Nga ban hành Luật về sửa đổi Hiến pháp

16/03/2020 | 06:36 GMT+7

Ngày 14-3, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã ký ban hành Luật sửa đổi Hiến pháp vừa được Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) nước này thông qua. Sự kiện đánh dấu bước quan trọng trong một quá trình thủ tục đặc biệt trước khi các sửa đổi Hiến pháp này có hiệu lực.

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trước phiên họp toàn thể của Hạ viện Nga chiều 10-3 theo giờ Matxcơva.  Ảnh: TASS

Luật về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga đã trải qua 3 lần bỏ phiếu ở Duma quốc gia Nga, tiếp đó là bỏ phiếu ở Hội đồng Liên bang và bước thứ 3 là được cả 85 chủ thể của Liên bang Nga tán thành trong ngày 13-3.

Luật sửa đổi Hiến pháp bao gồm các nội dung tăng quyền lực của Quốc hội, quy định liên quan tới nhiệm kỳ của tổng thống, chuyển một số quyền lực từ tổng thống sang Duma Quốc gia (Hạ viện), nghiêm cấm việc quan chức Nga nhập quốc tịch nước ngoài, điều chỉnh mức lương tối thiểu, củng cố các điều khoản liên quan tới quyền tự do, quyền công dân và quyền con người. Sửa đổi cũng sẽ ưu tiên hóa Hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế, vị thế của tiếng Nga và một số nội dung khác...

TASS cho hay phần đầu của Luật sửa đổi Hiến pháp có liên quan tới sáu chương, từ Chương 3-8. Trong khi đó, Lời tựa của bản Hiến pháp hiện nay, cùng các Chương 1-2-9 sẽ được giữ nguyên.

Một trong những nội dung được quan tâm trong Luật sửa đổi Hiến pháp là điều khoản liên quan tới nhiệm kỳ của Tổng thống Liên bang Nga. Cụ thể, một khi sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực, quy định một người không thể giữ chức vụ Tổng thống Nga quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp vẫn sẽ được áp dụng, song không tính đến số nhiệm kỳ người này đảm nhận trước đó.

Như vậy, sau khi sửa đổi Hiến pháp được áp dụng, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin và các cựu nguyên thủ quốc gia Nga có thể tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới, bất kể số nhiệm kỳ mà những chính khách này từng đảm nhận trước đó. Ông Putin hoàn toàn có thể tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024.

Sau khi được Tổng thống ký phê chuẩn, văn kiện sẽ được gửi đến Tòa án Hiến pháp để kiểm tra. Tòa án Hiến pháp sẽ có 7 ngày để quyết định Luật có phù hợp Hiến pháp hay không. Nếu không phù hợp, thủ tục sẽ chấm dứt, còn nếu các sửa đổi tuân thủ Hiến pháp, người đứng đầu quốc gia sẽ chỉ định một cuộc bỏ phiếu toàn dân Nga về văn bản sửa đổi. Các công dân Nga trên 18 tuổi đều có thể bỏ phiếu, trừ những trường hợp mất năng lực hoặc tù nhân.

Ngày bỏ phiếu đã được lên kế hoạch vào 22-4. Ủy ban bầu cử Trung ương Nga sẽ có 5 ngày để kiểm phiếu và thêm 3 ngày trước khi công bố. Nếu các sửa đổi được người dân Nga chấp thuận, Tổng thống Putin sẽ ban hành sắc lệnh về việc chính thức công bố Hiến pháp sửa đổi và ngày có hiệu lực.

Ông Putin lần đầu tiên nắm quyền Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 31-12-1999 sau khi Tổng thống đầu tiên của nước này, Boris Yeltsin, bất ngờ tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho ông Putin - khi đó giữ cương vị Thủ tướng Nga. Ba tháng sau, ông Putin đắc cử tổng thống lần đầu tiên.

Do Hiến pháp Nga hiện nay không cho phép một vị tổng thống tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin không thể ra tranh cử Tổng thống năm 2008. Tại cuộc bầu cử năm 2008, ông Dmitry Medvedev đắc cử Tổng thống và bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng. Ông Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 3-2012 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 (nhiệm kỳ tổng thống Nga lúc này đã được kéo dài thành 6 năm). Chiến thắng trong cuộc đua tranh cử tổng thống vào năm 2018 đã giúp ông Putin nắm quyền thêm 6 năm nữa (tới năm 2024).

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>