Pháp rút quân khỏi Niger: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

29/09/2023 | 09:59 GMT+7

Việc Pháp tuyên bố rút quân khỏi Niger được cho là bước đầu giành lại chủ quyền của quốc gia Tây Phi này, tuy nhiên, động thái trên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những người ủng hộ chính quyền quân sự ở Niger xông vào căn cứ không quân Pháp. Ảnh: AA

Tổng thống Emmanuel Macron Macron hôm 24-9 thông báo: “Pháp sẽ rút Đại sứ khỏi Niger cùng với lực lượng quân sự của họ khỏi Niger trong những tháng tới. Đồng thời, nhà lãnh đạo này cũng cho biết thêm Pháp đã chấm dứt hợp tác quân sự với chính quyền Niger”.

Động thái này được lãnh đạo quân sự của Niger bày tỏ sự tán thành và ca ngợi đây là một bước quan trọng để đạt được chủ quyền, trong khi một liên minh các tổ chức xã hội dân sự ca ngợi việc rút quân là một “chiến thắng cho người dân Niger trong công cuộc đấu tranh giành chủ quyền”.

Pháp hiện có khoảng 1.500 binh sĩ đang đồn trú tại Niger, sau khi Paris đình chỉ các hoạt động quân sự ở Mali và Burkina Faso vì đảo chính quân sự trước đó. Căn cứ của Pháp ở Niger là một trong những căn cứ lớn nhất ở vùng Sahel và khi việc rút quân hoàn tất, sẽ chỉ còn vài chục binh sĩ Pháp ở lại Chad.

Sở dĩ Pháp ra lệnh rút quân khỏi Niger bởi nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân chính từ những bất đồng xảy ra với chính phủ quân sự của quốc gia Tây Phi này. Sau khi tiến hành đảo chính và nắm quyền kiểm soát Niger vào tháng 7, chính quyền quân sự Niger đã ra lệnh cho Đại sứ Sylvain Itte rời khỏi đất nước này. Sau đó, họ thu hồi visa cấp cho Đại sứ Pháp và chỉ thị cho cảnh sát trục xuất ông.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao này vẫn ở lại Đại sứ quán Pháp ở Niamey và sau đó căng thẳng tiếp tục leo thang. Ông Itte và các nhà ngoại giao khác của Pháp tại Niger “đang bị bắt làm con tin ở đại sứ quán” và không thể ra ngoài. Hiện ông Itte cùng 6 nhân viên khác đã được thả và về tới Pháp.

Mặt khác, việc tồn tại của Pháp ở Niger với vai trò bảo hộ đã không còn được người dân nước này ủng hộ. Điều này đã khiến uy tín của Pháp tại Niger bị giảm sút dẫn đến bài xích buộc phải rút quân.

Theo giới phân tích, việc Pháp rút quân khỏi Niger hiện nay ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhà phân tích chính trị người Ghana Mutaru Mumuni Muqthtar, Giám đốc điều hành Trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan Tây Phi (WACCE), cảnh báo rằng, trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải xem xét tương lai của Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Chuyên gia Muqthtar cho rằng: “Niềm hân hoan sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bởi vì Niger, vào lúc này, không có khả năng tự thúc đẩy sự thịnh vượng, ổn định và đảm bảo lợi ích bền vững trước các mối đe dọa mà họ hiện đang phải đối phó”.

Niger dưới thời Tổng thống Bazoum là nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố thánh chiến, bởi sự hỗ trợ của 1.500 binh sĩ Pháp. Bên cạnh đó, Niger phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngoài các vấn đề an ninh, bao gồm tình trạng thất nghiệp ở thanh niên và sự thất vọng lan rộng về tình hình kinh tế của đất nước.

Mặt khác, tiềm lực kinh tế của Niger quá yếu kém nên không đủ sức vực dậy đất nước. Trong khi đó, việc giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài sẽ cản trở việc phục hồi kinh tế  và có thể gây ra những kết quả thảm khốc.

Một trong những hậu quả lớn nhất từ việc Pháp rút quân khỏi Niger là sự thay đổi của các liên minh quốc tế. Việc Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đình chỉ tư cách thành viên của Niger, thậm chí đe dọa có thể tiến hành can thiệp quân sự để khôi phục trật tự Hiến pháp tại nước này đã khiến Niger càng đơn độc trong tương lai. Tất cả đều tác động đáng kể đến địa chính trị ở Niger và khu vực Sahel.

Giới quan sát nhận định, động thái Pháp rút hết lực lượng khỏi Niger đồng nghĩa với việc nước này đã “buông tay” quốc gia Tây Phi này. Đây là tín hiệu xấu báo hiệu những khủng hoảng mới sẽ xảy với Niger trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>