“Tam nông” - Dấu ấn một chặng đường phát triển

Thứ Hai, ngày 22/05/2023 | 09:47

Bài 4: Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức

Với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, lĩnh vực “tam nông” của vùng ĐBSCL vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, trở ngại. Do đó, để bứt phá và vực dậy mạnh mẽ vùng đất “chín rồng” thì nhiều giải pháp từ bộ, ngành Trung ương và địa phương đã, đang được hoạch định nhằm mang đến nhiều đổi thay mới cho người dân nơi đây.

Thực hiện thu gom rơm rạ sau thu hoạch lúa và hạn chế đốt đồng nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT đang được nông dân Hậu Giang tích cực triển khai. 

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định: Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Tuy nhiên, chắc hẳn trong chúng ta, nhất là những đơn vị liên quan đến vấn đề tam nông đều cảm thấy nặng lòng khi ĐBSCL còn được định vị là vùng trũng về kinh tế, hạ tầng, nguồn nhân lực so với các vùng miền khác trong cả nước; đồng thời cũng đầy trắc ẩn trước tình trạng hơn một triệu người dân đồng bằng rời bỏ làng quê đi tìm mưu sinh ở các khu công nghiệp, đô thị lớn. Do đó, chúng ta cần thẳng thắn đánh giá những khó khăn và đề ra những giải pháp tháo gỡ là việc mà người dân đồng bằng đang kỳ vọng.

Nhận diện khó khăn

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang còn gặp hạn chế 8 vấn đề trọng tâm. Cụ thể là quy hoạch vùng trồng hiện nay vẫn chưa đồng bộ hóa dẫn đến việc một cánh đồng lớn nhưng có nhiều loại giống khác nhau, sâu bệnh dịch hại khác nhau, quá trình cơ giới hóa cũng khác nhau, thu hoạch không thể đồng bộ dẫn đến chi phí canh tác và thu hoạch cao. Mặc dù, thời gian đầu phong trào liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn phát triển mạnh mẽ nhưng tiến trình xây dựng sau này đã bị chậm lại.

Ngoài ra, mức thu nhập của người nông dân không ổn định và còn thấp. Chẳng hạn đối với người trồng lúa, do quy mô hộ còn nhỏ, giá lúa bấp bênh, tổ chức sản xuất chưa thực sự hiệu quả trong khi giá đầu vào có xu hướng tăng cao hơn giá lúa. Theo tính toán sơ bộ của ngành chức năng thì thu nhập từ sản xuất lúa trung bình một hộ dân hiện chỉ ở mức khoảng 13 triệu đồng, chỉ tăng 3,8 triệu đồng/hộ so với năm 2010. Đây chính là nguyên nhân nhiều lao động ở nông thôn rời quê đi làm ở công ty tại các thành phố lớn như hiện nay.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, chia sẻ: Ngoài 2 yếu tố trên thì trong canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL hiện tỷ lệ sản xuất bền vững còn chưa cao. Nguyên nhân là do nông dân còn hạn chế việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là những mô hình tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cũng từ lý do trên nên kéo theo giá trị xuất khẩu mặt hàng nông sản của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung chưa cao và chưa có nhiều thương hiệu ra thị trường nước ngoài. Mặt khác, việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc lớn vào hệ thống thương lái dẫn đến tình trạng “ép giá” và đây là hệ quả của việc tổ chức đầu ra cho nông dân trong chuỗi ngành hàng chưa hiệu quả. Song song đó là tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, dịch vụ hỗ trợ thương mại, chi phí logistics cao, đồng thời sản xuất nông nghiệp còn gây tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu…

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp thì lĩnh vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở ĐBSCL cũng còn những mặt hạn chế nhất định. Cụ thể, năng lực của các HTXNN trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ cán bộ, thiếu cán bộ kỹ thuật; số mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến và áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng trong sản xuất mới đạt khoảng 13% HTX cả vùng. Ngoài ra, hoạt động của HTXNN nhìn chung chưa đáp ứng tốt nhu cầu thành viên, từ đó dẫn đến quy mô thành viên HTX thấp khi bình quân mỗi HTXNN ở ĐBSCL chỉ có 67 thành viên/HTX, trong khi bình quân cả nước là 174 thành viên; đồng thời HTX khó tiếp cận với các chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp như: tín dụng, khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… Từ những rào cản trên đã kéo theo những trở ngại cho các địa phương trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới, nhất là ảnh hưởng tới những tiêu chí liên quan đến tổ chức sản xuất, thu nhập, giảm nghèo, môi trường…

