Tác động từ lệnh áp giá trần đối với dầu của Nga

05/12/2022 | 06:38 GMT+7

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng với Liên minh châu Âu và Australia mới đây đã đạt thống nhất về cơ bản mức giá trần áp lên dầu xuất khẩu của Nga.

Một nhà máy lọc dầu của Nga ở vùng Amur. Ảnh: TASS

Theo đó, các khách hàng muốn mua dầu của Nga bằng đường biển sẽ không được phép trả quá 60 USD cho một thùng dầu.

Theo báo Al Jazeera (Qatar), các nước phương Tây tin rằng những nền kinh tế muốn mua dầu của Nga sẽ phải tuân thủ lệnh áp giá trần bởi một sức mạnh quan trọng mà phương Tây đang nắm giữ. Hầu hết các công ty bảo hiểm trên biển đều đang thuộc các nước G7, trong khi việc vận chuyển đường biển mà không có bảo hiểm có rủi ro quá lớn và bảo hiểm thường là yêu cầu không thể thiếu của loại hình vận tải này.

Theo tính toán của phương Tây, cứ mỗi USD giá dầu Nga hạ thì ngân sách của Matxcơva sẽ bị mất đi 2 tỉ USD. Trong khi đó, Nga cảnh báo sẽ không bán dầu cho bất kỳ nước nào thực thi lệnh áp giá trần của phương Tây. Câu hỏi giờ đây là lệnh áp trần giá dầu có khiến các nước chùn bước trước việc mua dầu của Nga, hay số lượng dầu của Nga được bán ra thị trường có bị hụt đi so với hiện nay.

Báo chí Trung Đông cho rằng với những tác động không rõ ràng từ các lệnh áp trần giá trần, OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục mức sản lượng thắt chặt, sau khi đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11. Thậm chí, OPEC+ có thể còn tính đến việc tiếp tục cắt giảm thêm nếu giá dầu có xu thế đi xuống trước đà phục hồi chậm hơn dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, ngày 3-12, giới chức Nga cảnh báo, việc áp giá trần với dầu từ Nga sẽ dẫn đến giá nhiên liệu trên toàn thế giới tăng cao đột ngột. Theo các quan chức Nga, việc áp giá trần đối với dầu từ Nga là “định hình lại” các nguyên tắc thị trường tự do, đồng thời khẳng định thế giới vẫn có nhu cầu với dầu mỏ Nga, bất chấp các biện pháp trên.

Theo cơ quan ngoại giao Nga, những tuyên bố rằng giới hạn giá được đưa ra nhằm đáp ứng lợi ích của các nước đang phát triển, trên thực tế chỉ là cái cớ của các nước phương Tây. Họ đang cẩn thận che đậy sự thật rằng, mất cân bằng hiện tại ở các khu vực năng lượng là kết quả của những hành động hấp tấp của chính họ. Trước hết là các biện pháp trừng phạt và cấm các nguồn tài nguyên từ Nga.

Chuyên gia thị trường chứng khoán tại BCS Mir Investments Igor Galaktionov cho rằng, trần giá mà phương Tây đưa ra gần với mức giá hiện tại đối với dầu Urals, và nhiều trường hợp ngoại lệ cũng như chính định dạng của cơ chế theo dõi mức giá trần cho phép khả năng giữ lại phần lớn hàng xuất khẩu của Nga. Nước này buộc phải bán dầu Ural với giá chiết khấu, và hiện tại, theo nhiều ước tính khác nhau, giá dao động từ 55-65 USD/thùng. Đối với ngân sách Nga, điểm giới hạn 60USD cũng là một phương án có thể chấp nhận được, vì thâm hụt ngân sách sẽ bắt đầu tăng mạnh chỉ ở mức 40-45 USD/thùng.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, kể từ tháng 5, việc vận chuyển dầu của Nga sang phương Tây đã giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày, nhưng phần lớn - 2/3 khối lượng này đã được chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga. Nếu tính cả việc cung cấp bằng đường ống, thì Trung Quốc dẫn đầu.

Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh toàn cầu tại Bank of America Francisco Blanch cho rằng, sau ngày 5-12, nguồn cung dầu của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, nhưng nếu thị trường mất nhiều hơn mức này, dầu Brent sẽ vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Theo ý kiến của ông, vào cuối năm 2023, giá dầu Brent tương lai có thể sẽ tăng lên 110 USD/thùng, bởi vì nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị hạn chế.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>