Xung đột ở Sudan tiếp tục leo thang

25/04/2023 | 08:51 GMT+7

Quốc gia châu Phi này đã gia hạn đóng cửa không phận. Hiện các nước đang khẩn trương tiến hành kế hoạch sơ tán công dân khỏi Sudan.

Giao tranh nổ ra ở Sudan vào ngày 15-4, cướp đi sinh mạng của trên 400 người cho đến nay. Ảnh: REUTERS

Việc gấp rút đưa công dân sơ tán khỏi “chảo lửa” Sudan diễn ra khi các phe phái quân sự đối địch giao tranh ở thủ đô Khartoum của nước này vào ngày 23-4.

Cuộc giao tranh nổ ra cách đây 8 ngày giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến 420 người thiệt mạng và hàng triệu người Sudan bị mắc kẹt, không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Khi người dân cố gắng sơ tán tránh cuộc giao tranh, nhiều nước đã điều động máy bay và tổ chức các đoàn xe ở thủ đô Khartoum để đưa công dân của họ đi tản cư. Một số công dân nước ngoài đã bị thương. Một phóng viên của Reuters cho biết, tiếng súng vang khắp thành phố và khói đen bốc lên cao.

Giao tranh nổ ra ở Khartoum cùng với các thành phố lân cận là Omdurman và Bahri và các vùng khác của Sudan vào ngày 15-4.

Quân đội Sudan và RSF đã cùng tổ chức một cuộc đảo chính vào năm 2021 nhưng đã thất bại trong quá trình đàm phán về kế hoạch thành lập một chính phủ dân sự và tích hợp RSF vào các lực lượng vũ trang.

Chiến sự ở Sudan giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng đẩy quốc gia này đến bờ vực sụp đổ và nguy cơ gây tác động vượt ra khỏi biên giới. Tướng Abdel Fattah Burhan, tư lệnh các lực lượng vũ trang, và tướng Mohammed Hamdan Dagalo, chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF lớn mạnh từ phiến quân Janjaweed khét tiếng ở Darfur, đang tranh giành nhau để kiểm soát Sudan.

Cả hai phe đều có hàng chục ngàn tay súng, được nước ngoài ủng hộ, sở hữu tài nguyên thiên nhiên và những nguồn lực khác để có thể đương đầu với các lệnh trừng phạt. Đó là công thức cho kiểu xung đột kéo dài đã tàn phá nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, từ Lebanon đến Syria, Libya và Ethiopia.

Cuộc chiến diễn ra hai năm sau khi hai người này bắt tay nhau thực hiện cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi dân chủ bắt đầu sau phong trào biểu tình năm 2019, dẫn đến việc lật đổ nhà lãnh đạo độc tài lâu năm Omar al-Bashir. Trong mấy tháng gần đây, các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm quay lại quá trình chuyển đổi dân chủ.

Người chiến thắng sau cuộc chiến hiện nay có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Sudan, còn người thua có thể phải sống lưu vong, bị bắt hoặc chết. Một cuộc nội chiến kéo dài hoặc phân chia đất nước thành các vùng lãnh thổ đối lập cũng có thể xảy ra.

Sudan giáp biên giới với 5 quốc gia khác: Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Gần như tất cả các nước này đều sa lầy trong xung đột nội bộ, với nhiều nhóm phiến quân hoạt động dọc biên giới.

“Điều diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ giới hạn ở Sudan. Chad và Nam Sudan có nguy cơ chịu tác động lan tỏa ngay lập tức. Nhưng chiến sự kéo dài có thể sẽ dẫn đến can thiệp lớn từ bên ngoài”, Alan Bosweel, chuyên gia công tác tại International Crisis Group, nhận định.

Các bên có thể trở thành trung gian hòa giải, như Mỹ, Liên Hiệp Quốc, EU, Ai Cập, các nước Vùng Vịnh, Liên minh châu Phi và khối 8 nước Đông Phi IGAD, thậm chí có thể khiến nỗ lực dàn xếp hòa bình trở nên phức tạp hơn bản thân cuộc chiến.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>