Nga tăng cường đầu tư cho quốc phòng

19/05/2023 | 08:22 GMT+7

Nga đang tiến hành các thủ tục chính thức rút lui hoàn toàn khỏi Hiệp ước về các Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Động thái này làm dấy lên quan ngại đối với các quốc gia liên quan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti

Dự luật mới này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình Duma Quốc gia. Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã được bổ nhiệm làm đại diện giám sát các thủ tục tại Quốc hội, liên quan đến quá trình bãi bỏ CFE.

Phía Nga tuyên bố việc từ bỏ Hiệp ước về Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), nhưng sẽ không loại bỏ vấn đề kiểm soát vũ khí khỏi chương trình nghị sự. Hạ viện Nga thông qua dự luật cho phép Matxcơva rút khỏi CFE, đồng thời cho rằng động thái này hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia trong đảm bảo an ninh của Nga. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết quyết định chính thức rút khỏi CFE được các nghị sĩ đưa ra dựa trên lợi ích của người dân nước này. Bởi lẽ,”Washington và Brussels, bị ám ảnh với ý tưởng xây dựng thế giới đơn cực và mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông, đã phá hủy hệ thống đảm bảo an ninh toàn cầu”. Ông cáo buộc NATO là “sói đội lốt cừu”, “tuyên bố thành lập vì mục đích phòng thủ nhưng lại mang đau khổ và tàn phá Nam Tư, Afghanistan, Libya, Iraq và Syria”.

Hiệp ước về Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được ký kết tại Paris vào năm 1990 bởi đại diện của 16 quốc gia thành viên NATO và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vacsava và có tính đến sự cân bằng vũ khí thông thường giữa hai khối. Năm 1999, một phiên bản cập nhật của hiệp ước đã được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp ước đã tạo ra một hệ thống hạn chế số lượng vũ khí thông thường, xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.

Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE, với lý do các thành viên NATO mới không đưa lực lượng quân sự của họ vào các giới hạn theo hiệp ước. Tháng 2 năm nay, Nga cũng đã đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START), thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng với Mỹ. Trong Thông điệp liên bang Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Nga không vi phạm thỏa thuận và sẵn sàng quay trở lại với điều kiện là tiềm năng hạt nhân của Pháp, Anh, các thành viên của NATO được tính đến.

Việc Nga đơn phương rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí kể cả vũ khí hạt nhân với Mỹ, châu Âu và NATO đã dấy lên quan ngại một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm ở các quốc gia liên quan.

Trong một động thái liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố sẽ thực thi toàn diện các biện pháp cần thiết nhằm đạt được sự đổi mới và nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang. Ông Putin yêu cầu quân đội Nga giữ vững và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ ba hạt nhân, trong đó “đảm bảo giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sự cân bằng chiến lược và cân bằng tổng thể của các lực lượng trên thế giới”. Ông Putin cho rằng mức độ vũ khí hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã đạt trên 91% và nước này “sẽ thực hiện tất cả các kế hoạch” để trang bị cho lực lượng chiến lược những hệ thống vũ khí mới nhất.

Còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, ngân sách quốc phòng nước này đã giúp tăng 30% lượng vũ khí cung cấp cho Các Lực lượng Vũ trang Nga với việc cung cấp đạn dược và tên lửa sẽ tăng 69% và 109% trong năm 2022. Tháng 9 vừa qua, truyền thông Nga đưa tin, chi tiêu quân sự của Chính phủ nước này đã đạt tới 4.700 tỉ Ruble (66 tỉ USD) trong năm 2022, cao hơn 1.500 tỉ Ruble so với kế hoạch ban đầu.

Những động thái gần đây của Nga được cho là trả đũa Mỹ, châu Âu và NATO vì đã cung cấp vũ khí cho Ukraine đánh trả Nga. Tuy nhiên, về sâu xa hành động của Nga cũng muốn nâng tầm vũ khí hiện đại để đối trọng với những đe dọa an ninh quốc gia trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích