Giải pháp cứu “lá phổi xanh” của Trái đất ?

11/08/2023 | 09:55 GMT+7

Do nhiều nguyên nhân rừng Amazon bị thu hẹp dần đã tác động kép đến Trái đất và khiến biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn.

Cháy rừng Amazon làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: INTERNET

Rừng Amazon hay rừng nhiệt đới Amazon, là một khu rừng lá rộng đất ẩm ở lưu vực Amazon của Nam Mỹ. Khu vực này bao gồm một diện tích 7 triệu km2 thuộc 8 quốc gia Bolivia, Brazil, Columbia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela. Đây được xem là “lá phổi xanh” của Trái đất. Ngoài hệ sinh thái đa dạng, Amazon còn đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn chặt cây, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, khai thác khoáng sản tràn lan… Nhiều diện tích bị xóa sổ, đẩy một số loài động vật, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh học.

Theo số liệu mới công bố, trong tháng 7 vừa qua, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, ở mức khoảng 500km2 rừng bị tàn phá. Tuy nhiên, đây vẫn là con số lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu rừng nhiệt đới.

Các nhà khoa học cảnh báo, để bảo tồn rừng Amazon, không thể để diện tích bị tàn phá vượt mức giới hạn 20%; nếu điểm giới hạn nêu trên bị phá vỡ, tài sản quý giá này sẽ không thể phục hồi và có thể biến đổi thành đồng cỏ trong vài thập niên. Đáng lo ngại, tỷ lệ phá rừng Amazon hiện đã lên tới 17%.

Ông Marcio Astrini, Giám đốc Hiệp hội Đài quan sát khí hậu cho rằng: “Trước đây, trung bình các vụ phá rừng ở Amazon ở phạm vi khoảng 6.500km2, trong khi dự kiến con số này vào cuối năm nay là trên 10.000km2 tức là chúng ta vẫn đang trong tình trạng mất mát rất lớn, có rất nhiều thứ cần phải phục hồi”.

Không chỉ là phá rừng, nạn đổ rác thải bừa bãi cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống sông tại khu rừng nhiệt đới Amazon, ảnh hưởng tới hệ thực vật, động vật và sinh kế của người dân ven sông.

Ông Jao Valdez, người dân Brazil: “Ngày xưa nước trong vắt chứ không như bây giờ. Khoảng 10, 11 năm trở lại đây nước bắt đầu thay đổi, ngày nay tôm cá không nhiều, nhiều thứ chúng ta từng được hưởng từ dòng sông thì nay không còn nữa”.

Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác công nghiệp khác, đặc biệt là khai thác vàng, cũng đe dọa đến đời sống các loài động vật tại rừng Amazon, tác động đến đa dạng sinh học. Theo các nhà khoa học, thủy ngân từ hoạt động khai thác bất hợp pháp đang ảnh hưởng đến các loài động vật có vú trên cạn trong rừng nhiệt đới Amazon, từ loài gặm nhấm đến mèo rừng cho đến khỉ titi.

Nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ những thách thức cấp bách đối với hệ sinh thái được coi là quan trọng nhất thế giới, tại Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon kể từ năm 2009 đã tập trung thảo luận, xây dựng chính sách và hướng tới thống nhất mục tiêu, quan điểm trong đàm phán về hơn 130 chủ đề, từ nguồn tài chính cho phát triển bền vững đến hòa nhập bản địa. Các nội dung đàm phán chính đã tập trung vào chiến lược chống phá rừng, chống tội phạm có tổ chức và phát triển bền vững cho hơn 50 triệu người với hàng trăm nhóm bản địa sinh sống.

Tổng thống Brazil Lula da Silva cam kết sẽ giảm nạn phá rừng xuống còn con số 0 vào năm 2030, đảo ngược một số chính sách khai thác rừng trước đó của người tiền nhiệm. Brazil cũng đã kêu gọi các nước khu vực và quốc tế chung tay bảo vệ rừng Amazon vì đây là thách thức mà một mình nước này không thể giải quyết nổi.

Mặc dù đã có tuyên bố chung của các quốc gia liên quan về quyết tâm bảo vệ rừng Amazon, nhưng giới quan sát nhận định mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 theo đề xuất của Brazil và Colombia khó thành hiện thực với nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là nhận thức và hành động của nhiều quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>