Đột phá nhiều giải pháp mới

Trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho lĩnh vực “tam nông” của vùng ĐBSCL như trên, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá mới nhằm vực dậy vùng đất “chín rồng”. Theo đó, một trong những giải pháp đang đặt ra nhiều kỳ vọng lớn làm thay đổi tình hình sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL trong thời gian tới là việc Bộ NN&PTNT đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng vùng ĐBSCL” sau khi đã tham vấn ý kiến và nhận được sự đồng tình cao của UBND và ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay: Mục tiêu chung của đề án là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt, khi thực hiện đạt các mục tiêu trọng tâm do đề án đề ra sẽ góp phần quan trọng trong việc tháo các nút thắt đang tồn tại cho lĩnh vực “tam nông” của vùng ĐBSCL. 

Theo đề án thì đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000ha với sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn lúa; đến năm 2030, đạt diện tích 1 triệu héc-ta, với sản lượng 13 triệu tấn lúa. Cũng đến năm 2030, lượng lúa giống gieo sạ ở mức 70kg/ha, lượng phân bón hóa học giảm 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 35%, nước tưới giảm 25%; tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%; tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 85%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 7%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 90%; giảm lượng phát thải khí nhà kính trên 10%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm trên 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh; lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa ổn định và đạt trên 40% tổng doanh thu.

Từ những mục tiêu trọng tâm mang tính thiết thực mà đề án đề ra như trên, hiện các tỉnh, doanh nghiệp, HTX vùng ĐBSCL đều đồng tình và đánh giá cao tính khả thi mà đề án sẽ mang lại cho nông dân trong thời gian tới nên đăng ký tham gia thực hiện đề án, trong đó tỉnh Hậu Giang đăng ký thực hiện đề án đến năm 2025 đạt 21.000ha và đến năm 2030 đạt 35.000ha.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin: Để triển khai thực hiện có hiệu quả lợi ích thiết thực từ đề án mang lại, ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát lại diện tích gieo trồng lúa đáp ứng đủ 5 tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao để đăng ký tham gia vào đề án. Ngoài ra, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng triển khai các cuộc họp, hội thảo tham vấn lấy ý kiến các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan trong tỉnh để đóng góp, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện sao cho phù hợp và đạt hiệu quả nhất khi thực hiện tại Hậu Giang.

Giống như tỉnh Hậu Giang, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tỉnh đã có văn bản đăng ký thực hiện đề án với diện tích đến năm 2025 là 100.000ha và năm 2030 là 200.000ha. Trước mắt, trong năm 2024 sẽ làm ngay từ 60.000-82.000ha, đây là những diện tích đang sản xuất lúa chất lượng cao trong vụ Đông xuân 2022-2023 khá hiệu quả, bởi có sự liên kết bao tiêu của 21 doanh nghiệp xuất khẩu gạo.     

Về nhiệm vụ cụ thể, 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre) sẽ tổ chức xây dựng và ưu tiên thực hiện chính sách thúc đẩy đảm bảo phúc lợi cho người trồng lúa, HTX trong vùng chuyên canh như chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách bảo lãnh khoản vay, chính sách đào tạo nâng cao năng lực nhất là cho lao động nữ. Bên cạnh đó là hỗ trợ thành lập, xây dựng các HTX, tổ hợp tác trong vùng chuyên canh; thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, phát triển HTX thành hạt nhân kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ; kết nối các thành phần đặc biệt với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương tham gia đề án ở ĐBSCL có giải pháp hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các HTXNN xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ mới, quy trình bền vững, giải pháp canh tác giảm thải khí nhà kính...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhấn mạnh: Những mối quan tâm của Bộ về thực hiện liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo đã có những hướng đi cụ thể. Về vấn đề cơ chế, chính sách cho những hoạt động nhằm đạt mục tiêu đề án đề ra thì đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL cần nghiên cứu áp dụng những cơ chế nào cho phù hợp. Tuy nhiên, ngoài những chính sách của Nhà nước thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm gắn bó với vùng nguyên liệu của mình. Mặt khác, khi và chỉ khi có HTX bền vững mới có mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp trên tinh thần hài hòa lợi ích, cùng kiến tạo chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu. Khi nào HTX phát triển bền vững, khi ấy niềm tin giữa doanh nghiệp và HTX, 2 thành phần chính trong chuỗi ngành hàng, mới được xác lập, tình trạng phá vỡ hợp đồng tiêu thụ do cả hai bên sẽ hạn chế dần, không gây rủi ro cho cả hai đối tác.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, ngoài trên lĩnh vực lúa gạo thì các địa phương có thể nghiên cứu áp dụng đối với cây ăn trái, rau màu, thủy sản và chăn nuôi. Với mục tiêu cốt lõi như chương trình xây dựng nông thôn mới muốn hướng đến là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời xây dựng quê hương vùng ĐBSCL ngày càng phát triển trên các mặt.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới

