Nga, Trung Quốc phản ứng kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G7

22/05/2023 | 18:29 GMT+7

Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima là một loạt các tuyên bố có tính chất chống Nga và chống Trung Quốc. Hội nghị do Nhật Bản làm chủ tịch được tổ chức tại Hiroshima từ ngày 19 đến 21-5.

Các nhà lãnh đạo G7 và đại diện của EU chụp ảnh chung tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20-5-2023. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Ngoại giao Nga, một lần nữa, kết quả của sự kiện G7 là các quyết định bị chính trị hóa nhằm vạch ra các ranh giới chia rẽ trong quan hệ quốc tế, phá hoại sự ổn định toàn cầu. Đồng thời, nỗi sợ hãi hoang mang về sự xuất hiện của một thế giới đa cực đang buộc các thành viên của G7 hợp lực để thổi phồng chủ nghĩa bài Nga và Trung quốc.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, G7 đúng nghĩa là “đã cố định” vào một cuộc đối đầu toàn diện với Nga. Thông qua những nỗ lực của Mỹ, nó đã tiếp quản các chức năng của trụ sở chính trong việc hoạch định các biện pháp trừng phạt và các yếu tố khác của một cuộc chiến tranh “hỗn hợp” chống lại Nga, bao gồm cả việc xác định quy mô và thời gian cung cấp quân sự của phương Tây cho chế độ Kiev.

Ngoài ra, Washington, với sự hỗ trợ của London, đang buộc các đồng minh của mình đưa ra những quyết định bất lợi cho họ, chẳng hạn như tăng chi tiêu quân sự để hỗ trợ Kiev, hỗ trợ người tị nạn và mua khí đốt từ Mỹ. Đồng thời, các nước G7 không ngần ngại lôi kéo các quốc gia không phải phương Tây về phía mình và ngăn cản sự phát triển quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, “rõ ràng G7 là nhân tố chính làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu. Nó không thể phản ánh lợi ích của các trung tâm phát triển khác, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh”.

Một ngày trước đó, các nhà lãnh đạo của các nước G7 đã thông qua thông cáo chung trước khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh. Theo đó, các nước G7 sẽ phản đối các hành vi phi thị trường của Trung Quốc, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ bất hợp pháp. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cực lực phản đối.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh là nhằm mục đích ngăn chặn kép cả Matxcơva và Bắc Kinh. Theo ông, NATO và EU đã đặt cho mình mục tiêu “đánh bại Nga trên chiến trường” và loại bỏ nước này như một đối thủ cạnh tranh địa chính trị.

Trong khi đó, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh tới để phản đối “sự cường điệu xung quanh các vấn đề liên quan đến Trung Quốc” tại Hội nghị G7 ở Hiroshima cuối tuần qua.

Reuters trích dẫn thông cáo cuối ngày 21-5 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông cáo buộc Nhật Bản đã cùng một số nước khác tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 “có các hoạt động và tuyên bố chung... bôi nhọ và công kích Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước này, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tinh thần của 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản”.

Phát biểu của ông Tôn được cho rằng ám chỉ đến Tuyên bố chung Trung Quốc - Nhật Bản năm 1972. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, các hành động của Nhật Bản gây bất lợi cho chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đại lục, và Bắc Kinh “rất không hài lòng cũng như kiên quyết phản đối” các động thái này.

“Nhật Bản nên điều chỉnh cách hiểu về Trung Quốc, nắm bắt quyền tự chủ chiến lược, tuân thủ các nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị giữa hai nước và thực sự thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương với thái độ xây dựng”, ông Tôn nói.

Tokyo chưa lên tiếng phản hồi trước thông tin trên.

G7 là nhóm các quốc gia công nghiệp tiên tiến: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italia. Trong tuyên bố chung ngày 20-5, các lãnh đạo G7 cho hay họ “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, “phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>