi quán quen thuộc đã chứng tỏ sự đa dạng, bề dày ẩm thực và nếp sống phong phú lâu đời của người dân nơi đây. Những lần sau đến Hậu Giang, chị em mình sẽ khám phá thêm nhiều ẩm thực các nơi khác của tỉnh”.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ
09:25 08/07/2024
Trong khuôn khổ Giải marathon quốc tế “Vietcombank Mekong delta” lần V, Hậu Giang tổ chức 2 hội thi ẩm thực, với mong muốn giới thiệu sản vật quê hương, kết nối phát triển du lịch; tạo cơ hội cho nghệ nhân, đầu bếp được giao lưu, học hỏi.
09:01 05/07/2024
Buổi đầu lập nghiệp, người Hỏa Lựu - Vị Thanh mang theo “văn hóa ăn”, đặc trưng truyền thống của mỗi dân tộc. Từng lúc, qua giao thoa văn hóa, đã hình thành nên tập quán, sở thích mang nét chung về lương thực, thực phẩm như: ăn cơm gạo với thịt, cá, tôm, rau, củ, quả; dùng rượu, uống trà... Tuy vậy, trong chế biến các món ăn, cũng như về sở thích, cách ăn uống thì vẫn có nét khác nhau.
16:29 28/06/2024
(HGO) – Trong khuôn khổ Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy, sáng ngày 28-6, tại đường Vũ Đình Liệu, khu vực 4, phường Ngã Bảy, đã diễn ra Hội thi Món ngon Ngã Bảy năm 2024.
07:48 31/05/2024
Khi khám phá vùng đất nào, ngoài thưởng ngoạn cảnh sắc, ẩm thực là điều du khách quan tâm nhất. Hậu Giang đang tận dụng lợi thế “món ngon” để tạo nét riêng, xem như một “Đại sứ du lịch”, để những ai một lần đến đây khó thể nào quên...
05:07 08/03/2024
(HG) - Kết thúc Cuộc thi nấu ăn trực tuyến “Muôn kiểu nấu tết - Muôn điều tích cực”, do Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức, Ban tổ chức cuộc thi đã thống nhất trao giải thưởng cho 18 tập thể và cá nhân ở các phần thi.
08:12 29/12/2023
Sáng nay (29-12), Tuần lễ Du lịch với Văn hóa và Ẩm thực sẽ được khai mạc, bắt đầu hàng loạt hoạt động, là hoạt động nổi bật mừng 20 năm thành lập tỉnh.
13:18 15/12/2023
Ban tổ chức Olympic Paris 2024 cho biết, thực phẩm được cung cấp sẽ có 60% là đồ chay trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.
07:03 15/12/2023
Gần 2 giờ đồng hồ nỗ lực với tất cả sự tỉ mỉ, khéo léo để hoàn thành 200 món bánh từ gạo, nếp một cách hoàn hảo nhất, các nghệ nhân đã góp sức xác lập Kỷ lục Việt Nam “Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam” tại Hậu Giang.
17:13 13/12/2023
(HGO) - Chiều ngày 13-12, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Đầu bếp tỉnh Hậu Giang, Liên Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL tổ chức Lễ hội công diễn và xác lập kỷ lục Việt Nam "Sự kiện chế biến và công diễn các món bánh từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam".
17:21 26/12/2024
(HGO) - Chiều ngày 26-12, ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban chỉ đạo tỉnh).
17:11 26/12/2024
(HGO) - Ngày 26-12, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Ban vận động hiến máu tình nguyện huyện Phụng Hiệp tổ chức Lễ phát động Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp tết, với chủ đề “Hành trình những giọt máu nghĩa tình”.
15:38 26/12/2024
(HGO) - Thường trực Huyện uỷ Vị Thuỷ vừa tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Huyện uỷ về công tác cán bộ.
09:41 26/12/2024
Hội LHPN huyện Châu Thành đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.