Mỹ đạt thỏa thuận sơ bộ nâng trần nợ công

28/05/2023 | 21:08 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để tăng trần nợ công, chấm dứt tình trạng bế tắc trong nhiều tháng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Biden và ông McCarrthy đã điện đàm với nhau sáng ngày 27-5 (giờ Mỹ) để thảo luận về thỏa thuận.

Thỏa thuận sẽ làm thay đổi tình trạng bất ổn kinh tế nếu nó được thông qua tại Quốc hội trước khi Bộ Tài chính cạn tiền để chi trả cho các nghĩa vụ của mình như cơ quan này cảnh báo ngày 26-6 trong trường hợp mức trần nợ công không được thông qua vào 5-6.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã thúc đẩy các bước đi quyết liệt cùng các điều kiện khác để giảm thâm hụt ngân sách, như có thêm các yêu cầu mới với các chương trình trợ cấp cho người thu nhập thấp.

Những thông tin chi tiết về thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được công bố nhưng các nhà đàm phán đã chấp nhận giữ các khoản chi phí quốc phòng ở mức năm 2023 trong vòng hai năm để đổi lấy việc trần nợ công sẽ được nâng lên trong khoảng thời gian này, Reuters cho hay.

Theo đó, thỏa thuận này sẽ là bước đệm để ngăn chặn một vụ vỡ nợ có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ, miễn là chính phủ của ông Biden vượt qua rào cản cuối cùng là một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này sẽ vỡ nợ nếu quốc hội không kịp thời thông qua thỏa thuận về việc nâng trần nợ công, vốn được ấn định ở mức 31,4 nghìn tỉ USD.

Sau khi ông Biden và ông McCarthy đạt được đồng thuận, các thành viên Hạ viện sẽ có 72 giờ để đọc lại các đề xuất trước khi bỏ phiếu. Tiếp đến, đề xuất sẽ cần phải thông qua ý kiến Thượng viện. Khi cả lưỡng đảng thống nhất thông qua, dự luật sẽ được chuyển cho ông Biden ký ban hành luật chính thức.

Bất kỳ thỏa thuận về nguyên tắc nào giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông McCarthy đều cần phải được thỏa thuận và thông qua tại Quốc hội Mỹ, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với số ghế 222-213, trong khi đảng Dân chủ chiếm đa số 51-49 ở Thượng viện.

Những đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đe dọa sẽ chặn dự luật nâng trần nợ công nếu nó không đáp ứng được kỳ vọng của họ, như yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu công.

Các đảng viên Dân chủ cứng rắn cũng dọa rút lại sự ủng hộ với một số thỏa hiệp, đặc biệt là quanh việc đưa ra các yêu cầu việc làm mới với các chương trình xóa đói nghèo của liên bang.

Đảng Cộng hòa muốn hạn chế mạnh chi tiêu của chính phủ trong 10 năm tới để làm chậm tốc độ tăng nợ của Mỹ, hiện tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế.

Nhưng thỏa thuận dự kiến có thể sẽ không đạt được mục tiêu của họ. Hai bên đã tạm thời thống nhất nâng trần nợ lên đủ để đáp ứng nhu cầu vay của đất nước cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2024.

Nếu Quốc hội không nâng trần nợ công trước ngày 5-6, điều này có thể gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển thị trường tài chính và đẩy Mỹ rơi vào suy thoái sâu sắc.

Bế tắc kéo dài đã gây áp lực lên thị trường tài chính Mỹ. Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả còn nặng nề hơn nhiều, có nguy cơ đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển kinh tế thế giới và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>