Xem thêm

Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 25-2-2025: Nhiều quốc gia siết quy định với hàng nhập khẩu

15:21 25/02/2025

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Tăng cung vốn, hạ lãi suất cho vay; Tôm thương phẩm giá tăng gấp đôi, nông dân trúng đậm; Giá đậu tương tiếp tục giảm do triển vọng vụ mùa cải thiện tại Nam Mỹ.

Giá lươn giống ở mức cao

08:39 25/02/2025

(HG) - Nhiều hộ chuyên sản xuất và cung ứng lươn giống trên địa bàn tỉnh cho biết, thông thường từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lươn giống mẹ ít sinh sản nên nguồn cung lươn con giống cho thị trường bị thiếu hụt đáng kể, từ đó mà giá bán lươn giống luôn ở mức cao.

Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

08:37 25/02/2025

Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt hàng ngày cho người dân, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đưa nước sạch về vùng nông thôn.

Bài 2: Những kỳ vọng và cơ hội hợp tác

08:36 25/02/2025

Tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Tích cực ứng phó xâm nhập mặn

07:47 25/02/2025

Hậu Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm mùa khô nên tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Trước tình hình này, các địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó.

Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 24-2-2025: Nhập khẩu 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD

16:15 24/02/2025

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Giá sầu riêng chỉ còn vài chục nghìn đồng/kg; Đề xuất lùi thời gian thu thuế bán hàng online thêm 3 tháng; Giá vàng trong nước chiều nay biến động nhẹ.

Dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay có giá từ 14.000-16.000 đồng/công

08:27 24/02/2025

(HG) - Theo chia sẻ của nhiều nông dân đang canh tác lúa Đông xuân 2024-2025 trên địa bàn tỉnh, hiện giá thuê thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng ở mức từ 14.000-16.000 đồng/công (một công 1.000m2)

Thu 286 tỉ đồng các khoản tiền nợ thuế

08:26 24/02/2025

(HG) - Theo Cục Thuế Hậu Giang, trong năm 2024, Cục Thuế đã xử lý các khoản nợ thuế tiền sử dụng đất và tiền thuê đất qua kiến nghị của người nộp thuế, với 3 hồ sơ là doanh nghiệp tổng số tiền nợ điều chỉnh giảm là 87,1 tỉ đồng.

Bài 1: Thu hút doanh nghiệp bằng lợi thế

08:00 24/02/2025

Dư địa lớn, thông điệp rõ ràng cùng chính sách thu hút đầu tư bài bản đã từng bước giúp Hậu Giang khẳng định vị thế trong dòng chảy kinh tế.

Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 23-2-2025: Mục tiêu tăng trưởng bán lẻ và tiêu dùng 12%

09:13 23/02/2025

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Mạnh tay chống thất thu thuế thương mại điện tử; Giá cà phê trong nước tăng mạnh; Những khoản phụ cấp, trợ cấp được miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2025.

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tuyên dương, khen, thưởng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh

18:04 25/02/2025

(HGO) - Ngày 25-2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã tổ chức Họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025) và Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ I năm 2025.

Lãnh đạo tỉnh thăm, làm việc với các đơn vị tại thành phố Cần Thơ

17:57 25/02/2025

(HGO) - Chiều ngày 25-2, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đến thăm Trường Đại học Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (VCCI ĐBSCL).

Cần tạo chuyển biến tích cực, có sức lan toả hơn nữa trong phòng, chống lãng phí

14:31 25/02/2025

(HGO) – Sáng ngày 25-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh,

Công an tỉnh tiếp nhận 4 nhiệm vụ quản lý nhà nước

11:51 25/02/2025

(HGO) – Ngày 25-2, Công an tỉnh thông tin, thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Công an tỉnh sẽ tiếp nhận 4 nhiệm vụ quản lý nhà nước từ các sở thuộc tỉnh và thành phố Cần Thơ.