Mỹ có còn viện trợ quân sự cho Ukraine ?

02/10/2023 | 18:50 GMT+7

Phát biểu từ Nhà Trắng hôm 1-10 sau khi ký gói tài trợ ngăn không để chính phủ đóng cửa vào phút cuối mà không có phần hỗ trợ cho Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh: “Không có nhiều thời gian” để giúp Kiev.

Xe tăng Abrams của Mỹ khai hỏa. Ảnh: US Army

Theo CNBC, phát biểu từ phòng Roosevelt sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói tài trợ ngân sách ngắn hạn giúp chính phủ thoát khỏi nguy cơ đóng cửa, Tổng thống Joe Biden cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Ukraine bị gián đoạn.

Gói tài trợ ngân sách ngắn hạn giúp chính phủ Hoa Kỳ thoát khỏi nguy cơ đóng cửa không bao gồm phần hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Cùng với việc lưu ý rằng tài trợ ngân sách ngắn hạn giúp chính phủ thoát khỏi nguy cơ đóng cửa chỉ kéo dài tới giữa tháng 11-2023, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chúng ta có thời gian, nhưng không nhiều và hiện nay đang có cảm giác cấp bách tột độ”, đồng thời yêu cầu Quốc hội đàm phán một gói hỗ trợ (Ukraine) càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp thừa nhận, việc đạt được sự chấp thuận tại Quốc hội đối với việc hỗ trợ Ukraine ngày càng khó khăn hơn khi xung đột vẫn tiếp diễn. Sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với viện trợ đã và đang có động lực trong Quốc hội nước này.

Trong khi lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer của Đảng Dân chủ đã bắt đầu quá trình xem xét dự luật cung cấp viện trợ bổ sung cho Ukraine, thì Chủ tịch Hạ viện Kevin McCathy lại phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn khi vấp phải sự phản đối của gần một nửa trong số các nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Phát biểu trên chương trình “Face on the Nation” của CBS, lãnh đạo Hạ viện khẳng định ông ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí cần thiết, song ưu tiên của ông vẫn là an ninh biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỉ USD cho Ukraine và cung cấp cho nước này rất nhiều vũ khí, đạn dược. Tuy nhiên, đây cũng lại là điểm gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Và để tránh cho Chính phủ liên bang phải đóng cửa vào hôm 30-9 vừa qua, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại cả Hạ viện và Thượng viện đã quyết định từ bỏ việc tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Bất chấp cam kết của Tổng thống Joe Biden, các đồng minh của Mỹ ở phía bên kìa bờ Đại Tây Dương vẫn không khỏi lo ngại. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell đã bày tỏ hy vọng đây sẽ không phải là quyết định cuối cùng của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, quyết định mới nhất tại Quốc hội Mỹ báo hiệu một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ với Ukraine khi diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi các nhà lập pháp Mỹ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Đồi Capitol. Nhà lãnh đạo Ukraine khi đó đã nhấn mạnh sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ dành cho nước này là rất quan trọng.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>