Triều Tiên hợp tác với Nga làm Mỹ - Hàn quan ngại

27/09/2023 | 04:53 GMT+7

Việc Triều Tiên tăng cường hợp tác với Nga, nhất là lĩnh vực quân sự đã làm cho Mỹ và Hàn Quốc quan ngại. Đây cũng là tác nhân mới làm cho bán đảo Triều Tiên “dậy sóng”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại sân bay vũ trụ Vostochny Cosmodrome, vùng Amur, ngày 13-9. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA khẳng định: “Việc nước này giữ quan hệ chặt chẽ với Nga là điều đương nhiên và bình thường nên không có lý do gì để quy kết trách nhiệm cho hành động như vậy”. Đây cũng là nội dung Triều Tiên phản bác chỉ trích của Hàn Quốc về việc nước này tăng cường hợp tác với Nga.

KCNA cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã vu khống “ác ý” về mối quan hệ hợp tác thân thiện Nga - Triều. “Chính sách đối ngoại của Triều Tiên sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Triều Tiên với các nước láng giềng thân thiết sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn”.

Trước đó, ông Yoon Suk-yeol cho rằng nếu Nga giúp Triều Tiên phát triển các chương trình vũ khí để đổi lấy hỗ trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine thì đó sẽ là “một hành động khiêu khích trực tiếp”.

Trong chuyến thăm Nga 6 ngày (từ ngày 12 đến 17-9), lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Vladimir Putin và loạt quan chức cấp cao Nga, cũng như thăm nhiều địa điểm quân sự, công nghệ quan trọng của nước này.

Ông Kim đã dành phần lớn thời gian để tham quan các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga. Trong đó, đáng chú ý là thăm nhà máy sản xuất máy bay ở Komsomolsk-on-Amur, nơi chế tạo những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và các quan chức quân sự cấp cao đã giới thiệu cho ông về các mẫu oanh tạc cơ chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân. Tất cả máy bay chiến đấu mà Nga giới thiệu với ông Kim đều đã được “thử lửa” trong chiến dịch ở Ukraine, gồm oanh tạc cơ Tu-160, Tu-95 và Tu-22. Ông Shoigu và trung tướng Sergei Kobylash, tư lệnh không quân chiến lược Nga, lần đầu xác nhận Tu-160 gần đây được trang bị tên lửa hành trình mới với tầm bắn lên tới 6.500km.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, cũng cho ông Kim thấy tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, một trong những “siêu vũ khí” mới của Nga và cũng đã từng được sử dụng ở Ukraine.

Ông Shoigu và ông Kim sau đó tới Vladivostok, nơi họ thị sát tàu khu trục Đô đốc Shaposhnikov. Tư lệnh hải quân Nga Nikolai Yevmenov đã giới thiệu với ông Kim về tính năng và vũ khí của con tàu, trong đó có tên lửa hành trình tầm xa Kalibr mà tàu chiến Nga thường xuyên phóng vào các mục tiêu của Ukraine.

Trong cuộc gặp hồi tháng 7, ông Kim Jong-un cũng từng đưa Bộ trưởng Shoigu tham quan các hệ thống vũ khí của Triều Tiên trước khi mời ông theo dõi lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi giới thiệu các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất có khả năng vươn tới Mỹ.

Các chuyến thăm cơ sở quân sự và công nghệ Nga của ông Kim có thể phần nào cho thấy những gì lãnh đạo Triều Tiên mong muốn nhận từ Matxcơva, khi hai nước tăng cường quan hệ và xích lại gần nhau.

Giới chức Mỹ và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại Nga có thể đang cố gắng mua đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung cho kho dự trữ của mình nhằm phục vụ cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi Bình Nhưỡng tìm kiếm từ Matxcơva trợ giúp về công nghệ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa. Mặc dù mọi hoạt động hỗ trợ các chương trình vũ khí Triều Tiên đều bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng nhiều khả năng việc xích lại gần Nga của Triều Tiên sẽ mở ra hướng đi mới cho quốc gia này trong việc củng cố và gia tăng tiềm lực quốc phòng.

Nếu những dự đoán trên thành hiện thực thì bán đảo Triều Tiên càng “dậy sóng” hơn trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>