Italia kêu gọi EU tìm giải pháp về người di cư

20/09/2023 | 09:45 GMT+7

Là cửa ngõ vào châu Âu, nhiều năm nay Italia đã đứng trước áp lực quá tải người nhập cư trái phép khiến quốc gia này kêu gọi EU tìm giải pháp hỗ trợ.

Người di cư tại đảo Lampedusa, Italia ngày 14-9. Ảnh: AFP

Mới đây, Bộ Nội vụ Italia thông tin, chỉ trong vòng 24 giờ ngày 12-9 đã có khoảng 6.800 người di cư đến đảo Lampedusa của nước này. Như vậy, trong các ngày từ 11 đến 13-9, khoảng 8.500 người di cư, nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa, đã đến đảo này trên 199 tàu. Đây là thách thức nghiêm trọng đối với Thủ tướng Italia Giorgia Meloni khi cam kết ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp vào nước này.

Đảo Lampedusa ở Địa Trung Hải là điểm đến đầu tiên của những người di cư vào châu Âu. Từ đây, họ sẽ tiếp tục di chuyển về phía Bắc để đến các nước châu Âu khác, với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, không mấy người trong số họ thực hiện được ước mơ của mình khi đặt chân lên “vùng đất hứa”.

Theo các nhà chức trách Italia, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng người di cư tới đảo Lampedusa là do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Tunisia trong nhiều ngày qua do biển động.

Hiện do cơ sở lưu trú duy nhất cho người di cư trên đảo chỉ có khoảng 450 giường, chính quyền sở tại đã khẩn cấp chuyển người di cư bằng tàu thương mại hoặc tàu bảo vệ bờ biển đến Sicily, hoặc Calabria ở phía Nam đất liền Italia. Francesca Basile, phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ Italia ở Lampedusa, cho biết họ đang “rất nỗ lực” để cung cấp “các dịch vụ cơ bản” cho 6.000 người di cư tại Lampedusa. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn người di cư đang gặp khó khăn.

Bộ Nội vụ Italia thông tin, hơn 120.000 người di cư đã đến nước này bằng đường biển trong năm nay, trong số đó có trên 11.000 trẻ vị thành niên không có người đi cùng. Hầu hết người di cư băng qua Italia bằng cách đi bộ, đi xe bus và tàu hỏa khi cố gắng hướng tới miền Bắc nước này.

Andrea Costa, Chủ tịch Baobab Experience, một hiệp hội phi lợi nhuận chuyên trợ giúp những người di cư quá cảnh ở Rome, cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng người di cư từ Nam Sudan, Sudan và Eritrea trong mùa Hè năm nay.

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, vào năm 2016, Italia đã tiếp nhận hơn 180.000 người xin tị nạn khiến nước này đã quá tải người nhập cư trái phép nên làn sóng nhập cư trái phép tăng nhanh từ đầu năm đến nay đã khiến quốc gia này càng bị khủng hoảng hơn.

Trước đó, Pháp và Đức khẳng định sẽ từ chối những người di cư đi bằng đường biển qua khu vực bờ biển Italia, bất chấp các quy định về tị nạn của Liên minh châu Âu (EU). Hồi tháng 7, EU cũng đã đạt thỏa thuận với Tunisia nhằm kiềm chế dòng người nhập cư bất hợp pháp từ quốc gia Bắc Phi này kéo đến châu Âu. Tuy nhiên, hiện trạng làn sóng di cư vẫn không giảm mà còn tăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong chuyến thị sát chung tới đảo Lampedusa, Thủ tướng Giorgia Meloni cho rằng các nước EU cần phối hợp để đối phó với những thách thức chung từ làn sóng người di cư đang trở nên mất kiểm soát. Thủ tướng Meloni nhấn mạnh, vấn đề này đang đe dọa tương lai mà EU hướng tới, một tương lai phụ thuộc vào năng lực toàn khối ứng phó với những thách thức lớn.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, do đó cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italia.

Về lý thuyết là vậy nhưng thực tế nhiều quốc gia EU từ chối tiếp nhận người di cư nên khiến một số nước rơi vào tình trạng khủng hoảng. Do vậy, việc tìm lời giải cho bài toán khủng hoảng người di cư vào châu Âu vẫn còn đang bỏ ngõ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 127.000 người di cư đã tìm đến các địa phương ven biển của Italia, gần gấp đôi số lượng người di cư ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 2.000 người di cư đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt biển từ Bắc Phi tới Malta và Italia trong năm 2023. 

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>